Huyện Minh Hóa (Quảng Bình): Đẩy mạnh giải ngân cho vay nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Minh Hóa là huyện miền núi của tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động toàn diện đến nền kinh tế đất nước, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội của cả nước nói chung cũng như kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
NHCSXH huyện giải ngân cho vay nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP tại Điểm giao dịch xã.
NHCSXH huyện giải ngân cho vay nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP tại Điểm giao dịch xã.

Để kịp thời hỗ trợ các đối tượng chính sách chịu ảnh hưởng do dịch bệnh, đặc biệt là hỗ trợ vay vốn cho người lao động, ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được giao triển khai thực hiện cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi như: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay đối với học sinh, sinh viên mua máy vi tính để phục vụ học tập trực tuyến và cho vay xây dựng nhà ở xã hội.

Triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP, NHCSXH huyện Minh Hóa được Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh Quảng Bình phân bổ nguồn vốn giải ngân đợt này là 26 tỷ đồng để triển khai 3 chương trình gồm: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn vay để mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến theo Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg.

NHCSXH huyện Minh Hóa đã tiến hành phổ biến chủ trương, chính sách hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP về các địa phương cấp xã, cấp thôn và đến hộ nghèo, các đối tượng chính sách, triển khai rà roát nhu cầu vay vốn và làm các bước cơ bản thiết lập hồ sơ cho vay.

NHCSXH huyện Minh Hóa tập huấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP.

NHCSXH huyện Minh Hóa tập huấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã thực hiện giải ngân cho vay đến 1,4 ngàn lượt hộ vay vốn với số tiền giải ngân là 86 tỷ đồng. Trong đó số lượt hộ giải ngân hỗ trợ vay vốn theo Nghị quyết 11/NQ-CP là 215 khách hàng, người lao động hồi hương, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 vay với tổng số vốn giải ngân trên 15 tỷ đồng; trong đó bao gồm: cho vay 110 lượt lao động được hỗ trợ tạo việc làm với số tiền trên 6,5 tỷ đồng, cho vay 15 lượt hộ xây dựng nhà ở xã hội với số tiền trên gần 3 tỷ đồng và cho vay 90 lượt học sinh, sinh viên con hộ nghèo, hộ có mức sống trung bình để mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến với số tiền 900 triệu đồng.

Đến nay tổng dư nợ cho vay NHCSXH huyện Minh Hóa đang thực hiện là 459 tỷ đồng với 8,6 ngàn hộ dư nợ vay vốn, bình quân dư nợ 53,3 triệu đồng/hộ; các chương trình tín dụng có tỷ trọng dư nợ lớn như: Cho vay hộ nghèo và cận nghèo dư nợ 185 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40% trong tổng dư nợ; cho vay hộ mới thoát nghèo 127 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,7% trong tổng dư nợ; cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 28,8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,3%; còn lại là các chương trình tín dụng khác. Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao, dư nợ quá hạn toàn huyện chỉ chiếm tỷ lệ 0,05%/tổng dư nợ; toàn huyện có 09/15 xã, thị trấn không có dư nợ vay quá hạn, chiếm 60% số xã.

Trong thời gian tới, NHCSXH huyện Minh Hóa sẽ tiếp tục tranh thủ tối đa nguồn vốn bổ sung, đặc biệt là nguồn vốn theo Nghị quyết 11/NQ-CP để tập trung giải ngân cho vay, trong đó chú trọng đẩy mạnh các chương trình tín dụng như: Cho vay xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/NĐ-CP; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương cấp xã, đơn vị nhận ủy thác để củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức mạng lưới, đặc biệt là mạng lưới các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở. Chú trọng và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không ngừng nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng, phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.

Đọc thêm