Hưng Yên sẽ xử lý nghiêm cơ sở sản xuất vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục góp ý kiến đối với các dự án đầu tư vào tỉnh, đề xuất từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; thẩm định chặt chẽ báo cáo đánh giá tác động môi trường; tăng cường phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở sản xuất vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cần xử lý nghiêm cơ sở sản xuất vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cần xử lý nghiêm cơ sở sản xuất vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có hơn 1000 dự án công nghiệp đang hoạt động, mỗi năm, lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh trong toàn tỉnh gần 120 nghìn tấn, lượng nước thải công nghiệp phát sinh khoảng 80 nghìn m3/ngày đêm. Với hơn 400 dự án hoạt động với tổng lượng nước thải gần 39 nghìn m3/ngày đêm. Trong đó, thu gom, xử lý tại khu xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp khoảng trên 23 nghìn m3/ngày đêm, lượng còn lại được chủ nguồn thải tự xử lý.

Chất thải rắn thông thường phát sinh gần 190 tấn/ngày, lượng chất thải nguy hại phát sinh trên 71 tấn/ngày. Hầu hết lượng chất thải thông thường, chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp được phân loại tại nguồn, thu gom, tạm lưu giữ và thuê đơn vị có đủ chức năng vận chuyển, đưa đi xử lý.

Năm 2021, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 13 lượt phản ánh về việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp như: Sự cố nước thải, chất thải phát tán ra môi trường; tình trạng đốt rác thải ngoài khu công nghiệp ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp. Từ đầu năm 2021 đến nay, ban quản lý đã phối hợp với ngành chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 14 doanh nghiệp, các cơ quan chức năng đã xử phạt 4 doanh nghiệp với mức phạt 2,285 tỷ đồng.

Để nâng cao hiệu quả quản lý môi trường trong sản xuất công nghiệp, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 31 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục. Trong đó có 27 cơ sở truyền dữ liệu trực tuyến về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định. Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức giám sát, lấy và phân tích mẫu định kỳ đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có lưu lượng xả thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

Năm 2021, sở đã phối hợp với ngành, đơn vị chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với gần 70 cơ sở sản xuất công nghiệp; xử lý 55 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt trên 4,7 tỷ đồng. Thiết lập đường dây nóng của Sở Tài nguyên và Môi trường để chủ động nắm bắt, tiếp nhận, nhanh chóng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xả chất thải chưa qua xử lý, xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường, góp ý cho trên 400 dự án đầu tư, trong đó tham mưu tỉnh từ chối 4 dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nằm ngoài khu công nghiệp.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số cơ sở sản xuất chưa đầu tư công trình xử lý nước thải sinh hoạt, chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, phát sinh nước thải sinh hoạt lưu lượng dưới 5m3/ngày đêm; còn tình trạng xả nước thải, chất thải không qua xử lý, xử lý không đạt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài các khu công nghiệp.

Sở sẽ tiếp tục góp ý kiến đối với các dự án đầu tư vào tỉnh, đề xuất từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; thẩm định chặt chẽ báo cáo đánh giá tác động môi trường; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án. Mặt khác sở sẽ đề nghị cấp có thẩm quyền thu hút đầu tư vào tỉnh những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm; hạn chế, tiến tới không tiếp nhận dự án sản xuất công nghiệp rời lẻ ở ngoài khu, cụm công nghiệp.

Đọc thêm