Khai mạc Kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố Hải Phòng khoá XVI

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 8/12 , HĐND TP Hải Phòng khóa XVI khai mạc Kỳ họp thứ 4 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2021. Kỳ họp diễn ra từ ngày 8 – 10/11, để xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 4.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 4.

Xem xét thông qua 31 Nghị quyết

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng Phạm Văn Lập cho biết, Kỳ họp thứ 4 HĐND TP diễn ra trong thời điểm sắp kết thúc năm 2021, năm mà đất nước nói chung và TP Hải Phòng nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách, đặc biệt là đại dịch COVID-19 xảy ra đã làm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân TP.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cùng với sự nỗ lực cao độ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, TP Hải Phòng đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, với các kết quả nổi bật, toàn diện. Kết quả đạt được trong năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của HĐND TP, tạo đà cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ khác trong những năm tới.

Tại kỳ họp, HĐND TP sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng: Xem xét các báo cáo của UBND TP về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh; dự toán thu, chi ngân sách năm 2021; mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022. Nghiên cứu, thảo luận các Tờ trình, xem xét thông qua 31 Nghị quyết của HĐND TP, trong đó có các nghị quyết quan trọng như: Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh thành phố năm 2022; Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn thành phố giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch đầu tư công thành phố năm 2022 và một số nghị quyết chuyên đề về phát triển KT-XH TP. Đồng thời, xem xét bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2021-2026…

Cụ thể hóa các cơ chế, chính sách ngay trong đầu năm 2022

Phát biểu tại Kỳ họp, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Tại kỳ họp này, HĐND TP sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều quyết sách quan trọng bám sát các quy định của Trung ương cũng như thực tiễn của TP, có tác động to lớn và trực tiếp đến đời sống của người dân.

Để Kỳ họp thứ 4, HĐND TP khoá XVI nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp, Bí thư Thành uỷ đề nghị các đại biểu HĐND TP phát huy cao độ tinh thần dân chủ, khách quan, trí tuệ, trách nhiệm trước cử tri để thảo luận kỹ lưỡng, làm rõ hơn, sâu sắc và toàn diện hơn nữa tình hình, kết quả đã đạt được và những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và các nhiệm vụ khác trong năm 2021; đồng thời chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại hạn chế đó, nhất là các nguyên nhân chủ quan và rút ra các bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Đối với các Nghị quyết quan trọng liên quan đến chủ trương, chính sách lớn, làm cơ sở trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ thường xuyên của TP, đề nghị các đại biểu HĐND TP nghiên cứu, thảo luận, phân tích, đánh giá, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, làm rõ tính hiệu quả, các giải pháp đột phá để các cơ quan chủ trì tiếp thu, giải trình trước khi HĐND TP quyết nghị, bảo đảm khách quan, phù hợp, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của TP, giải phóng các nút thắt về hạ tầng, thể chế và phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở.

Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Trần Lưu Quang phát biểu tại Kỳ họp.

Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Trần Lưu Quang phát biểu tại Kỳ họp.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành uỷ cũng nêu rõ: Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã có những quyết sách rất quan trọng, đặc biệt là Nghị quyết số 35 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Với Nghị quyết này, Hải Phòng được thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết, Bí thư đề nghị HĐND TP cần chủ động, kịp thời nghiên cứu, ban hành các Nghị quyết theo thẩm quyền để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách ngay trong đầu năm 2022…

Tập trung thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TP năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP năm 2022, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng cho biết: Năm 2021, kinh tế TP tiếp tục có sự tăng trưởng, cao hơn mức bình quân chung cả nước và các tỉnh, TP khác. Cụ thể: GRDP (giá so sánh năm 2010) ước tăng 12,38%, tuy không đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch 13,5%) nhưng là mức tăng trưởng cao nằm trong nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 90.421,01 tỷ đồng, đạt 117,2% dự toán Trung ương giao và 101% dự toán HĐND TP giao, trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 54.000 tỷ đồng, đạt 109,1% dự toán Trung ương giao và 101,9% dự toán HĐND TP giao; thu nội địa ước 35.000 tỷ đồng, đạt 133,1% dự toán Trung ương giao, đạt 100% dự toán HĐND TP giao. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 3,13 tỷ USD, tăng 91,44% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI...

Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TP năm 2022, Chủ tịch nêu rõ: Năm 2022, TP chọn Chủ đề năm là: “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số” với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn chi. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao; cảng biển – logistics; du lịch – thương mại. Xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…

Đọc thêm