Trong bài nói chuyện của mình, ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng thư ký Hiệp hội, đã trao đổi về lịch sử bảo hiểm nhân thọ thế giới và Việt Nam, về ngành bảo hiểm nhân thọ trong thời đại hiện nay, cũng như cơ hội và thách thức của nghề. Với 18 công ty bảo hiểm trên thị trường hiện nay, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ năm 2017 là 66.230 tỷ đồng (xấp xỉ 3 tỷ USD). Mỗi năm thị trường BHNT tăng trưởng khoảng 30%, có nghĩa là sau khoảng hơn 3 năm thì quy mô thị trường lại tăng gấp đôi.
“Với những con số biết nói này, chúng ta có thể thấy thị trường bảo hiểm ở nước ta còn non trẻ nhưng tốc độ phát triển rất nhanh. Dẫu vậy, chúng ta vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng thị trường”, ông Dũng cho biết.
Nước ta hiện chỉ có khoảng 8% người dân cả nước có tham gia BHNT, nếu chia tổng doanh thu phí BHNT theo đầu người thì trung bình một người dân chi tiêu khoảng 32 USD để mua BHNT, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ trên GDP của Việt Nam khoảng 1,3%. So với những nước trên thế giới thì con số này còn quá khiêm tốn, chẳng hạn Hong Kong mỗi năm trung bình một người dân bỏ ra 8.313 USD để mua BHNT, doanh thu phí BHNT trên GDP của Đài Loan xấp xỉ 22%, Hàn Quốc trên 11% .
Ông Ngô Trung Dũng (thứ 3 từ trái sang) cùng với đại diện Manulife, Generali, Aviva, MB Ageas và Fubon trả lời câu hỏi của các sinh viên |
Theo ông Dũng, đảo một vòng quanh thị trường BHNT của các nước phát triển trên thế giới, chúng ta có thể thấy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của ngành. Chỉ tính riêng tổng doanh thu phí BHNTcủa Mỹ đã trên 547 tỷ USD, gấp khoảng 2,5 lần GDP Việt Nam. Trung Quốc là 318 tỷ USD, gấp 1,5 lần GDP Việt Nam, còn Nhật Bản ở mức 307 tỷ USD.
Trong bài trình bày của mình, ông Dũng cũng phân tích những cơ hội, thách thức của ngành BHNT trong thời đại hiện nay. Nói đến cơ hội, ông cho biết ở Việt Nam tiềm năng thị trường BHNT vẫn còn đang rất lớn. Thứ hai, nhận thức về vai trò của BHNT ngày càng được nâng cao, nhiều người đã bắt đầu cảm nhận được ý nghĩa thiết thực của bảo hiểm. Thứ ba chính là sự gia tăng của tầng lớp trung lưu trong xã hội - vốn là đối tượng quan trọng của BHNT. Cơ hội thứ tư là tốc độ già hóa nhanh của dân số Việt Nam ngày càng nhanh, mà những người già lại cũng là đối tượng có nhu cầu bảo hiểm lớn.
“Ngành bảo hiểm nhân thọ trong thời kỳ 4.0 đang có nhiều cơ hội hơn bao giờ hết. Công nghệ phát triển giúp nâng cao chất lượng dịch vụ từ khâu bán hàng, khâu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, tương tác giữa doanh nghiệp bảo hiểm với khách hàng. Kênh bán bảo hiểm online dự kiến sẽ rất phát triển”, ông Dũng cho biết trước các câu hỏi về thách thức của ngành trong kỷ nguyên 4.0.
Hiệp hội trao tặng Từ điển bảo hiểm cho thư viện Trường Đại học Tôn Đức Thắng và các bạn sinh viên. Ảnh: Minh Phú |
Nói về thách thức, ông Dũng cho biết các doanh nghiệp BHNT không có sự cải tiến thì sẽ bị tụt hậu, bây giờ đã không còn là “cá lớn nuốt cá bé nữa”, mà trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 này thì là “cá nhanh đớp cá chậm”. Mạng lưới lớn, đại lý nhiều có thể đã là lợi thế cạnh tranh quan trọng của 1 DNBH nhân thọ, nhưng tới đây một công ty có ý tưởng tốt, tận dụng hiệu quả được các ứng dụng công nghệ hiện đại (như phát triển mạng lưới bán hàng online, qua mạng xã hội…; sử dụng trí tuệ nhân tạo để thẩm định, chi trả quyền lợi bảo hiểm…), có thể có được hàng ngàn, hàng triệu khách hàng mà các DNBH truyền thống trước đây phải mất nhiều năm mới có được.
Một thách thức khác là vấn đề rủi ro thông tin dữ liệu, rủi ro mạng: càng phù thuộc vào mạng thì độ rủi ro càng cao. Ngoài ra, còn là thách thức từ phía người tham gia bảo hiểm có thể sử dụng công nghệ để “lừa” lại DNBH đối với những sản phẩm bảo hiểm phụ thuộc vào công nghệ”, ông Dũng nói.
Cũng tại buổi nói chuyện, Hiệp hội đã trao tặng 50 cuốn Từ điển bảo hiểm, hiện là tài liệu giá trị đối với các giảng viên, sinh viên quan tâm đến đến ngành tài chính - bảo hiểm, cho thư viện trường và các sinh viên đạt các thành tích tốt trong học tập.