Huyện Đan Phượng, Hà Nội đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội

(PLVN) -  Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đan Phượng (Hà Nội). Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự đoàn kết thống nhất và sự nỗ lực của mỗi người dân, kinh tế - xã hội của huyện Đan Phượng trong năm qua đã có những khởi sắc đáng tự hào.
Một góc huyện Đan Phượng

Những thành tựu đáng tự hào

Thời gian qua, kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện tiếp tục ổn định và phát triển toàn diện, 14/14 chỉ tiêu Thành phố giao đều đạt và vượt kế hoạch. Cơ cấu chuyển dịch của huyện dần đúng hướng. Huyện Đan Phượng tiếp tục triển khai đề án xây dựng huyện phát triển thành quận. Chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Cụ thể, dựa theo báo cáo của UBND huyện Đan Phượng cho biết, trong năm qua ngành công nghiệp xây dựng đã đạt được 7.123 tỷ đồng, đạt hơn 97.04% kế hoạch đề ra.

Thời gian tới, huyện Đan Phượng sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, mở rộng Cụm công nghiệp Đan Phượng (giai đoạn 2), Cụm công nghiệp Song Phượng, Hồng Hà. Tập trung chỉ đạo công tác cấp phép xây dựng cho các hộ dân tại làng nghề Liên Hà, Liên Trung, đã cấp 165 giấy phép xây dựng. Rà soát, đề xuất Thành phố bổ sung Quy hoạch cụm Công nghiệp Phương Đình (50ha); Hồng Hà (100ha).

Lập chủ trương đầu tư 08 dự án trọng điểm gồm: Cải tạo nâng cấp kênh Đan Hoài đoạn từ khu Đồng Sậy, thị trấn Phùng đến thôn Trúng Đích, xã Hạ Mỗ; Khu trung tâm văn hóa phía nam xã Liên Trung; Cải tạo nâng cấp hạng mục kiến trúc cảnh quan để quai Liên Trì; Đường N08; Đường N09; Đường từ Địch | Đình đi để Tiên Tân; Đường từ Quốc lộ 32 đi đường N13; Đường từ N12 đi đê Tiên Tân đến đường Tỉnh lộ 417).

Ngành nông nghiệp và thủy sản cũng đã vượt kế hoạch khi đạt 102.76% với tổng 1.041 tỷ đồng.

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Xuân đạt 2.066,2 ha,… Công tác chăn nuôi được chú trọng, tổng đàn lợn hiện có 96.948 con (bằng 106% so với cùng kỳ), đàn trâu bò 2.937 con (bằng 105% so với cùng kỳ), đàn gia cầm 239.750 con (bằng 109,7% so với cùng kỳ).

Đồng thời, huyện cũng thực hiện tốt công tác phòng chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm, từ tháng 6/2021 đến nay không có dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh trở lại.

Về lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo: Tại huyện Đan Phượng, các phong trào xây dựng danh hiệu văn hóa tiếp tục được nâng cao về số lượng và chất lượng. Đến nay, huyện Đan Phượng 42.635/44.097 (đạt 96,7%) hộ gia đình; 02 xã; 114/120 làng, cụm dân cư; 9/9 Tổ dân phố đăng ký danh hiệu văn hóa.

Huyện cũng tăng cường công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Toàn huyện có 52/54 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 96,3%,…

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cũng được giữ vững và ổn định, công tác an sinh xã hội đảm bảo; hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự quốc phòng địa phương.

6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

Trong năm 2022, với chủ đề "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển", Huyện ủy Đan Phượng xác định 3 khâu đột phá là: Công tác quy hoạch, công tác cán bộ và ứng dụng công nghệ thông tin.

Thời gian tới, Huyện ủy Đan Phượng xác định 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó kiểm soát tốt dịch COVID-19, tạo bước đột phá trong tăng trưởng cả về quy mô và giá trị. Bổ sung và hoàn thiện quy hoạch xây dựng vùng huyện, các quy hoạch ngành.

Đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất, huy động mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng hoàn thiện các tiêu chí xây dựng huyện thành quận, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đạt tiêu chí đô thị, trọng tâm là hệ thống giao thông, công trình điện, cấp thoát nước, trường học, thiết chế văn hóa và các công trình bảo vệ môi trường.

Quan tâm phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đảm bảo an sinh xã hội, tiếp tục đổi mới giáo dục, chăm lo sự nghiệp y tế, văn hóa, xã hội, giữ vững môi trường xanh, sạch, đẹp.

Củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và hiệu lực, hiệu quả của chính quyền; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.

Chú trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; đổi mới lề lối và phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thực thi công vụ.

Đọc thêm