Hợp đồng mua bán điện sinh hoạt có nội dung gì?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ Công Thương đề xuất, hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt phải được đăng ký và được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chấp thuận cho áp dụng theo quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hợp đồng mua bán điện có thể được dưới dạng dữ liệu điệu tử

Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn về hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, hình thức hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt (hợp đồng) bao gồm: văn bản dưới dạng giấy và văn bản dưới dạng dữ liệu điện tử. Với văn bản được dưới dạng dữ liệu điện tử, bên mua điện có thể tra cứu và tải HĐ tại Cổng thông tin điện tử của bên bán điện.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt phải được đăng ký và được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chấp thuận cho áp dụng theo quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ, chủ thể ký hợp đồng là người đại diện của bên mua điện phải có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật, có đề nghị mua điện và thông tin về cư trú của hộ gia đình tại địa điểm mua điện hoặc giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quản lý, sử dụng địa điểm mua điện; có hồ sơ đề nghị đăng ký mua điện phục vụ mục đích sinh hoạt theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP gửi bên bán điện.

Trường hợp bên mua điện gồm nhiều hộ sử dụng điện chung ký 1 hợp đồng thì chủ thể ký hợp đồng của bên mua điện là đại diện số hộ dùng chung ký hợp đồng phải tuân thủ quy định và có văn bản ủy quyền của các hộ dùng chung ký hợp đồng. Tại hợp đồng phải ghi rõ số hộ dùng chung (có danh sách kèm theo) và giá bán điện được áp dụng theo Quy định về thực hiện giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành.

Chủ thể ký hợp đồng của bên bán điện là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của đơn vị bán lẻ điện có lưới điện phân phối đủ khả năng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu của bên mua điện.

Thời hạn của hợp đồng sẽ do hai bên cùng thỏa thuận. Trường hợp nếu hai bên không thỏa thuận cụ thể thời hạn của hợp đồng thì sẽ tính từ ngày ký đến ngày các bên hoặc một trong hai bên đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định.

Các điều khoản chung trong hợp đồng mua bán điện sinh hoạt

Về tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ, chất lượng điện năng được xác định tại vị trí theo thỏa thuận trong hợp đồng; và điện áp, tần số phải đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 137/2013/NĐ-CP.

Thiết bị đo đếm điện được kiểm định theo quy định của pháp luật. Khi treo tháo thiết bị đo đếm điện phải lập biên bản có xác nhận của chủ thể ký hợp đồng hoặc một thành viên có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình bên B hoặc người được bên B ủy quyền. Hàng tháng bên A ghi chỉ số điện vào một ngày ấn định, có thể dịch chuyển thời điểm ghi chỉ số trước hoặc sau một ngày. Ngày ghi chỉ số được thể hiện là ngày cuối của chu kỳ ghi chỉ số trên hóa đơn tiền điện. Bên A được quyền thỏa thuận thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ hàng tháng đã được ấn định trước đó nhưng phải được bên B đồng ý.

Về giá bán lẻ điện sinh hoạt phải thực hiện theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; và khi giá điện thay đổi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì giá mới được áp dụng và các bên không phải ký lại hợp đồng.

Theo dự thảo Thông tư, bên A đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bên B không sử dụng điện quá 6 tháng liên tục mà không thông báo trước cho bên A hoặc bên B không còn đáp ứng đủ điều kiện ký kết hợp đồng mua bán điện. Bên A có trách nhiệm thông báo cho bên B biết trước thời điểm ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện ít nhất 5 ngày bằng cách thông báo trong 3 ngày liên tiếp hoặc một trong các hình thức thông tin khác được hai bên thỏa thuận… Trường hợp bên A đã tạm ngừng cung cấp điện theo yêu cầu của bên B, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của bên B về việc tiếp tục sử dụng điện, bên A phải cấp điện trở lại cho bên B.

Quyền và nghĩa vụ của bên B gồm, được yêu cầu bên A bảo đảm chất lượng điện năng tại vị trí đã thỏa thuận trong hợp đồng; kiểm tra chất lượng điện, tính chính xác của thiết bị đo đếm điện, số tiền điện phải thanh toán; kịp thời khôi phục việc cấp điện sau khi mất điện. Thông báo cho bên A trước 15 ngày trong trường hợp thay đổi một hoặc các nội dung sau đây: mục đích sử dụng điện dẫn đến thay đổi giá điện; thay đổi số hộ dùng chung đã đăng ký trong hợp đồng; thay đổi định mức sinh hoạt; có nhu cầu chấm dứt hợp đồng… Khi phát hiện thiết bị đo đếm điện bị hư hỏng hoặc nghi ngờ chạy không chính xác, có những hiện tượng bất thường có thể gây mất điện, mất an toàn cho người và tài sản phải lập tức thông báo cho bên A; không được tự ý cung cấp điện cho hộ sử dụng điện khác; không được tự ý tháo gỡ, di chuyển công tơ điện; không trộm cắp điện dưới mọi hình thức…

Đọc thêm