Tống ôn, tống dịch
Diêm Điền ngày nay là một thị trấn của huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Diêm Điền cũng là tên của một cửa biển nổi tiếng một thời. Vào thời Trần có tên Đại Toàn. Cùng với cửa Đại Bàng, Cửa biển này là một lối ra của sông Hóa và Thái Bình đổ ra biển lớn. Cách đây hơn 700 năm, quân dân nhà Trần đã lập vùng chiến sự nơi đây để chống giặc Nguyên Mông lần thứ ba.
Đặc biệt, khắp các vùng dân cư Diêm Điền gắn với những huyền tích về Lý Bí (vua Lý Nam Đế), bà chúa muối, thần cá Voi…Bên cạnh đó, những nghi lễ linh thiêng của người dân biển cùng với các lớp lang huyền tích đã tạo nên bầu không khí cổ sử hiếm có cho vùng biển nơi đây.
Trong những ngày tháng 4 (âm lịch), khắp các xóm, làng tại vùng biển Diêm Điền đều nhộn nhịp tổ chức các lễ “tiễn thuyền” – một nghi lễ đặc trưng của các cư dân trên biển. Từ khắp các mái đình, mái chùa, ngã ba biển nơi đây lúc nào cũng nhộn nhịp người chuẩn bị cho các nghi lễ chính của lễ Tống ôn, tống dịch hay còn được gọi lễ tiễn long chu (tục gọi là tiễn tàu).
Lễ thỉnh Thánh có vai trò xin giấy thông thành từ Thần linh trước lúc Tống ôn. |
Tục Tống ôn là một tục lệ có từ lâu đời và được duy trì cho đến ngày nay của người dân Diêm Điền. Theo nghĩa đen, tống là tiễn đi, xua đi, ôn là dịch bệnh. Tống ôn nghĩa là tống tiễn và xua đuổi đi những dịch bệnh tai ương. Hiểu một cách rộng hơn Tống ôn là tống tiễn, xua đuổi những điều không may mắn, tai ương trong quá trình sinh sống và lao động trên biển của cộng đồng dân cư nơi đây.
Ngoài việc tống tiễn những điều không may mắn, bệnh tật, tục lệ này còn thể hiện mong cầu của người dân về sự bình an khi đi biển, tống khứ những xui rủi để đón nhận điều tốt lành cho những chuyến ra khơi.
“Phàm trần ai tỏ sự tiên”
Xưa dân gian có câu: “Phàm trần ai tỏ sự tiên” nên chuyện sinh hoạt tâm linh của người dân đi biển Diêm Điền cũng đầy ẩn ý, sâu xa. Vốn là miền dân cư biển, nhưng cũng giáp những khu vực văn hóa miền đồng bằng nên đời sống văn hóa – tâm linh của ngư dân rất phong phú. Đó là sự hòa quyện giữa tín ngưỡng biển cả và các nghi thức đồng bằng tạo nên nét riêng biệt.
Có mặt tại đình Các Đông (thờ Lý Nam Đế) – ngôi đình làng biển cổ kính, rêu phong đã rộn rã tiếng “cốc cốc, cheng cheng” của chuông mõ để “kiều thỉnh” thần linh. Người dân chia theo các Hối ( mỗi hối tương đương một xóm) chuẩn bị cho lễ Tống ôn của làng.
Trong mỗi gia đình họ sẽ chuẩn bị những “hình nhân” bằng giấy tương đương với số người trong nhà, mỗi bộ mã có giấy sớ, tiền âm và gạo muối. Người dân cho biết, họ quan niệm những hình nhân này sẽ mang đi những điều không may mắn của gia đình theo thuyền mã mà đi.
Nghi trượng quan trọng nhất, bắt buộc phải có là chiếc thuyền ( lệ gọi là long chu). Vì là phương tiện chịu trách nhiệm chuyên chở những “ôn dịch” của làng ra biển nên được làm rất cẩn thận. Các cụ cao niên đã tự làm chiếc long chu này từ một tuần trước khi lễ được tổ chức. Kích thước của thuyền thường từ 2,1m - 3,5m (kích thước con thuyền tùy từng năm, nếu năm đó kinh tế khá giả thì làm to, nếu không thì nhỏ hơn).
Khung thuyền được đan bằng tre và dán đủ các loại giấy mã màu sắc như một chiếc thuyền thật với đủ các cờ, lọng, súng thần công, chiêng, trống…Đặc biệt không thể thiếu là các hình nhân: quan lại, binh lính, tùy tùng…Ngoài ra, còn thuyền nhỏ chở hình nhân của người dân trong các hối gửi đến tống tiễn.
Nhượng ôn bằng các lễ vật giản dị từ chính tay ngư dân làm ra. |
Trước buổi tiến thuyền 1 ngày, các trưởng hối là các thầy cúng, thanh đồng dẫn các gia đình đến đền Mẫu Các Đông lễ Thánh. Các hình nhân thế mạng của mỗi hộ được chuẩn bị sẵn, chất đầy một góc đền. Trưởng hối sẽ “ngồi đồng” thỉnh các vị Thánh về chứng các hình nhân bằng mã.
Chiều hôm diễn ra lễ “Tống ôn”, đình Đông Các đã tấp nập người dân trong các hối đến chuẩn bị. Hầu hết, các lễ tiến thuyền đều được làm tại đình hoặc đền vì người dân cho rằng nơi đây có thể gần nhất với các vị Thánh, Thần tối uy và linh thiêng.
Diễn trình của lễ Tống ôn gồm 2 giai đoạn, thể hiện ở 2 lễ là nhượng ôn (lễ khao mời các ôn hoàng dịch lệ còn được gọi là lễ khao thuyền) và lễ Tống ôn (lễ tống đi những ôn hoàng dịch lệ, những nhớp nhúa, tai ương bệnh tật trong làng).
Các nghi thức chính thức diễn ra chính là lúc cả đình Các Đông chỉ có tiếng hát mộc của cụ hát văn, tiếng mõ, tiếng chuông lúc thỉnh Thánh. Năm nay, thanh đồng Vũ Đức Chất được người làng tín nhiệm cho việc ngồi đồng kiều thỉnh các vị Thánh, Thần giáng xuống đàn lễ.
Qua tấm vải điều đỏ thắm, cậu Chất “đảo đồng”, những người dân cạnh lâm râm khấn nguyện, họ cho rằng khoảnh khắc cậu đồng trùm khăn là lúc họ đang thỉnh Thần linh giáng về. Trong làn hương trầm, cậu đồng Chất lắc lư theo tiếng hát văn mộc mạc và làm những nghi lễ quan trọng.
Đầu tiên là “bóng” Đức Đại Vương Trần Hưng Đạo giáng đồng đầu tiên, dưới lớp áo bào đỏ lộng lẫy, cậu đồng Chất thể hiện sự uy nghiêm của vị Tướng về phê chuẩn sớ, lễ vật của người dân. Dưới “hình tướng” Thánh Trần, cậu đồng xin lệnh, sổ thông hành (sổ hành trình) để lên làm lễ nhượng ôn (người dân nơi đây còn gọi là lễ khao tàu) tại phủ Mẫu của làng. Ngoài ra, còn có giá Quan sát hải (theo các cụ ở địa phương cho biết có một quy định đó là: quan sát hải sẽ chịu trách nhiệm khao tàu năm lẻ, còn quan giám sát là năm chẵn).
Người dân khấn vái để cầu xua đi những xui xẻo và mong những điều tốt lành. |
Sau khi xin được lệnh, sổ hành trình thì đồng quan sẽ đốt một bó hương to và chạy về phủ mẫu của chùa Đót Tiên làm lễ nhượng ôn. Cùng lúc đó, chuông chùa và phủ mẫu cùng vang lên, chính thức báo cho cả làng cùng biết về lễ nhượng ôn. Người dân Các Đông chuẩn bị nhiều lễ vật như: mã, hoa quả, bánh kẹo, chè, cháo…để cho lễ khoa thuyền. Họ quan niệm về sự chia sẻ cho các chúng sinh trước khi tiễn họ về biển.
Tại xã Thái Thụy đa số đều thực hiện nghi lễ “Tống ôn” tại cửa biển Diêm Điền. Đúng 17h, sau khi đồng quan thỉnh Thánh “giáng”, phê sớ điệp, lễ vật, “khai tâm, nhĩ, nhãn cho hình nhân và thuyền là chuẩn bị cho khoảnh khắc tiễn thuyền. Bốn trai đinh được chọn sẽ khiêng thuyền mã, bắt đầu chạy quanh làng và sau đó thuyền sẽ chạy ra cửa biển Diêm Điền. Đến biển - nơi định địa điểm tống tiễn, đám người khiêng Long Chu chạy ào xuống; trên bờ, chiêng đánh liên hồi kỳ trận.
Mồi lửa, bè Long Chu được tống ra thật xa; dân làng khấn vái, họ thực sự an tâm và phấn chấn khi thấy thuyền cháy hết cùng hình nhân và muối gạo. Lễ Tống ôn đến đây hoàn tất.
Qua hồi “Tống ôn” chu viên, các lão ngư cho biết, lễ Tống ôn ngày nay đã giảm nhiều chi tiết, nhưng đa số vẫn giữ các nét cổ. Cho đến nay, lễ Tống ôn vẫn giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống của ngư dân Diêm Điền – Thái Bình. Các lễ thức độc đáo, liêng thiêng vẫn được giữ gìn. Bởi lẽ không chỉ làm giàu có thêm đời sống tâm linh người dân biển mà còn là mục đích “phấn đấu” cho một cuộc sống ngư nghiệp phồn vinh và bình yên.