Hội thảo khoa học quốc tế 'Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 29/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; UBND tỉnh Bến Tre phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.
Hội thảo khoa học quốc tế 'Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay'

Tham dự hội thảo có ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; ông Madan Mohan Sethi - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh; TS. Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phạm Vinh Quang - Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại, Bộ Ngoại Giao, kiêm Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; ông Lê Đức Thọ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; bà Hồ Thị Hoàng Yến - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre; ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre; cùng lãnh đạo các tỉnh bạn và đông đảo các nhà khoa học trong nước, quốc tế.

Ông Lê Đức Thọ - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre phát biểu chào mừng hội thảo

Ông Lê Đức Thọ - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre phát biểu chào mừng hội thảo

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Lê Đức Thọ - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, Hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” là một trong những hoạt động quan trọng của tỉnh Bến Tre thay mặt Việt Nam cam kết với UNESCO về việc vinh danh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu là Danh nhân văn hóa, cùng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông (1/7/1822 - 1/7/2022). Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhấn mạnh, đây là dịp để Bến Tre được đón tiếp các quý vị đại biểu quốc tế và trong nước tới thăm, tìm hiểu thêm về vùng đất, con người Bến Tre.

Thông qua Hội thảo này, thay mặt Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre ông Lê Đức Thọ mong muốn UNESCO, các quốc gia thành viên của UNESCO, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và các bộ, ban, ngành Trung ương của Việt Nam, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để hoạt động gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, thơ văn của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu xứng tầm với danh hiệu cao quý được công nhận, vinh danh ở tầm quốc tế. Đồng thời, đề nghị đưa kỷ niệm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu được tổ chức cấp nhà nước vào những năm chẵn, năm tròn theo quy định hiện hành.

Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre báo cáo đề dẫn và khai mạc hội thảo

Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre báo cáo đề dẫn và khai mạc hội thảo

Nói về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, TS. Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cuộc đời và sự nghiệp của ông đã được nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu ở Việt Nam và quốc tế tìm hiểu trong suốt hơn 150 năm qua. Những giới thiệu về tác phẩm của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu được người Pháp tiến hành ngay từ khi ông còn sống. TS. Hoàng Đạo Cương cho biết, Nguyễn Đình Chiểu là tác giả Việt Nam có tác phẩm được phổ biến ở nước ngoài chỉ đứng sau Đại thi hào Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trải qua thời gian, cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đã đi vào lịch sử, văn học, văn hóa - nghệ thuật, vào đời sống của người dân Nam Bộ, cũng như cả trong nước và nước ngoài.

Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam (Ngoài cùng bên trái)

Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam (Ngoài cùng bên trái)

Hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” lần này Ban tổ chức đã nhận được 133 tóm tắt tham luận, toàn văn tham luận của các tác giả. Đồng thời, đã lựa chọn 96 tham luận của các tác giả (17 tham luận của tác giả nước ngoài, 79 tham luận của các tác giả trong nước) in trong kỷ yếu hội thảo. Trong số các tác giả có 14 giáo sư, 24 phó giáo sư, 39 tiến sĩ có tham luận in trong kỷ yếu.

Đại biểu nghiên cứu tham luận tại hội thảo

Đại biểu nghiên cứu tham luận tại hội thảo

Trình bày tham luận tại hội thảo, các nhà khoa học tập trung vào các nội dung: Nguyễn Đình Chiểu trong lịch sử Việt Nam, khu vực và quốc tế nửa sau thế kỷ XIX; Thơ Nguyễn Đình Chiểu với vận mệnh quốc gia, số phận con người trong chiến tranh qua nghệ thuật văn chương; Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Đình Chiểu; Tư duy tiến bộ về giải phóng con người trong những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu; Đổi mới lý thuyết và cách tiếp cận truyện Nôm, văn tế và thơ Đường luật của Nguyễn Đình Chiểu; Nhìn lại văn bản công bố tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu trong nước và nước ngoài;

Nhân cách văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, những giá trị văn hóa trường tồn; Tinh thần hiếu học của Nguyễn Đình Chiểu trong xã hội thế kỷ XIX và dòng chảy lịch sử; Bảo vệ và phát huy giá trị tư tưởng, nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Di sản Nguyễn Đình Chiểu và phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam, du lịch danh nhân ở Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng…

GS.TS Trần Nho Thìn trình bày tham luận Nguyễn Đình Chiểu và thời đại

GS.TS Trần Nho Thìn trình bày tham luận Nguyễn Đình Chiểu và thời đại

PGS.TS Pascal Bourdeaux trình bày tham luận Nguyễn Đình Chiểu từ góc nhìn phương Tây và Pháp ngữ

PGS.TS Pascal Bourdeaux trình bày tham luận Nguyễn Đình Chiểu từ góc nhìn phương Tây và Pháp ngữ

Mặc dù các nhà khoa học đến từ các quốc gia khác nhau, các viện nghiên cứu, các trường đại học khác nhau, với cách tiếp cận khác nhau, nội dung đề cập khác nhau, nhưng đều khẳng định tầm vóc nhân loại của một danh nhân văn hóa Việt Nam được Đại hội đồng UNESCO vinh danh và đồng kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Nguyễn Đình Chiểu tục gọi là cụ Đồ Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh ngày 1/7/1822 tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc TP Hồ Chí Minh). Ông xuất thân trong một gia đình nhà Nho, cha là Nguyễn Đình Huy tự Dương Minh Phủ, quê ở Thừa Thiên; mẹ là bà Trương Thị Thiệt, người làng Tân Thới, Gia Định.

Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Sau khi mẹ mất, vì quá thương nhớ mẹ, ông đã khóc đến mù lòa hai mắt. Thời gian đó Pháp xâm chiếm Gia Định, ông về ở tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tại đây ông vẫn tiếp tục dạy học và làm thầy thuốc, dù bị mù cả hai mắt nhưng ông vẫn tích cực dùng văn chương để kêu gọi lòng yêu nước của sĩ phu và nhân dân.

Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu gồm nhiều thể loại, trong đó thành công nhất là truyện thơ và văn tế bằng chữ Nôm. Các tác phẩm chính của ông gồm: Truyện thơ Lục Vân Tiên, Dương Tử - Hà Mậu, Ngư Triều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1861), 12 bài thơ điếu Đốc binh Phan Ngọc Tòng (1868), Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh (1874),... Thơ văn ông là những áng văn bất hủ, chứa chan lòng yêu nước thương dân, đặc biệt đối với người nông dân chân lấm tay bùn, căm thù giặc ngoại xâm, đồng thời dạy con người đạo nghĩa ở đời. Ông mất ngày 03 tháng 07 năm 1888. Mộ ông nằm tại ấp 3, tại An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Ngày 23/11/2021, tại Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu và tham gia kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu vào năm 2022 thông qua Nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại.

Đọc thêm