Huyện Vĩnh Lợi kiểm soát tốt dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, UBND huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn vừa phòng, chống dịch linh hoạt, hiệu quả trong giai đoạn bình thường mới.

Tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Lợi Trần Ngọc Ân cho biết: “Năm 2021, mặc dù chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19 nhưng nhìn chung, kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển. Các hoạt động sản xuất tiếp tục duy trì; xây dựng nông thôn mới được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo; công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được thực hiện đồng bộ. Sản xuất nông nghiệp đạt sản lượng và năng suất khá cao.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đã đước các cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện; chất lượng gia đình văn hóa, ấp văn hóa được nâng lên; công tác giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe của nhân dân được quan tâm hơn”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Lợi Trần Ngọc Ân.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Lợi Trần Ngọc Ân.

“Huyện đã chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đến nay tình hình tiếp tục đã được kiểm soát. Quốc phòng được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ được tăng cường; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh; công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính tiếp tục thực hiện có hiệu quả. Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tiến hành chặt chẽ, dân chủ đúng quy định”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Lợi Trần Ngọc Ân nhấn mạnh.

Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt 53,57 triệu đồng/người/năm, đạt 97,4%

Tổng sản phẩm trong huyện (GRDP) năm 2021 theo giá hiện hành đạt 5.468 tỷ 245 triệu đồng tăng 3,89% so với năm 2020. Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2.776 tỷ 339 triệu đồng, tăng 6,20%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 941 tỷ 463 triệu đồng, tăng 7,27 % so với cùng kỳ; khu vực dịch vụ đạt 1.750 tỷ 443 triệu đồng, bằng 98,80% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch nhưng tốc độ còn chậm. Nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 50,77%; công nghiệp và xây dựng chiếm 17,22%; dịch vụ chiếm 32,01%. Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt 55,3 triệu đồng/người/năm, đạt 100,55%.

Diện tích gieo trồng lúa thực hiện đến cuối năm 2021 đạt 41.199 ha, đạt 99,03% kế hoạch; sản lượng thu hoạch đạt 252.662 tấn, đạt 101,06% kế hoạch. Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc thu hoạch và tiêu thụ lúa Đông Xuân, UBND huyện đã có nhiều giải pháp hiệu quả giúp nông dân thu hoạch và tiêu thụ lúa, giảm thiệt hại cho nông dân.

Nông dân huyện Vĩnh Lợi đầu tư cơ giới hoá nông nghiệp, mở rộng sản xuất.

Nông dân huyện Vĩnh Lợi đầu tư cơ giới hoá nông nghiệp, mở rộng sản xuất.

Theo đó, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn ngay từ đầu năm; chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra các hệ thống cống để sớm phát hiện rò rỉ và xử lý kịp thời; phối hợp với ngành chuyên môn của tỉnh thực hiện tốt công tác điều tiết đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất lúa, hoa màu, cây ăn trái và đảm bảo nguồn nước mặn phục vụ cho nuôi nuôi trồng thủy sản.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Lợi Trần Ngọc Ân cho biết thêm: “Năm 2022, Huyện tiếp tục thực hiện linh hoạt, có hiệu quả mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh; giữ mức tăng trưởng hợp lý; triển khai một số công trình quan trọng, một số dự án động lực của huyện; khai thác tốt lợi thế tiềm năng và ứng dụng có hiệu quả khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh khu vực công nghiệp và dịch vụ gắn liền với công tác bảo vệ môi trường; ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho đối tượng chính, đối tượng bảo trợ xã hội và người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính; củng cố, kiện toàn các cơ quan Nhà nước từ huyện đến cơ sở; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giải quyết kịp thời các yêu cầu khiếu nại, tố cáo của công dân”.

Nông dân huyện Vĩnh Lợi thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.

Nông dân huyện Vĩnh Lợi thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.

Đồng thời, Huyện Vĩnh Lợi đã triển khai thực hiện lịch thời vụ sản xuất năm 2022; phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi đồng ruộng, tích cực hướng dẫn nông dân thực hiện xuống giống theo lịch thời vụ và chăm sóc các trà lúa; khuyến cáo sử dụng giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày phù hợp với từng vùng; tuyên truyền vận động nông dân thực hiện gieo sạ tập trung, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất; tăng cường ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình sản xuất lúa IPM, sử dụng nước tiết kiệm, quản lý dinh dưỡng, triển khai thực hiện các điểm trình diễn giảm giống lúa trong gieo sạ (từ 80 - 100 kg) để khuyến cáo nhân rộng; tiếp tục làm cầu nối để hỗ trợ nông dân thực hiện liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm.

Song song đó, Huyện cũng triển khai xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi, tập trung cho mô hình nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh, nhất là khu vực nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi tôm; thực hiện phân công cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn để giúp bà con tổ chức sản xuất, phòng, chống dịch bệnh và khôi phục lại sản xuất khi gặp rủi ro.

Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2022 là 57,8 triệu đồng; Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản: 49,27%; Công nghiệp và xây dựng: 17,85%; Dịch vụ: 32,88%; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 2.353 tỷ đồng; Tổng thu ngân sách trong cân đối 55 tỷ đồng; Tổng sản lượng lúa 250.000 tấn; Tổng sản lượng thủy sản 11.000 tấn; Thành lập mới doanh nghiệp 50 doanh nghiệp; Thành lập mới hợp tác xã 04 hợp tác xã; Tỷ lệ lao động qua đào tạo 59%; Tỷ lệ hộ giảm nghèo 0,54%; Công nhận mới trường đạt chuẩn quốc gia 01 trường; Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh 76,50%; Tỷ lệ hộ dùng điện 99,90%; Tỷ lệ thu gom rác thải tập trung 75%; Tỷ lệ bao phủ bảo hiển y tế trên toàn huyện đạt 91%; Xây dựng xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao 02 xã (Châu Thới và Vĩnh Hưng A).

Đọc thêm