Hồi tưởng 60 ngày Cẩm Giàng gian khó vượt Covid - 19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ hôm nay 1/4, Hải Dương chuyển sang trạng thái bình thường mới sau hơn 2 tháng chiến đấu với đại dịch Covid-19. Huyện Cẩm Giàng có thời điểm được coi là ổ dịch phức tạp nhất của tỉnh, đến nay đã hơn 20 ngày không phát sinh ca nhiễm...
Người dân Hải Dương vui mừng sau khi có quyết định kết thúc phong tỏa
Người dân Hải Dương vui mừng sau khi có quyết định kết thúc phong tỏa

Ông Trần Văn Quyết – chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng chia sẻ về hành trình 60 ngày gian khó nhưng đầy quyết tâm.

- Ngày 5/2, khi có quyết định phong tỏa toàn bộ huyện Cẩm Giàng, địa phương mới có 10 ca bệnh, đứng thứ 4 trong tỉnh về  số lượng ca nhiễm. Thời điểm có nhiều ý kiến cho rằng phong tỏa quá sớm, ông đánh giá sao về các ý kiến này?

Ông Trần Văn Quyết: Mặc dù thời điểm đó toàn huyện chỉ mới có 10 ca bệnh, tập trung ở 2 xã. Tuy nhiên, các ca bệnh này có liên quan đến một số nhân viên quán Karaoke.  Những người này đều tiếp xúc với nhiều người và lịch trình di chuyển phức tạp. Trong khi đó, trên toàn huyện có gần 60 quán Karaoke với khoảng 300 nhân viên và người quản lý. Bên cạnh đó, Cẩm Giàng có 5 khu công nghiệp với hơn 70.000 công nhân, mật độ dân số đông lại nằm dọc đường QL5.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện đánh giá nguy cơ lây lan ra diện rộng rất lớn. Để đảm bảo an toàn cho Cẩm Giàng, cho Hải Dương và các địa phương khác, huyện đã đề xuất phong tỏa toàn bộ huyện. Đề xuất của địa phương cũng trùng với ý kiến của của UBND tỉnh Hải Dương và ý kiến của các chuyên gia Bộ y tế.

Đúng như phân tích, đánh giá, sau đó dịch bệnh diễn biến phức tạp khó lường. Quyết định phong tỏa ở thời điểm đó được đánh giá là kịp thời, giúp địa phương khống chế dịch nhanh chóng và thành công như hiện nay.

- Thời điểm phong tỏa sát tết Nguyên đán, địa phương đã gặp những khó khăn gì?

Ông Trần Văn Quyết: Ngày 24 tháng Chạp, hầu hết các công ty còn chưa nghỉ Tết, quyết định phong tỏa đã khiến hơn 3 vạn công nhân bị “kẹt” ở Cẩm Giàng. Địa phương cũng còn khoảng 60.000 tấn cà rốt ở trên đồng chưa được thu hoạch.

Bên cạnh đó, tâm lý của người dân bao đời nay Tết là phải sum vầy, tết là đoàn tụ, phong tỏa tại thời điểm đó đã khiến tâm lý người dân rất hoang mang, lo lắng.

- Địa phương đã tháo gỡ như thế nào?

Ông Trần Văn Quyết: Các công nhân ở trọ không thể chuẩn bị được nhiều lương thực thực phẩm, thời gian phong tỏa dài, phong tỏa chặt khiến việc lưu thông hàng hóa khó khăn nên thời gian đầu có xảy ra tình trạng thiếu lương thực cục bộ. Tuy nhiên địa phương đã kịp thời khắc phục, phát 140 tấn gạo, 200 tấn rau củ, 800.000 quả trứng gà… cho các công nhân ở trọ và những gia đình khó khăn. Mạnh thường quân và các nhà hảo tâm cũng hỗ trợ một lượng lớn lương thực, thực phẩm nên các công nhân yên tâm thực hiện cách ly trong khu phong tỏa.

Nông sản của Cẩm Giàng tại thời điểm đó chủ yếu là cà rốt, do ảnh hưởng của phong tỏa nên gặp khó khăn trong việc xuất khẩu. Tuy nhiên, sự hỗ trợ tối đa của UBND tỉnh, sở Nông nghiệp, sở Công Thương, sở Giao thông…,đồng thời được các tổ chức, cá nhân nhiều nơi “giải cứu”, từng bước khó khăn trên cũng được tháo gỡ. Khi dừng phong tỏa, việc xuất khẩu được nối, lại đặc biệt đối tác lớn là Hàn Quốc tiếp tục nhập hàng thì việc “ách tắc” đã được giải quyết.

Để ổn định tâm lý của người dân, huyện cũng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đài phát thanh của huyện, xã đưa tin sáng chiều để bà con cập nhập được tình hình và có các biện pháp phòng chống hiệu quả nhưng không hoang mang, lo lắng thái quá. Từ đó người dân hiểu, tuân thủ và đồng lòng cùng chính quyền chống dịch.

- Có thời điểm, ổ dịch tại huyện Cẩm Giàng được đánh giá là phức tạp nhất tỉnh Hải Dương, địa phương đã triển khai biện pháp gì để khống chế dịch hiệu quả?

Ông Trần Văn Quyết: Hai đợt dịch trước huyện Cẩm Giàng chưa xuất hiện ca nhiễm nào. Tuy nhiên xác định các ca bệnh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, vì vậy địa phương đã chuẩn bị các phương án, kịch bản ứng phó cụ thể cho từng trường hợp. Do đó, khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên, việc khoanh vùng được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.

Bên cạnh đó lực lượng truy vết làm việc suốt ngày đêm. Mục tiêu trong thời gian ngắn nhất, phải đưa được các trường hợp F1 đưa đi cách ly tập trung, F2 có quyết định cách ly tại nhà. Với khoảng 20.000  trường hợp F1, F2 được cách ly kịp thời cũng góp phần ngăn chặn dịch không lây lan diện rộng. Các khu cách ly cũng được thực hiện không để lây nhiễm chéo.

Ngoài ra, địa phương cũng thực hiện xét nghiệm trên diện rộng, với khoảng 130.000 mẫu. Trong đó,  toàn bộ công nhân làm ở nhà máy, khu công nghiệp; tất cả người dân ở các khu vực phong tỏa;  tất cả cán bộ của huyện, xã, cán bộ trực chốt trực chốt điều được lấy mẫu để xét nghiệm … Thực hiện đồng bộ các biện pháp đó, địa phương đã từng bước khống chế được dịch bệnh.

- Hiện nay tình hình dịch bệnh của huyện như thế nào?

Ông Trần Văn Quyết: Rất đáng mừng là địa phương đã 20 ngày không có ca mới. Toàn huyện không còn trường hợp nào cách ly tập trung, hiện chỉ còn 20/105 ca bệnh đang điều trị.

- Từ hôm nay, Hải Dương chuyển sang trạng thái bình thường mới địa phương có giải pháp gì để vừa khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và vừa phòng chống dịch hiệu quả?

Ông Trần Văn Quyết: Đến nay hơn 90% các doanh nghiệp trên địa bàn đã hoạt động trở lại. Sau khi kết thúc phong tỏa việc xuất khẩu nông sản được nối lại. Hiện nay cà rốt đã tiêu thụ gần hết, với giá cao hơn mọi năm. Cuộc sống của người dân cũng dần trở lại bình thường.

Tuy nhưng, địa phương vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, tổ "Covid cộng đồng" tại các thôn, khu dân cư, tổ "An toàn Covid" tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời siết chặt công tác phòng chống dịch trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp. Huyện đã yêu cầu 6 doanh nghiệp tạm dừng sản xuất do không không đảm bảo các quy định phòng chống Covid-19. Bên cạnh đó địa phương vẫn tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch; bắt buộc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài; không tụ tập đông người …Chúng tôi xác định phải thực hiện mục tiêu kép, phòng chống dịch trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.

Chân thành cảm ơn ông!

Đã nhiều ngày Hải Dương không ghi nhận ca bệnh mới (từ ngày 19 - 30.3, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 2 ca bệnh đều là các trường hợp F1 đã được cách ly tập trung). Trong số 726 bệnh nhân đã có 638 người được ra viện.

Có 9 địa phương đã qua 20 ngày không ghi nhận ca mắc mới gồm thị xã Kinh Môn, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện, Thanh Hà, Bình Giang, Nam Sách, Tứ Kỳ và Cẩm Giàng. Các Bệnh viện dã chiến số 1 và 2 đã được giải thể. Ngày 26.3, cụm dân cư Văn Xá thuộc phường Ái Quốc (TP Hải Dương) là cụm dân cư cuối cùng trong toàn tỉnh được dỡ bỏ cách ly y tế, đánh dấu Hải Dương không còn nơi nào bị phong tỏa, cách ly y tế do có liên quan trực tiếp đến ca bệnh Covid-19.

Đọc thêm