Kết nối bền vững hoạt động đào tạo với hoạt động lập pháp

(PLO) - Chiều tối 9/11, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức thành công buổi gặp mặt các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV đã từng giảng dạy, học tập tại Trường. Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn nhằm tạo sự kết nối bền vững, thường xuyên, hiệu quả giữa Nhà trường với các ĐBQH và các cán bộ đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, gắn kết hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường với thực tiễn, hoạt động lập pháp của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tặng quà lưu niệm cho Trường.

Đến dự buổi gặp mặt có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và hơn 70 ĐBQH khóa XIV đã từng công tác và học tập tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Chủ tịch nước Trần Đại Quang do bận công tác nhưng cũng đã gửi lẵng hoa chúc mừng buổi gặp mặt. 

Về phía Bộ Tư pháp có Bộ trưởng Lê Thành Long, các Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, Trần Tiến Dũng và Lê Tiến Châu kiêm Hiệu trưởng cùng tập thể lãnh đạo Nhà trường.

Nhiều cựu giảng viên, học viên, sinh viên được tín nhiệm

Trong diễn văn khai mạc buổi gặp mặt và kỷ niệm 37 năm thành lập Trường, Thứ trưởng, Hiệu trưởng Lê Tiến Châu ôn lại những nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách để phát triển toàn diện, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đào tạo cán bộ pháp lý của đất nước. Riêng trong Quốc hội khóa XIV, có 77 đồng chí được nhân dân tín nhiệm bầu làm ĐBQH. Trong đó, nhiều đại biểu được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách và vị trí quan trọng ở Trung ương và địa phương. 

Xúc động gửi lời cảm ơn các thầy, các cô, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết luôn tự hào về Nhà trường, nhớ những kiến thức được học tại đây. Đại diện trao tặng món quà của các ĐBQH, bà cũng nói rằng “không bao giờ quên lời dạy của thầy Hiến, chú Đông về Nhà nước và pháp luật”.

Tại buổi gặp mặt, các ĐBQH đã giao lưu, trao đổi với cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường về các khía cạnh liên quan đến công tác đại biểu, tăng cường kết nối, phối hợp giữa Trường với công tác của Quốc hội, của ĐBQH; chia sẻ về lý tưởng, định hướng và con đường học tập, phấn đấu đối với thế hệ trẻ hiện nay, về những kỷ niệm với mái trường mến yêu và những đóng góp cho việc tiếp tục phát huy truyền thống và sự phát triển của Trường trong thời gian tới.

Chủ động đóng góp hơn nữa cho công tác xây dựng pháp luật 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã chúc mừng tập thể lãnh đạo, giảng viên, sinh viên và học viên của Trường nhân dịp kỷ niệm 37 năm ngày thành lập Trường (10/11/1979 - 10/11/2016), ngày Nhà giáo Việt Nam, chúc mừng các đồng chí nguyên là giảng viên, sinh viên, học viên của Trường đã được tín nhiệm bầu làm ĐBQH khóa XIV. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị Trường cần đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Trường thành trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật; tích cực, chủ động đóng góp hơn nữa cho công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, của ngành Tư pháp, phát huy trí tuệ, tiềm năng của đội ngũ khoa học pháp lý đầu ngành của Trường. Phó Chủ tịch cũng mong muốn các ĐBQH giữ mối liên hệ với Trường một cách thường xuyên, kể cả hướng dẫn sinh viên, học viên của Trường trong quá trình nghiên cứu, học tập.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long vui mừng và vinh dự khi được đón chào về ngôi nhà thân yêu những người con ưu tú, những người đã từng là giảng viên, sinh viên và học viên của Trường, nay đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao những trọng trách lớn lao của đất nước. Bộ trưởng nhấn mạnh, sự hiện diện của các đại biểu là minh chứng rõ ràng nhất cho mối quan hệ khăng khít và tình cảm gắn bó với Bộ Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội. 

Để cùng góp sức, xây dựng Trường hoàn thành mục tiêu trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, Bộ trưởng xin tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu. Bên cạnh đó, Bộ trưởng mong muốn các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, các đồng chí cựu giảng viên, sinh viên và học viên của Trường đang là ĐBQH cũng như đang đảm nhiệm nhiều vị trí công tác quan trọng khác trong tổ chức đảng, chính quyền và địa phương sẽ giữ mối liên hệ thường xuyên với Trường, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, giảng viên, chuyên gia của Trường tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách; tạo điều kiện cho sinh viên, học viên của Trường tham khảo và hiểu hơn các hoạt động của Quốc hội, ĐBQH; giao lưu, gặp gỡ, tọa đàm với các ĐBQH về các vấn đề có liên quan. Về phía Nhà trường, Bộ trưởng đề nghị Trường cung cấp thông tin, tham vấn các ý kiến, quan điểm trong xây dựng pháp luật và chính sách của các cơ quan nhà nước, trong đó có Quốc hội và Bộ Tư pháp...

Đọc thêm