Phát biểu tại lễ ký kết, ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GD&ĐT (Trung tâm MOET-TSC) - cho biết, với vị trí là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT, Trung tâm có chức năng nghiên cứu, dự báo phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ đào tạo các kỹ năng; định hướng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên; cung ứng nhân lực có trình độ đại học trở lên; truyền thông về tuyển sinh, hướng nghiệp, việc làm, đào tạo, sử dụng nhân lực và cung ứng nhân lực...
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm MOET-TSC đã kết nối với một số đơn vị trong ngành Giáo dục và một số tập đoàn, doanh nghiệp để thống nhất hợp tác triển khai các nhiệm vụ nêu trên ngày càng hiệu quả.
Trong tháng 1/2022 vừa qua, Trung tâm đã tổ chức 2 đợt ký kết hợp tác với gần 20 đơn vị bao gồm các đơn vị chức năng của các bộ, ngành, các tập đoàn, doanh nghiệp, trường đại học.
Việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm MOET-TSC với các cơ quan, ban ngành, đơn vị của tỉnh Đắk Lắk là cột mốc quan trọng trong việc xây dựng mô hình phối hợp liên ngành, khai thác đồng bộ thế mạnh của các lĩnh vực công tác, phát huy thế mạnh, tiềm năng của hai bên trong lĩnh vực quan tâm, cùng hướng đến mục tiêu nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, hội nhập quốc tế cho HSSV, giải quyết tốt việc làm cho sinh viên tốt nghiệp và thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, cải cách hành chính trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
"Tôi hy vọng rằng, việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm MOET-TSC và các cơ quan, ban ngành của tỉnh Đắk Lắk sẽ không chỉ gắn kết mà còn tạo tiền đề vững chắc để các bên phối hợp, hỗ trợ nhau cùng phát triển về mọi mặt trong tương lai", ông Bùi Văn Linh nhấn mạnh.
Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: Thanh Tùng. |
Các nội dung hợp tác giữa Trung tâm MOET-TSC với các đơn vị gồm ký kết hợp tác song phương giữa Trung tâm MOET-TSC với từng đơn vị và ký kết hợp tác chung của 6 đơn vị.
Việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm MOET-TSC với các đơn vị trong và ngoài ngành Giáo dục lần này là một cột mốc có ý nghĩa quan trọng giúp các đối tác, các doanh nghiệp có thể tiếp cận tốt hơn với môi trường giáo dục gắn với thị trường lao động trình độ cao tại Tỉnh Đắk Lắk.
Tại lễ ký kết, bà Lê Thị Kim Oanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk - bày tỏ vui mừng trước sự khởi đầu hợp tác giữa hai đơn vị với những nội dung như đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, hoạt động ươm tạo tài năng học sinh, sinh viên. Hy vọng lễ ký kết văn bản hợp tác hôm nay sẽ là bước khởi đầu thuận lợi để tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa hai đơn vị.
Ông Nguyễn Quang Thuân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk - cho biết, việc hợp tác giữa hai đơn vị sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức hỗ trợ học sinh, sinh viên đến thực tập tại các doanh nghiệp, tìm việc làm thêm, giới thiệu việc làm sau khi HSSV tốt nghiệp, xúc tiến tạo nguồn xuất khẩu nhân lực trên địa bàn tỉnh.
Còn ông Nguyễn Thanh Trúc - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên - hy vọng sự hợp tác giữa hai bên sẽ phát huy hiệu quả trong việc giới thiệu việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp, đưa học sinh, sinh viên đi đào tạo ở nước ngoài, kết nối giữa các cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng nhân lực, xúc tiến tạo nguồn xuất khẩu nhân lực.
Theo ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm MOET-TSC, trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đưa Trung tâm phát triển mạnh mẽ hơn, tham gia hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, chuyển đổi số; nhất là lĩnh vực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực do ngành Giáo dục đào tạo cung cấp cho xã hội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, đặc biệt là trong giáo dục, đào tạo, nhân lực và việc làm; Trung tâm sẽ tập trung triển khai một nhiệm vụ chủ yếu.
Trong đó, Trung tâm sẽ thực hiện 2 nhiệm vụ chính trị rất quan trọng về xây dựng Báo cáo tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp hằng năm để báo cáo Chính phủ, Quốc hội, hướng tới xây dựng Báo cáo Quốc gia hằng năm về tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp và Dự báo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội; và dự báo phát triển các chương trình đào tạo, ngành đào tạo để làm cơ sở cho các trường đại học xây dựng chiến lược phát triển ngành đào tạo; giúp HSSV, các gia đình lựa chọn ngành học/trường học, học tập tốt, sớm có việc làm tốt với chất lượng công việc cao hơn, hiệu quả hơn, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tránh lãng phí trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao (có trình độ từ đại học trở lên).