Ra đời từ 2500 năm trước
Có lịch sử lâu đời, cờ vây gắn liền với những truyền thuyết đầy giá trị nhân văn về nguồn gốc của nó. Ngay từ lúc đầu, cờ vây được đánh giá rất cao vì chú trọng đến phương pháp luận, với một lịch sử rất lâu dài. Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của nó, trong đó có một thuyết được khá nhiều người công nhận là môn này khởi đầu từ thời Nghiêu Đế. Trương Hoa, thời nhà Tấn, đã viết trong sách “Bác vật chí” rằng: “Vua Nghiêu nghĩ ra môn chơi cờ vây để dạy dỗ Đan Chu, con trai của mình”. Trong đó còn nói vua Thuấn cảm thấy con mình là Thương Quân không được thông minh lắm, cũng từng dạy dỗ con bằng bàn cờ vây.
Trong “Lộ sử hậu ký” của La Bí, thời đại nhà Tống, có nói rằng: Phi tần của vua Nghiêu là Phú Nghi Thị sinh được một hoàng tử, đặt tên là Đan Chu. Hành vi của Đan Chu không được tốt, nên vua Nghiêu đã đi tìm những vị đạo tiên để hỏi cách chỉ bảo cách dạy con.
Một hôm, ở gần bờ sông Phấn, ông nhìn thấy hai vị tiên đang ngồi đối diện nhau dưới cây tùng. Ông ngắm họ vạch những đường ngang dọc trên cát, rồi đặt những miếng đá đen trắng trên hàng vẽ như đang bày trận đồ. Nhà vua tiến đến hỏi cách làm thế nào để có thể sửa đổi tính tình Đan Chu.
Một vị tiên nói: “Đan Chu hay tranh giành mà lại ngu ngốc, hãy dùng những phương diện gì hắn có sở trường mà uốn nắn tính tình của nó theo con đường tốt”. Còn vị tiên kia lấy tay chỉ những đường kẻ trên cát và các viên đá đen trắng nói rằng: “Cái này gọi là bàn cờ Vi Kỳ. Bàn cờ này hình vuông mà yên tĩnh, trong khi những viên đá kia hình tròn mà chuyển động. Nó đi theo cách vận chuyển của Trời và Đất. Từ khi bàn cờ vây được thành lập đến nay, chưa có ai có thể hoàn toàn phá giải nó được” (trích từ Lịch đại Thần Tiên thông giám ). Sau đó Đan Chu đã được vua Nghiêu dạy chơi cờ vây, và quả thật tính nết cũng thay đổi tốt hơn.
Từ đó mà thấy, người xưa sáng tạo ra môn cờ vây không phải chỉ để tiêu khiển giết thời giờ hay học cách tranh giành hơn thua, mà để tu thân dưỡng tính, phát sinh trí tuệ và biểu lộ tài năng nghệ thuật của người chơi. Vả lại, cờ vây còn có tương quan liên hệ đến thiên tượng dịch lý, binh pháp chiến lược, và vấn đề trị quốc an dân.
|
Một bàn cờ vây gói gọn cả một tiểu vũ trụ
Một bàn cờ gói gọn cả một tiểu vũ trụ, do 360 thiên thể hợp lại mà thành. Có 19 đường dọc và 19 đường ngang trên bàn cờ và tổng cộng 361 điểm. Một điểm dư ở trung tâm gọi là Thiên Nguyên, tức là Thái Cực. Đại biểu cho trung tâm của vũ trụ. Con số 360 chính là số ngày trong một năm âm lịch, được chia ra làm bốn mùa ở bốc góc của bàn cờ: xuân, hạ, thu, đông. Những con cờ đen và trắng tượng trung cho ngày và đêm. Như vậy cả bàn cờ như một hình tượng biến hóa của Trời và Đất.
Trong cuốn cổ thư: Hà Đồ, Lạc thư, có ghi chép rằng cờ vây có 361 giao điểm, có 8 ngôi sao tinh tú chỉ phương vị, 72 giao điểm dọc theo vòng chu vi mà tương ứng với 360 ngày, 8 quẻ bát quái: càn, đoài, ly, chấn, tốn, khảm, cấn, khôn. Con cờ hình tròn, phía trên nhô lên, phía dưới phẳng ngang, phân biệt nhau bằng hai màu đen, trắng, tượng trưng cho Âm và Dương. Trong cuốn Kỳ kinh, thuộc thời đại Nam bắc triều, người ta tìm thấy trong động đá Mỗ Cao thuộc Đôn Hoàng tỉnh Cam Túc có nói rằng: 361 đường là phỏng theo con số của Chu Thiên.
Trong cuốn Lê Hiên Mạn Viễn viết rằng: Vi Kỳ ban đầu không phải là sự việc của nhân gian. Nó được phát hiện đầu tiên trong khi khai quật phần mộ của vua Chu Mục Vương thuộc tỉnh Tứ Xuyên và sau đó còn được tìm thấy trong một thạch thất nằm trên núi Thương Sơn. Đó là dụng cụ cho các vị đạo tiên nuôi dưỡng tính nết và vui chơi thưởng Đạo.
Chứa đựng nhiều giá trị triết lý uyên thâm
Người Trung Hoa cổ đại coi trọng đạo lý và tâm tính của con người, giống như bắn cung, trà đạo, hay cắm hoa, thì cờ vây cũng mang theo những triết lý và những nghệ thuật sống được gọi chung là: Đạo.
Đạo trong cờ vây là một khái niệm rất rộng và liên quan tới cả thuyết của Đạo gia, Phật gia và có hồi hướng liên quan tới Nho giáo. Người chơi phải rèn luyện tinh thần: ‘‘nhẫn đạo’’. Luyện óc quan sát và phán đoán tìm hiểu đối phương mà đưa ra chiêu sách hợp lý đối phó. Ví như: với người quá mạo hiểm, thích tấn công, đánh nhanh thắng nhanh, thì mưu cầu tấn công lại chính là sơ hở. Nhưng nếu rụt rè sẽ thua, ôm tham vọng lớn mà không xét nội lực thì thất bại lúc nào không hay. Bởi trong cờ vây, không chỉ cần nắm vững kĩ thuật, mà chiến thuật, chiến lược phải chặt chẽ. Trạng thái tinh thần ổn định, điềm tĩnh, nhẫn nại quan sát, tập trung cao độ và óc phán đoán thì mới nắm được tinh thần của người chiến thắng.
Ngoài nhẫn đạo, người chơi cờ vây sẽ cần một khả năng cảm nhận trực quan về con người một cách sâu sắc. Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Nắm được đối phương thuộc loại người nào, nhút nhát, tham lam, cố chấp, nhu nhược, hiếu thắng, nóng tính hay hiền hòa. Tất cả những điều này đều được thực hiện trong từng nước đi của cờ. Từ đó mà nắm luôn điểm yếu và sơ hở của đối phương mà dành chủ động trên thế trận. Nhưng cũng từ những nước đi của đối phương mà tìm ra tri kỉ và người tương hợp với tư tưởng của mình. Người xưa gọi đó là kết giao thâm tình qua bàn cờ.
Cờ vây là một môn nghệ thuật mà tính cách, tư tưởng, đạo đức đều nằm trên bàn cờ, nó xóa đi mọi rào cản về địa lý và ngôn ngữ, mang con người và con người gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, dễ thông cảm và sẻ chia hơn. Do vậy người xưa coi Kỳ trong tứ nghệ là một môn nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống con người. Người chơi cờ vây không chỉ là giải trí, mà còn được học về đạo lý nhân sinh, giáo huấn con người nâng cao bài học về đạo đức.
Nên cờ vây không dừng lại ở tính khoa học, mà hơn hết nó còn là kho tàng kiến thức trong mọi lĩnh vực, giúp con người trở nên hoàn thiện hơn, am hiểu hơn từ đó mà thay đổi cách nhìn nhân sinh quan. Hiểu được chính bản thân mình mà bồi đắp trở thành một con người hoàn thiện.