Huyện Ân Thi (Hưng Yên) hội nhập và phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bằng việc xác định đúng đắn tình hình và có những quyết định chính xác trong từng hoàn cảnh, huyện Ân Thi đã trở thành một trong những địa phương có nhịp độ tăng trưởng cao và khá ổn định của tỉnh Hưng Yên.
Huyện Ân Thi ngày một đổi mới.
Huyện Ân Thi ngày một đổi mới.

Thành công này cũng được tạo dựng từ sự nỗ lực phấn đấu, tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp của mỗi người dân nơi đây…

Chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế

Năm 2021, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, đặc biệt đại dịch COVID-19… đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của cả nước nói chung, huyện Ân Thi nói riêng. Song với quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đã đề ra, Ân Thi đã duy trì sự phát triển, bước đầu đạt được kết quả nhất định, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng so cùng kỳ và có những chuyển biến tích cực, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch.

Cụ thể, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước 320.913 triệu đồng, đạt 178,7% kế hoạch tỉnh, đạt 158,9%, kế hoạch huyện giao và bằng 123,5% so cùng kỳ. Thu bình quân đầu người ước 50,1 triệu đồng đạt 97,8% so với kế hoạch, tăng 0,1% so với năm 2020. Lĩnh vực văn hóa – xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là thực hiện tốt chính sách về an sinh xã hội. UBND huyện Ân Thi cũng luôn nêu cao trách nhiệm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn, quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho người dân địa phương.

Đặc biệt, điểm nhấn trong phát triển KT-XH những năm qua là việc UBND huyện đã chỉ đạo khẩn trương rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống thương mại, dịch vụ, trong đó, xác định rõ các vị trí, quỹ đất ưu tiên xây dựng các khu công nghiệp sạch, khu công nghiệp số 3, khu công nghiệp số 5 thuộc Khu công nghiệp và Đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt..., tạo điều kiện giải phóng mặt bằng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, điện, nước... để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư, hộ tham gia kinh doanh, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Đồng thời, huyện thường xuyên thông tin về môi trường đầu tư của huyện, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn.

Huyện cũng đang chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với các dự án, công trình trên địa bàn huyện bao gồm các dự án: Dự án đường dây và trạm biến áp 110kV tại xã Bãi Sậy và đường dây qua 08 xã trên địa bàn huyện; Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng tuyến

đường huyện 62; Dự án nâng cấp, mở rộng đường gom (bên phải) đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Dự án vành đai V thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa bàn huyện; Dự án Đường trục ngang Kim Động – Ân Thi; Dự án đấu giá QSDĐ tại các xã: Bãi Sây, Tân Phúc, Đào Dương, Quang Vinh, Đặng Lễ, Văn Nhuệ, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Trãi, Đa Lộc, Hồng Quang, Tiền Phong, Hạ Lễ và thị trấn Ân Thi; Dự án CCN Quảng Lãng - Đặng Lễ; CCN Văn Nhuệ theo quy định…

Những dự án này hoàn thiện và đi vào hoạt động sẽ tạo ra sức hút đặc biệt, góp phần tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ của địa phương, làm thay đổi diện mạo của huyện.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn trao quyết định phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND huyện Ân Thi đối với đồng chí Dương Tuấn Kiệt (trái), Phó Bí thư Huyện ủy ngày 31/12/2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn trao quyết định phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND huyện Ân Thi đối với đồng chí Dương Tuấn Kiệt (trái), Phó Bí thư Huyện ủy ngày 31/12/2020.

Điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư

Bên cạnh việc tập trung thu hút đầu tư xây dựng các dự án trung tâm thương mại và dịch vụ, huyện Ân Thi cũng tăng cường xã hội hóa đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống chợ theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Ông Dương Tuấn Kiệt, Chủ tịch UBND huyện Ân Thi cho biết: “Nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, Ân Thi cũng sẽ khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, xác định những bước đi mang tính đột phá. Ngoài việc tái cơ cấu lại trong nông nghiệp đảm bảo tính hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển; Ân Thi sẽ kết hợp với ưu tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ. Để làm được điều này thì đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, phải tập trung tìm mọi biện pháp đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của các mô hình kinh tế”. Đặc biệt luôn xem “con người” là yếu tố tiên quyết, thông qua tạo môi trường sống tốt nhất cho người dân; trong đó giải quyết hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội như giải quyết lao động việc làm, xóa đói giảm nghèo, chăm lo đối tượng người có công, hộ nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo hiểm y tế.

Một trong những chiến lược trong phát triển KT-XH của tỉnh Hưng Yên là phấn đấu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế công nghiệp, là cầu nối của đồng bằng bắc bộ trong hội nhập kinh tế và giao lưu hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và thế giới. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Nghị quyết của Huyện ủy Ân Thi đã đề ra. Trong đó mục tiêu năm 2022, Ân Thi sẽ phấn đấu trở thành một trong những địa phương phát triển mạnh về kinh tế của tỉnh. Do vậy thời gian tới, Ân Thi sẽ luôn phấn đấu phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là giao thông, điện nước sạch gắn với xây dựng địa phương. Với xu hướng hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, huyện cũng luôn ở tâm thế sẵn sàng đón nhận sự ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển tại địa phương. Chắc chắn với quyết tâm phát triển nền kinh tế đa chiều hiệu quả này, huyện Ân Thi sẽ còn phát triển vượt bậc hơn để tự hào trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước.

Đọc thêm