Khai thác tối đa, bảo đảm phát triển bền vững môi trường biển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân tại Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với 10 tỉnh phía Bắc và dự thảo quy hoạch không gian biển quốc gia được Bộ TN&MT phối hợp với UBND TP Hải Phòng tổ chức ngày 22/4.

Cần giải pháp cụ thể xử lý xung đột trong quy hoạch

Đối với dự thảo quy hoạch không gian biển quốc gia, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân khẳng định đây là 1 trong 3 quy hoạch cấp quốc gia theo Luật Quy hoạch bên cạnh Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Để hoàn thiện dự thảo Quy hoạch, Bộ TN&MT tiếp tục xin ý kiến tham vấn để báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 6/2022, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháng 8/2022 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm 2022.

Việc thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia góp phần triển khai các chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước trong công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển. “Đây là nhiệm vụ khó và phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Dự thảo Quy hoạch được lập trên cơ sở sử dụng tối đa thông tin, dữ liệu hiện có, thiết kế theo hướng mở và sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển của đất nước. Quy hoạch dựa trên quan điểm xuyên suốt là phân vùng không gian biển dựa vào hệ sinh thái, tạo cơ sở và không gian liên thông cho phát triển kinh tế - xã hội, kết nối đất liền với biển, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại và hợp tác quốc tế”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về các kết quả đánh giá, dự báo, định hướng phát triển trong quy hoạch; quan điểm, mục tiêu; phạm vi quy hoạch; phân vùng quy hoạch; cơ sở dữ liệu không gian biển quốc gia; nội dung liên quan đến quy hoạch 6 ngành kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW; các dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên; xử lý xung đột giữa các khu vực biển được quy hoạch cho các mục đích sử dụng khác nhau.

Sau khi lắng nghe ý kiến tham vấn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đề nghị các bộ, ngành và các địa phương có biển khẩn trương xây dựng các hợp phần quy hoạch thuộc lĩnh vực phụ trách và gửi Bộ TN&MT xem xét, tích hợp vào Quy hoạch không gian biển quốc gia. Ngoài ra, các địa phương cũng nhanh chóng cung cấp thông tin, dữ liệu, tài liệu, bản đồ, quy hoạch, kế hoạch, chiến lược có liên quan; nhu cầu khai thác, sử dụng biển; danh mục các công trình, dự án trọng điểm có khai thác, sử dụng biển để tổ chức lập quy hoạch và tạo dữ liệu khung cho hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu không gian biển quốc gia.

Đối với Tổng cục Biển & Hải đảo Việt Nam và Đơn vị tư vấn (Liên danh Viện chiến lược phát triển, Viện Công nghệ môi trường, Viện Cơ học –PV), Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch không gian biển quốc gia, chuẩn bị kỹ các sản phẩm trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Chính trị, Quốc hội. Về phân vùng sử dụng không gian biển, việc phân vùng chức năng cần căn cứ điều kiện tự nhiên, hiện trạng môi trường, vị trí địa lý, hiện trạng khai thác, sử dụng của vùng biển và hải đảo; đồng thời xem xét yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc khu vực và các quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển của các ngành, địa phương.

Về tích hợp các quy hoạch ngành, vùng, địa phương, Tổng cục Biển & Hải đảo Việt Nam và Đơn vị tư vấn cần bổ sung, cập nhật các quy hoạch liên quan đã được ban hành gần đây, gồm các quy hoạch: sử dụng đất quốc gia, cảng biển, năng lượng, hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, bảo vệ khai thác nguồn lợi thủy sản, mạng lưới đường bộ.

Đặc biệt, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh: Sau khi tích hợp các quy hoạch ngành, cần chỉ ra các mâu thuẫn, xung đột trong các quy hoạch này, từ đó đề ra tiêu chí và giải pháp cụ thể xử lý xung đột, trong đó các giải pháp này phải bảo đảm khai thác, sử dụng tối đa hiệu quả không gian biển song vẫn bảo đảm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển.

Vùng biển đảo Cát Bà – Long Châu là một trong 4 vùng tự nhiên không gian biển Hải Phòng.

Vùng biển đảo Cát Bà – Long Châu là một trong 4 vùng tự nhiên không gian biển Hải Phòng.

Rà soát hơn 100 Luật, Bộ luật liên quan đến đất đai

Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình hình mới, Quốc hội đã đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Dự án Luật, thời gian qua, Bộ TN&MT đã chủ động rà soát, đánh giá hơn 100 Luật, Bộ luật có liên quan đến đất đai và xây dựng báo cáo rà soát theo đó đã xác định rõ những nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai và các Luật cần phải sửa đổi để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, Dự thảo Luật Đất đai đã được Bộ TN&MT gửi lấy ý kiến các địa phương và nhận được ý kiến góp ý của các tỉnh, thành. Để có thêm cơ sở và làm sâu sắc thêm các luận cứ đề xuất hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), năm 2022, Bộ TN&MT tiếp tục tổ chức các Đoàn công tác lấy ý kiến với UBND các tỉnh, TP, các vùng trên cả nước để rà soát vướng mắc, chồng chéo, không đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương, các vướng mắc, bất cập do địa phương phản ánh.

Tại hội thảo, các đại biểu từ 10 tỉnh, TP phía Bắc gồm: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình đã đưa ra quan điểm, ý kiến về các nội dung: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; chế độ quản lý, sử dụng đất khu, cụm công nghiệp; đất khu kinh tế; đất quốc phòng, an ninh; sử dụng đất có mặt nước ven biển, các nội dung mang tính đặc thù của từng địa phương như đất tôn giáo, tín ngưỡng… Các đại biểu cũng cho ý kiến vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, nhất là các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ cần tiếp tục được tháo gỡ để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo.

Đối với TP Hải Phòng, sau gần 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn đã dần đi vào nề nếp, hạn chế tình trạng giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hải Phòng cũng khắc phục tình trạng không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất lãng phí, đầu cơ đất đai. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã có chuyển biến rõ rệt. Các TTHC trong lĩnh vực đất đai đã được cắt giảm tối đa, rút ngắn thời gian thực hiện tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, tránh gây phiền hà sách nhiễu cho người thực hiện thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, lãnh đạo TP Hải Phòng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện Luật như: cơ chế thu hồi đất theo Điều 62 còn bất cập, gây khó khăn trong việc tạo quỹ đất sạch để phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội; vẫn còn tình trạng dự án được giao đất, cho thuê đất chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng; công tác giao đất, cho thuê đất, đấu giá, đấu thầu sử dụng đất, định giá đất, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp còn khó khăn, vướng mắc…

Cũng từ thực tiễn của địa phương, các đại biểu từ 10 tỉnh, TP phía Bắc cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo Luật đồng thời khẳng định các quy định cơ bản đã tháo gỡ những vướng mắc đang gặp phải ở các địa phương. Từ đó, các giải pháp giải quyết để hoàn thiện Dự thảo Luật; Dự thảo Nghị định đã được đề xuất, tập trung vào các nội dung liên quan tới quy hoạch sử dụng đất; cho thuê đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giá đất...

Theo Dự thảo báo cáo tóm tắt quy hoạch không gian biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, mục tiêu về kinh tế biển như sau: Các ngành kinh tế biển bền vững theo chuẩn mực quốc tế, có tốc độ tăng trưởng trên 7%/năm và có đóng góp trên 15% GDP cả nước vào năm 2030. Kinh tế của 28 tỉnh, TP ven biển ước đạt khoảng 55% GDP cả nước, trong đó các huyện ven biển khoảng 11-12%.

Đọc thêm