Hưởng thừa kế theo pháp luật từ cha mẹ, con cái phải làm gì?

(PLVN) - Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định có hai loại hình thừa kế gồm: Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng khi người chết không để lại di chúc, di chúc không hợp pháp, những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Thừa kế theo luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản không được định đoạt trong di chúc, phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật...

Về nguyên tắc, con có quyền hưởng di sản thừa kế (DSTK) của cha mẹ. Tuy nhiên, những người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản; người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng... theo quy định tại Điều 621 BLDS năm 2015 thì không được quyền hưởng DSTK, trừ khi người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự hàng thừa kế. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Người nhận DSTK theo pháp luật làm thủ tục khai nhận DSTK, hoặc phân chia DSTK. Trước khi làm thủ tục khai nhận DSTK, những người trong hàng thừa kế cần họp mặt lập văn bản thỏa thuận cử người quản lý di sản, phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, thanh toán các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế (nếu có) theo thứ tự: Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng còn thiếu, chi phí cho việc bảo quản di sản, tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ, tiền công lao động, tiền bồi thường thiệt hại, thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước, các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân, tiền phạt và các chi phí khác.

Đối với khai nhận DSTK: Hình thức này có thể hiểu là tài sản vẫn được giữ nguyên. Sau khi khai nhận, khối tài sản đó thuộc sở hữu 1 người hoặc một số người thừa kế. Nếu tài sản thuộc một số người thì họ là đồng sở hữu chung hợp nhất. 

Đối với phân chia DSTK: Sau khi phân chia, tài sản sẽ được chia cụ thể cho từng người thuộc hàng thừa kế, mỗi người đều có quyền riêng đối với tài sản mà mình được hưởng. Tuy nhiên, đối với trường hợp di sản là bất động sản, việc phân chia tách thửa phải đảm bảo các điều kiện (vì các tỉnh, thành phố đều có quy định diện tích tối thiểu được phép chia tách); trường hợp không đủ diện tích tách thửa thì họ có quyền thỏa thuận với nhau về người nhận giá trị tài sản phân chia, người nhận nhà đất hoặc bán đi để chia theo phần.

Thủ tục khai nhận, phân chia DSTK được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc UBND cấp xã trên cơ sở căn cứ vào đơn yêu cầu và hồ sơ xin khai nhận, phân chia DSTK. 

Đọc thêm