Hội thảo khoa học quốc gia “Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển (1471-2021)”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 28/12, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển (1471 - 2021). Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam.
 Lễ ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn giai đoạn 2021 - 2025.
Lễ ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn giai đoạn 2021 - 2025.

Chủ trì hội thảo có PGS.TS. Bùi Nhật Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam; ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

Ngoài ra, còn có hơn 70 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên các lĩnh vực kinh tế, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ học, dân tộc học, khảo cổ học;… ở các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, cơ quan Trung ương và địa phương trên cả nước, cũng tham dự buổi hội thảo này.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, nhìn lại chặng đường lịch sử 550 năm hình thành và phát triển, trong sâu thẳm mỗi người dân đất Quảng luôn tự hào và mãi mãi ghi ơn những thế hệ tiền nhân khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất Quảng Nam tươi đẹp như ngày nay.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Quang cảnh buổi hội thảo.

“Và đây cũng là mốc thời gian để chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và làm rõ nét hệ giá trị của vùng đất, con người Quảng Nam; về vai trò, vị trí, những đóng góp của Quảng Nam trong tiến trình phát triển của dân tộc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa, xã hội; tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển”, ông Lê Trí Thanh nói.

Tại buổi hội thảo, PGS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết, con người và mảnh đất Quảng Nam ghi dấu ấn sâu sắc trong các trang sử của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy cam go của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những thời điểm khó khăn thử thách nhất, người luôn có sự đồng hành ủng hộ của những con người Quảng Nam có học thức uyên thâm và tinh thần cách mạng kiên định, vững vàng. Đó là cụ Phan Châu Trinh, người đã từng chu cấp và hỗ trợ Nguyễn Tất Thành trong những ngày tháng đầu tiên Nguyễn Tất Thành đến sống ở Paris. Đó là Huỳnh Thúc Kháng, người đã từng được Hồ Chí Minh trân trọng mời tham gia Chính phủ Liên hiệp, tin tưởng giao nhiệm vụ điều hành đất nước trong những thời khắc vận mệnh quốc gia ngàn cân treo sợi tóc vào năm 1946. Và bản thân những chí sĩ Quảng Nam đã nhìn thấy những phẩm chất cách mạng cao đẹp của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh và đặt trọn vẹn niềm tin yêu vào người.

“Lịch sử 550 năm hình thành và phát triển của Quảng Nam được phản ánh qua quá trình lịch sử, phát triển kinh tế- xã hội. Việc nhận diện các giá trị, di sản, nguồn lực, bản sắc của vùng đất này là một việc làm hết sức quan trọng, để từ đó đánh giá những thế mạnh, cơ hội, vị trí và vai trò của vùng đất này, đồng thời chỉ ra những rào cản, điểm nghẽn cần phải khơi thông để giúp Quảng Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, phát huy những giá trị vốn có của vùng đất Quảng Nam nhiều hơn nữa”, PGS.TS Bùi Nhật Quang chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phát biểu khai mạc hội thảo.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phát biểu khai mạc hội thảo.

Tại hội thảo này, có gần 100 tham luận của các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ các cơ quan trên cả nước tập trung vào những nội dung như: Lịch sử - khảo cổ; Dân tộc - tôn giáo; Văn hoá - Ngôn ngữ; Kinh tế - xã hội.

Dịp này, UBND tỉnh Quảng Nam và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn giai đoạn 2021-2025.

Đọc thêm