|
Mấy Tết còn hơi trầm mà không còn mẹ, hình như khói trầm con hít vào còn có vị mặn của nước mắt chảy ra từ tim con. Những lúc này cứ ngẩn ra mà nhớ, mắt nhòe đi và tưởng tượng mẹ về trong lãng đãng khói trầm…
Mẹ là người Huế, dòng dõi Tôn Thất nên tên mẹ bắt đầu bằng những mỹ từ quyền quý, Công Tằng Tôn Nữ… vậy nhưng đời mẹ từ lúc sinh ra đến lúc về với đất trời thì dằng dặc trong vạn nỗi trầm luân. Mẹ thích trầm, mẹ vẫn đốt trầm từ độ cả nhà mòn mỏi tha phương. Thuở ấy con còn bé tẹo, mấy anh con vẫn hay “đạp cội - đi trầm”. Lặn lội vào rừng sâu nước độc tìm những cây bàu gió mà trầm “làm tổ”. Cái vỏ cây mỏng manh tách ra từ mạch trầm được gọi là “giác xông”, giác càng gần mạch thì khi đốt lên càng thơm, thơm đến độ bớt lạnh lòng xa xứ.
Trầm cứ theo con từ đó như một nỗi niềm tha phương của mẹ, của con và của cả nhà mình. Mỗi lần đốt trầm nơi đất khách, chắc mẹ nhớ Huế, nhớ quê, nhớ ấu thơ mình nhiều lắm. Ngày xa lắc, con nhớ ông ngoại cũng lặng lẽ đốt trầm trong những ngày lễ trọng hay mỗi dịp xuân về.
|
Mùi trầm là mùi của đoàn viên theo nghĩa tâm linh thiêng liêng và thanh khiết nhất. Là đoàn tụ cháu con và đón tổ tiên về trong dăm ba ngày Tết. Thế nên với những kiếp tha phương, mùi trầm lại càng da diết đến vô cùng với bao nỗi khát khao đoàn viên ấy. Ở quê thì thăm các thím, các dì, rồi lên mộ ông bà thắp mấy nén nhang. Tết đến thì rổn rảng tiếng cười trong long lanh mắt hội. Còn xa xứ thì nỗi niềm phiêu bạt cứ theo khói trầm cay mắt trong diệu vợi nhớ nhung.
Con giờ vẫn đốt trầm, chỉ tiếc thật hiếm khi tìm được thứ giác xông thơm như ngày xưa mẹ đốt. Nhưng dù sao vẫn còn chút vị xa xưa mà nối một nhịp cầu tâm thức để con lại mong mỏi nhìn thấy bóng mẹ trong bảng lãng khói trầm. Hương trầm lại cho mẹ con mình gặp nhau, mẹ nhỉ? Con mong mỏi được gặp lại một hình dung của mẹ, dù chỉ thoáng qua thôi cũng được...