Tham dự phiên khai mạc kỳ họp, về phía Trung ương có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường…
Về phía TP Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Thường trực HĐND, UBND TP; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP…
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, nội dung kỳ họp là những cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng rất quan trọng của TP trong thời gian tới.
Kỳ họp dự kiến tổ chức trong 3,5 ngày, trong đó, dành thời gian gần 1 ngày cho phiên thảo luận tại Tổ và Hội trường; dành 1 ngày cho hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn, tạo không khí và là hoạt động quan trọng của nghị trường, trao đổi, thảo luận, phát huy vai trò, trách nhiệm và trí tuệ của các đại biểu.
Thường trực HĐND TP đã chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kỳ họp, để bắt đầu từ kỳ họp này, đại biểu HĐND TP sẽ cập nhật và sử dụng phần mềm quản lý kỳ họp. Các nội dung công tác chuẩn bị, phục vụ kỳ họp cũng được bố trí chu đáo, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội là kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 để xem xét nhiều nội dung quan trọng.
Một là, HĐND TP sẽ đánh giá toàn diện tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 năm 2021 và kế hoạch năm 2022.
Hai là, HĐND TP xem xét, thảo luận và thông qua 22 báo cáo, 8 nghị quyết thường kỳ và 12 nghị quyết chuyên đề, trong đó, nhiều nội dung rất quan trọng như phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công 5 năm và kế hoạch năm 2022; các nội dung, mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND TP; một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; Quy định mức tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo Luật Thủ đô; Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP, giai đoạn 2021-2025;…
Ba là, HĐND TP thực hiện quyền giám sát trực tiếp thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, các thành viên UBND TP và các tổ chức, cá nhân liên quan về 2 nhóm vấn đề bao gồm công tác phòng, chống dịch; việc triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn TP; việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nhấn mạnh, đây là những nội dung rất quan trọng và thiết thực, đang được TP tập trung chỉ đạo, được đông đảo cử tri, Nhân dân quan tâm và được nhiều đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND đăng ký, đề xuất.
Với phương châm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đề nghị các đại biểu HĐND TP trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, đại biểu HĐND theo quy định của Luật, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ, để thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng, góp phần vào sự thành công của Kỳ họp.