Thường Tín là huyện nằm ở phía Nam thành phố Hà Nội, diện tích 127,59 km2 với dân số trên 240.000 người sống trên địa bàn 169 thôn, cụm dân cư, tổ dân phố, thuộc 28 xã và 1 thị trấn. Huyện có hệ thống đường giao thông với hai tuyến đường bộ chạy dọc huyện là quốc lộ 1A cũ và tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cùng các tuyến đường tỉnh lộ 427, 429. Tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua với 3 nhà ga là Thường Tín, Tía và Đỗ Xá, đường thủy nội địa có sông Hồng chảy qua với 2 cảng sông là Hồng Vân và Vạn Điểm, phía Bắc trong tương lai không xa, tuyến đường Vành đai IV với cây cầu Mễ Sở sẽ nối Thường Tín với huyện Văn Giang của tỉnh Hưng Yên, tạo thành trục giao thông vành đai quan trọng của Thủ đô.
Trên địa bàn huyện có 108 di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia và cấp thành phố; Chùa Đậu linh thiêng, nơi lưu giữ di hài của hai nhà sư với phương thức "Tượng táng", chùa Mui (xã Tô Hiệu) với cụm kiến trúc còn khá nguyên bản có từ cuối thế kỷ 14, đền thờ Nguyễn Trãi - Danh nhân văn hóa thế giới, ở làng Nhị Khê … Về di sản văn hóa phi vật thể, huyện còn lưu giữ nhiều tục ngữ, dân ca địa phương, các sinh hoạt lễ hội, các tích trò cổ như: Kéo lửa nấu cơm, các cuộc thi võ cổ truyền, hát trống quân v.v.
Thường Tín là vùng đất trăm nghề và cũng là đất khoa bảng qua các triều đại phong kiến, nơi đây có tới 68 người được lưu danh trong Văn Miếu Quốc Tử Giám, nhiều dòng họ, nhiều gia đình nối đời đỗ đạt, điển hình là họ Vũ làng Ba Lăng (xã Dũng Tiến), họ Ngô ở làng Nghiêm Xá (xã Nghiêm Xuyên), họ Từ ở làng Khê Hồi (xã Hà Hồi) … Trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, nhiều địa danh của vùng đất này đã đi vào sử sách như: Đền bến Chương Dương - nơi diễn ra trận chiến vào năm 1285 của nhà Trần chiến thắng cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ hai của quân Nguyên, Hà Hồi - nơi mở màn chiến thắng của vua Quang Trung, đánh đuổi quân Thanh xâm lược ra khỏi kinh thành Thăng Long …
Trong những năm gần đây, huyện Thường Tín đã có những bước chuyển mình tích cực, bộ mặt đô thị đang dần đổi thay với những gam màu tươi sáng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, Đảng bộ huyện lần thứ XXIII trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song nhờ sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự phối hợp đồng bộ từ huyện đến cơ sở cùng với sự tích cực lao động, sản xuất của nhân dân, kinh tế huyện Thường Tín tiếp tục được duy trì ổn định và tăng trưởng khá; các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội cơ bản thực hiện đạt và vượt kế hoạch, hoàn thành chỉ tiêu xây dựng đến hết năm 2016 với 15/28 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, năm 2017 huyện phấn đấu để có thêm 4 xã đạt chuẩn này. Công tác thu ngân sách đạt kết quả tốt, an sinh xã hội được đảm bảo, sự nghiệp giáo dục, văn hóa, y tế có nhiều tiến bộ. Quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực chuyển biến tích cực, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thi hành pháp luật được thực hiện nghiêm túc, sâu rộng.
Thực hiện nhiệm vụ năm công tác năm 2017, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân trong huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên các lĩnh vực công tác kịp thời, tích cực và hiệu quả. Kinh tế của huyện tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi động, phong phú. Công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, khoáng sản được triển khai quyết liệt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hoạt động của chính quyền và hiệu lực quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực được phát huy. MTTQ và các đoàn thể đã bám sát nhiệm vụ chính trị, hướng về cơ sở với nhiều hoạt động thiết thực, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của địa phương, việc tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, của huyện kịp thời, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Các tổ chức, cơ sở đảng thường xuyên được củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu.
Huyện đang tập trung cho công tác phát triển bền vững các làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho lao động địa phương, triển khai chương trình khuyến công, cùng với đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất nông nghiệp. Tập trung chỉ đạo, củng cố, thiết lập chặt chẽ hồ sơ quản lý đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp sau khi hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, cấp GCNQSDĐ. Tăng cường giải quyết kịp thời các vụ khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện phức tạp trên địa bàn. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, xử lý cưỡng chế, giải tỏa các công trình vi phạm, xử lý kỷ luật 7 tập thể cấp ủy, chính quyền, 46 cán bộ có sai phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý, xử lý vi phạm về đất đai. Từ đó, tình hình quản lý sử dụng đất đai, trật tự xây dựng có chuyển biến rõ rệt, hầu hết các xã, thị trấn không còn để xảy ra vụ việc nghiêm trọng, buông lỏng lãnh đạo, vi phạm đất công.
Với nhịp độ phát triển kinh tế được giữ vững như hiện nay, huyện Thường Tín phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cả năm 2017 đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2016, giá trị thương mại - dịch vụ đạt hơn 7.800 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2016.
Để đạt được những kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương như hôm nay là nhờ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thường Tín đã không ngừng nỗ lực, đoàn kết, phấn đấu vượt khó đi lên.
Nhìn lại chặng đường phát triển đi lên để thấy, mặc dù ở vào vị trí địa lý có lợi thế, là cửa ngõ phía Nam của Thành phố nhưng trong suốt quãng dài thời gian, huyện Thường Tín chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế để phát triển, bộ mặt thị trấn và các xã vẫn chưa có nhiều nét đổi mới, hạ tầng giao thông chưa được đồng bộ, kết nối giao thông qua đường cao tốc còn khó khăn, trên địa bàn huyện không có công trình hiện đại, tầm cỡ, nhiều công trình phúc lợi phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân vẫn dở dang, chưa hoàn thành …
Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác của TP. Hà Nội thăm và làm việc tại huyện Thường Tín ngày 13/9/2016 |
Xác định rõ những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương cùng với yêu cầu nhất thiết phải thay đổi tư duy, cung cách điều hành, lãnh đạo của đội ngũ cán bộ chính quyền các cấp với tinh thần chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, Ban chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, khai thác tiềm năng lợi thế, chủ động huy động các nguồn lực hợp pháp để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, thị trấn và toàn huyện Thường Tín. Huyện quyết liệt tập trung giải quyết tồn tại gần 30 năm nay về mặt bằng thi công để hoàn thành dự án Trung tâm Văn hóa - thể thao huyện, hiện cơ bàn hoàn thành đường Từ Bá Cơ và đang đẩy mạnh thi công hạ tầng khu tái định cư, đường Danh Hương. Đang đề nghị Thành phố cho đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa khu bể bơi, sân tennis, chỗ để xe ô tô … Huyện cũng đang đề nghị Thành phố sớm tạo điều kiện để khởi công Dự án bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín, Trường THPT Thường Tín và một số trường học trên địa bàn.
Bên cạnh sự hỗ trợ của TW và Thành phố, để huy động các nguồn lực hợp pháp, triển khai đầu tư xây dựng nhiều kết cấu hạ tầng đường, điện, trường, trạm y tế và trụ sở đang xuống cấp, huyện chủ trương đa dạng hóa các nguồn lực huy động, đề nghị Thành phố cho triển khai 8 dự án hạ tầng khu đấu giá đất rộng và các khu đất đấu giá ở các xã, thị trấn. Hiện hai nhà đầu tư đang trình cấp thẩm quyền phê duyệt hồ sơ đề xuất đầu tư xây dựng 14 công trình theo hình thức hợp đồng BT gồm các công trình hiện đại, tạo điểm nhấn thay đổi bộ mặt huyện như: Tuyến đường và cầu Dương Trực Nguyên (đường 427 theo hướng tuyến mới) từ ngã ba trước cổng trường THPT Thường Tín đi vượt đường sắt Bắc - Nam, qua QL 1A đến nút giao Khê Hồi, đường Nguyễn Trãi rộng 33 mét có điểm đầu từ đường QL 1A - trạm 500 KV đến đường Dương Chính (QL1A - Chùa Đậu), đường Nguyễn Phi Khanh, Lương Văn Can, Trung Thành, Danh Hương, Lê Tông Quang …
Huyện đang chủ động huy động các nhà đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhằm mục đích nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo như: Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng theo hình thức chìa khóa trao tay trường THCS Nguyễn Trãi A theo hướng khang trang hiện đại, có khu nội trú cho học sinh, huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư xây dựng các xã phía Nam huyện đã được quy hoạch đô thị như: Minh Cường, Văn Tự, Vạn Điểm, Thống Nhất, Tô Hiệu… Đầu tư xây dựng công trình từ ngân sách huyện, xã qua đấu giá đất và xã hội hóa (công trình cầu Tiền Phong 2)…
Với việc triển khai mạnh mẽ các giải pháp khai thác tiềm năng lợi thế, huy động các nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển KT - XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thời gian tới huyện phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu để trở thành Huyện nông thôn mới, đưa Thường Tín phát triển bền vững, xứng với truyền thống “Đất danh hương, huyện anh hùng”.