Thời gian qua, huyện Hải Lăng đã xây dựng chương trình về phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Một trong những dấu ấn nổi bật của ngành nông nghiệp huyện Hải Lăng là việc thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, thành lập tổ hợp tác, nhóm hộ thuê đất xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, lúa hữu cơ.
Mới đây, trong chuyến kiểm tra tình hình phát triển lúa hữu cơ trên địa bàn huyện Hải Lăng, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá: Mô hình lúa theo hướng hữu cơ triển khai tại địa phương đã đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất, người tiêu dùng và mở ra hướng canh tác bền vững cho địa phương.
Hiện nay, toàn huyện Hải Lăng đã phát triển được hàng chục mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 1.440 ha/năm, diện tích lúa chất lượng cao hằng năm đạt hơn 8.000 ha, sản xuất lúa hữu cơ 104 ha/năm, năng suất lúa bình quân hằng năm đạt hơn 61 tạ/ha.
Đặc biệt, đã có 7 HTX tham gia Liên hiệp HTX nông sản an toàn Hải Lăng sản xuất sản phẩm gạo sạch Hải Lăng với diện tích gần 20 ha, có hơn 330 ha lúa liên kết, liên doanh với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, quy hoạch gần 1.500 ha đảm bảo các điều kiện thiết yếu để sản xuất lúa hữu cơ. Riêng trong vụ đông xuân 2021 - 2022, toàn huyện đã mở rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ, lúa VietGap với diện tích 80 ha.
Ông Lê Đình Lễ, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Lăng cho biết: Việc sản xuất lúa hữu cơ luôn được huyện Hải Lăng hết sức quan tâm vì không chỉ sản xuất ra nông sản sạch, phục vụ tốt sức khỏe con người, cải tạo môi trường mà còn làm thay đổi nhận thức của người nông dân đang lạm dụng nhiều loại hóa chất trong sản xuất làm thái hóa đất đai, ảnh hưởng lâu dài đến năng suất, chất lượng cây trồng.
Cây cam mang lại nguồn thu nhập cao ở vùng đồi K4, xã Hải Phú. |
Đối với các xã vùng gò đồi, các địa phương đã tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để sản xuất các sản phẩm chủ lực đặc trưng, có hiệu quả kinh tế cao như cây cam với hơn 84 ha, trong đó có một trang trại trồng cây ăn quả có múi tại xã Hải Trường đã được chứng nhận sản phẩm hữu cơ phù hợp với các yêu cầu của nông nghiệp hữu cơ Việt Nam; diện tích rừng trồng theo chứng chỉ FSC ổn định 433 ha với mức thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng rừng truyền thống.
Ở các xã vùng cát ven biển, với mục tiêu tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Hải Lăng đã chú trọng khai thác tiềm năng vùng cát theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch và thâm canh các loại rau quả trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây. Trong đó, Hải Dương là địa phương điển hình với diện tích vùng cát khá lớn, đã quy hoạch và đưa vào sử dụng hiệu quả gần 140 ha để trồng rau màu các loại với giá trị thu nhập cao, riêng hai loại cây chủ lực gồm cây ném đạt từ 130-140 triệu đồng/ha, cây mướp đắng từ 110- 120 triệu đồng/ ha.
Cây ném trở thành thương hiệu ở vùng cát Hải Lăng. |
Nhờ xác định đúng trọng tâm, trọng điểm triển khai các giải pháp một cách đồng bộ nên huyện Hải Lăng đã khơi dậy được nội lực của nông dân và các thành phần kinh tế để tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, bền vững và đạt nhiều kết quả quan trọng cả về quy mô, năng suất, giá trị sản phẩm. Một số sản phẩm trên địa bàn được đăng ký nhãn hiệu, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, đăng ký sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm như gạo Hải Lăng, cam K4, ném vùng cát Hải Lăng, gà Tứ Hải…
Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2022, huyện Hải Lăng tiếp tục tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hữu cơ bền vững, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới, quan tâm cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh gắn với các vùng quy hoạch tập trung, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ.
Đồng thời, tăng cường chế biến, chế biến sâu; tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch. Khuyến khích đầu tư phát triển các vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Xây dựng cơ chế, chính sách, huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch…
Thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, huyện Hải Lăng phấn đấu đến năm 2025 sẽ kiểm soát một cách chặt chẽ quá trình sản xuất và sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn, 100% không sử dụng chất cấm trong sản xuất.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp nước ta nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Việc triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại huyện Hải Lăng đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của nông dân, người tiêu dùng, đồng thời mở ra hướng canh tác bền vững cho địa phương. Hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Hải Lăng đã định hình được vị thế, sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường.