Ngày 13/9, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu Hội Nông dân lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2023. Phó Chủ tịch Ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam và Bí thư tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đến dự, chỉ đạo đại hội.
Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Nông dân đã tích cực, chủ động, sáng tạo, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân do Đại hội VIII, nhiệm kỳ 2013-2018 đã đề ra.
Qua 5 năm, toàn tỉnh đã có trên 300.000 lượt hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi và gần 270.000 hộ đạt danh hiệu. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất, trong đó có nhiều hộ nông dân thu nhập từ 500 triệu đồng/năm. Các cấp hội đã kết nạp được trên 14.000 hội viên mới, nâng tổng số hội viên Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh lên gần 100.000 người. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia thực hiện.
Qua kênh vay vốn Qũy Hội nông dân xã, ông Ân Văn Kim( Đồng Đặng, Sơn Dương,Hoành Bồ) được vay 30 triệu đồng phát triển mô hình trồng giống ổi Đài Loan. Sau 1 năm chăm sóc, vụ ổi đầu tiên cho lãi gần 100 triệu đồng |
Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Nông dân đã huy động, ủng hộ trực tiếp, giúp đỡ trên 21.000 hộ hội viên nghèo, khó khăn với khoảng 200.000 ngày công; cho vay không lấy lãi 11,4 tỷ đồng; giúp đỡ trên 1.600 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cũng đã hiến hơn 450.000m2 đất, tự nguyện tháo dỡ trên 50.000m tường rào để xây dựng hạ tầng nông thôn, công trình phúc lợi công cộng; đóng góp hơn 65 tỷ đồng, hơn 364.000 ngày công lao động sửa chữa và xây mới gần 1.500 km đường giao thông, gần 180 km kênh mương.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc ghi nhận những kết quả đạt được của Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ qua. Những nỗ lực đó đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo, đời sống khu vực nông thôn.
Toàn tỉnh hiện nay đã có 50/111 xã (45%) đạt chuẩn nông thôn mới, 06/22 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; thu nhập của người dân khu vực nông thôn tăng từ 29,5 triệu đồng/năm (năm 2015) lên 37 triệu đồng/năm (tháng 6/2018). Những kết quả đạt được của Hội Nông dân đã góp phần tích cực cùng với tỉnh thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển KT-XH đã đề ra.
Để góp phần thực hiện thành công những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới, Bí thư Tỉnh ủy gợi mở một số vấn đề đề nghị Đại hội cùng thảo luận, đó là: Phát huy tổ chức, bộ máy của Cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung trong khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện để tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của các cấp hội một cách đa dạng, phong phú, thiết thực đối với quyền lợi của hội viên, nông dân.
Đặc biệt hướng vào các vấn đề mà hội viên, nông dân đang cần hỗ trợ, tạo động lực, sức hút để hội viên, nông dân gắn bó với tổ chức hội. Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức hội, hội viên, nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với trọng tâm là cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình nông thôn mới.
Các cấp hội cần tập trung các hoạt động, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua lớn của hội, tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, góp phần hoàn thành mục tiêu của Đề án 196, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân. Mỗi hội viên nông dân phải thực sự là chủ thể, tham gia xây dựng các chương trình, đề án; phải có khát vọng vươn lên, sẵn sàng đổi mới, hội nhập, đoàn kết, hợp tác sản xuất; tự giác đầu tư công sức, tài chính để làm giàu trên chính mảnh đất của mình.