Kể chuyện làm Hiến pháp xưa và nay

(PLO) - Quá trình làm Hiến pháp không chỉ là chuyện tiếp thu, giải trình, cân nhắc từng câu, chữ trước nghị trường mà còn là những kỷ niệm, dấu ấn đáng nhớ ở “hậu trường” của những người soạn thảo.
10h00 ngày 28/11/2013, Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi
Hừng hực tinh thần đổi mới 
Vào những ngày cuối cùng của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, khi nhân dân đang chờ mong Quốc hội thông qua Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, chúng tôi may mắn được trò chuyện với ông Vũ Mão – cựu Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và là thành viên thường trực sửa đổi Hiến pháp 1980 về chuyện làm Hiến pháp mấy mươi năm về trước. Ông Mão nay đã 74 tuổi, tinh tường, khỏe mạnh và vẫn yêu mộ văn thơ như thời còn đương chức ở Quốc hội. Hỏi chuyện mới  biết, những thành viên khác tham gia sửa đổi Hiến pháp thời kỳ đó nay đã già yếu, có người đã khuất núi…
Trước sự tha thiết muốn nghe chuyện làm Hiến pháp xưa của chúng  tôi,  ông  rút  từ  giá  sách cuốn sách do chính ông viết về những nhân vật có công đổi mới trong  hoạt  động  Quốc  hội  và nhiều lĩnh vực khác…. của những năm 80 như để nhớ lại thời kỳ đất nước bắt đầu “mở cửa”. Và cứ thế, ký ức về những ngày sửa đổi Hiến pháp 1980 ùa về trong ông, và có lẽ đây cũng là dịp hiếm hoi ông chia sẻ về chuyện làm Hiến pháp xưa của mình với truyền thông. 
“Hiến pháp 1980 ra đời trong điều kiện nước ta vừa chiến thắng, giải phóng đất nước nên phảng phất sự kiêu căng của người chiến thắng trong đó. Những quy định về chế độ kinh tế, thành phần kinh tế mang xu hướng đậm nét của một đất nước đã có chủ nghĩa xã hội. Bởi vậy, nó nhanh chóng không phù hợp với tình hình đất nước khi đó đang khủng hoảng kinh tế và bị bao vây, cấm vận từ phương Tây. Sửa đổi Hiến pháp 1980 trên tinh thần hừng hực đổi mới là vì thế và kết quả có đến 30-40% nội dung của Hiến pháp này được sửa đổi.”- ông Vũ Mão kể lại.
Nội dung sửa đổi trong bản Hiến pháp lần đó tập trung làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan Tư pháp, coi trọng các thành phần kinh tế khác bên cạnh kinh tế nhà nước…. Ông Mão nói, hai dấu son đỏ chót trong bản Hiến pháp 1992 là kết quả của tư duy đổi mới, đó là quy định “Công dân Việt Nam có quyền sinh sống ở bất cứ đâu trên đất nước của mình, có quyền đi ra nước ngoài và quyền trở về trong nước”và “Chỉ khi nào tuyên án, kết tội thì người đó mới là người có tội”. 
“Lúc đó, tôi là thành viên thường trực của Ban sửa đổi Hiến pháp 1980, tôi đã từng trao đổi với các luật sư giàu kinh nghiệm của chế độ cũ ở Sài Gòn. Họ đều đánh giá rất cao hai quy định này, cho đó là những dấu son của bản Hiến pháp sửa đổi”- ông Mão nói. 
Nói chuyện với phóng viên Báo PLVN, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội còn tiết lộ, quá trình thông qua Hiến pháp 1992 có một tình huống hết sức gay cấn, thể hiện sự phản biện thẳng thắn của Đại biểu Quốc hội khi bàn về vấn đề đất đai. “Đã có lúc suýt nữa công nhận đất đai là đa sở hữu. Quốc hội biểu  quyết  lần  thứ  nhất  xong  rồi nhưng sau đó có ý kiến trái chiều, biểu quyết lại lần hai tán thành đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Lúc đó, ông Lê Quang Đạo là Chủ tịch Quốc hội điều khiển cuộc họp. Và một tình huống bất ngờ xảy ra, ông Chủ tịch tỉnh Tiền Giang lúc đó đã phản ứng với Chủ tịch Quốc hội ngay tại phiên họp về việc vì sao phải biểu quyết hai lần. Cuối cùng, Quốc hội quyết định xin ý kiến của các Đại biểu có đồng ý biểu quyết lại hay không rồi mới tiến hành biểu quyết. Có lẽ hiếm khi Chủ tịch Quốc hội bị Đại biểu phản ứng như vậy.”- ông Mão nói.
Dù  nay  đã  rời  xa  chốn  quan trường nhưng nỗi nhớ nghề “lập pháp” ngày nào dường như vẫn còn rõ trong ông, không chỉ nội dung mà còn cả cách gọi đối với đạo luật gốc. Vì thế, trước khi dứt chuyện,  ông  vẫn  nói  thêm  với chúng tôi: “Không biết Hiến pháp sửa đổi lần này sẽ gọi là gì. Ví như Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp 1980 thì gọi là Hiến pháp năm 1992 vì nó có hiệu lực thi hành từ năm 1992?”. 
Nay thì băn khoăn đó đã được trả lời, Quốc hội quyết định thống nhất  gọi  tên:  “Hiến  pháp  Nước CHXHCN Việt Nam”, với ý nghĩa nước ta chỉ có một bản Hiến pháp duy nhất. 
Nhấn  mạnh  chủ  quyền nhân dân
Bản Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua vào những ngày cuối cùng của tháng 11/2013 có nhiều điểm mới cả về nội dung lẫn kỹ thuật lập hiến so với Hiến pháp 1992.  Nhưng  mấy  ai  biết  được công việc “bếp núc” chuẩn bị bản Dự thảo để hôm nay, đạo luật gốc của Nhà nước Việt Nam có nhiều ưu việt đến như vậy. 
Nếu như không khí bao trùm của lần sửa đổi Hiến pháp 1980 là cụm từ “đổi mới”, như ông Vũ Mão nhận định, thì lần làm Hiến pháp này, theo GS.Trần Ngọc Đường -Thường trực Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thì nó đã “toát lên tinh thần dân chủ”. GS Đường “bật mí”, bên cạnh tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân trong cả nước và kiều bào ta ở  nước ngoài,  còn có một “công đoạn” vô cùng quan trọng đó là việc Ban sửa đổi Hiến pháp lắng nghe ý kiến, nghiên cứu của các nhà khoa học, các chuyên gia am tường không chỉ về lập pháp mà còn nhiều lĩnh vực khác. 
“Tôi nhận thức rằng, những lần sửa Hiến pháp trước, trong điều kiện thế giới chia làm hai phe, thời kỳ chiến tranh lạnh nên chúng ta chủ yếu tham khảo kinh nghiệm của các nước XHCN theo mô hình Xô Viết và những thông tin từ phía đối lập thường không có hoặc ít được tham khảo”. Nhưng lần sửa Hiến pháp này, trong điều kiện mới, điều kiện hội nhập và dưới ánh sáng đổi mới của Đảng nên không khí khi làm Hiến pháp dân chủ hơn rất nhiều. 
Ông Đường nhớ lại những ngày đầu mới khởi xướng việc sửa đổi cách đây 2 - 3 năm, bản thân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tổ chức nhiều buổi nghe các nhà khoa học, các chuyên gia báo cáo các chuyên đề sâu về từng vấn đề, chế định như: “phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực, Nhà nước pháp quyền”, “chế định Chủ tịch nước”, “chế định Tổng thống”, “chế  định kinh tế”, “quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”… trong Hiến pháp các nước để mình tham khảo. Tiếp đó là hàng ngàn hội thảo, tọa đàm đã được diễn ra.
GS Đường là người đầu tiên với tư cách thành viên Ban biên tập báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh  Hùng suốt một buổi về những suy nghĩ của bản thân ông xung quanh việc sửa đổi  Hiến pháp. “Tôi đã mạnh dạn nói kinh nghiệm sửa đổi Hiến pháp của các nước, trong đó có Hiến pháp của các nước tư bản chủ nghĩa họ làm thế nào. Chẳng hạn như, quy định của các nước, từ lời nói đầu đến xuyên suốt cả Hiến pháp đều nhấn mạnh chủ quyền của nhân dân, nhân dân là chủ thể làm ra bản Hiến pháp, chủ thể của quyền lập hiến. Đó chính là một tư duy mới khi sửa Hiến pháp 1992. Từ buổi làm việc đó, tôi thấy Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo để sửa đổi Hiến pháp theo tư duy mới này. Ví dụ như đề cao chủ quyền nhân dân trong sửa đổi Hiến pháp, chứ không phải đề cao vai trò Nhà nước. Phải thừa nhận dưới ánh sáng đổi mới thì nhận thức lý luận được thể hiện trong Hiến pháp nhuần nhuyễn hơn”, GS Đường nhận định.
Không chỉ tư duy đổi mới mà theo GS Đường, kỹ thuật lập hiến cũng được coi trọng với nhận thức đầy đủ hơn. Do trước đây chưa chú trọng nên giữa luật và Hiến pháp chưa có sự phân biệt. Lần này, nhờ “ánh sáng” đổi mới và đúc rút lịch sử lập hiến của đất nước (nhất là Hiến pháp năm 1946 viết rất ngắn gọn, súc tích nhưng bao quát được những tư tưởng, giá trị lớn của đất nước)  nên  đã  phân  biệt  rõ  nội dung nào do Hiến pháp quy định, nội dung nào sẽ được cụ thể hóa trong luật…
Nghiêm túc, tâm huyết với những góp ý, báo cáo của chính mình trong quá trình sửa đổi Hiến pháp là điều toát lên trong câu chuyện với hai cựu Đại biểu Quốc hội. Hơn thế, với tư cách là một công dân có trách nhiệm, các ông thấy vui khi Hiến pháp ngày một đáp ứng trọn vẹn nhu cầu đời sống của nhân dân và phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại.

Đọc thêm