Khám phá nghề muối (Kỳ 1): Du lịch muối, về cội nguồn của vị mặn đắt nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Muối vùng Camargue từ lâu được mệnh danh là loại muối có chất lượng cao, giá thành đắt nhất nhì thế giới. Ở đây, dù có nhiều công nghệ và kỹ thuật hiện đại nhưng những diêm dân vẫn thu hoạch muối bằng tay, chính điểm độc đáo này đã thu hút hàng ngàn du khách đến với nước Pháp.
Ruộng muối ở Guérande. Ảnh: Le Tasting Room.
Ruộng muối ở Guérande. Ảnh: Le Tasting Room.

“Bám” nghề muối từ thời Trung cổ

Vào những thập niên 70, ngành muối thủ công ở Pháp đối mặt với nguy cơ phá sản vì không thể cạnh tranh với muối công nghiệp được sản xuất và nhập khẩu ồ ạt, giá rẻ. Thế nhưng, người dân và chính quyền địa phương đã không bỏ cuộc. Đến nay, nhiều vùng đất trên nước Pháp không chỉ vẫn “bám nghề muối truyền thống” mà còn phát triển những tour du lịch muối độc đáo thu hút du khách thập phương.

Nhiều du khách quốc tế ao ước được đặt chân đến vùng Guérande thuộc miền tây nước Pháp để chiêm ngưỡng những cánh đồng muối bạt ngàn. Guérande cũng là nơi sản xuất loại muối hoa đặc biệt, được các đầu bếp nổi tiếng đánh giá là ngon nhất và cũng là loại muối đắt đỏ nhất thế giới.

Diêm dân vùng này sản xuất muối bằng phương pháp thủ công truyền thống được truyền lại từ đời này qua đời khác. Nước biển được cho bay hơi trong các đồng muối, khi muối bắt đầu kết tinh, người ta cào lớp muối trên bề mặt và đập vụn các tinh thể ra thành những bông hoa muối li ti.

Ước tính, mỗi ngày một hộ gia đình có thể thu hoạch khoảng 2 tấn muối. Sau khi thu hoạch, muối phải đạt đủ chất lượng để đóng gói vào các bao bì, trên đó ghi chú rõ ràng thành phần dinh dưỡng. Với khoảng 400 diêm dân hiện đang sống tại đây, sản lượng muối hàng năm lên tới 10.000 tấn.

Nhà máy sản xuất muối ở Salins du Midi. Ảnh: Hemis/alamy.Nhà máy sản xuất muối ở Salins du Midi. Ảnh: Hemis/alamy.

Dù chiếm chưa tới 0,2 % tổng sản lượng muối quốc gia nhưng số muối này được bán tại hơn 50 nước trên thế giới, thu về khoảng 2,5 triệu Euro. Diêm dân vùng Guérande còn nổi tiếng với lối sống bình dị, hoà hợp cùng thiên nhiên, không quá chú trọng đến việc chạy đua theo những mục tiêu tăng trưởng về số lượng và doanh thu.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng năm có hàng vạn du khách trong và ngoài nước đổ về Guérande để được trải nghiệm quy trình làm muối và mua sắm các sản phẩm từ muối. Thành công là vậy, nhưng ít ai biết rằng vào khoảng năm 1970, nghề muối truyền thống tại Guérande gần như có nguy cơ thất truyền.

Để hỗ trợ và khuyến khích người dân “bám nghề”, chính quyền địa phương cùng cộng đồng nơi này đã xây dựng chương trình đào tạo nghề làm muối, đồng thời ban hành những chính sách ưu đãi cho diêm dân. Họ cũng thành lập Hợp tác xã với các nhiệm vụ cải thiện quy trình sản xuất và phân phối, tổ chức quảng bá du lịch,…

Nhờ có những nỗ lực của cả chính quyền và người dân, Guérande không chỉ giữ được nghề muối bản địa mà còn có thể thu hút được cư dân vùng khác tới đây để học nghề làm muối.

“Thứ vàng trắng” của Pháp

Về phía miền Nam nước Pháp cũng có vùng Camargue – nơi nắng biển và gió cũng kết hợp với nhau để tạo thành muối. Khác với những diêm dân sản xuất nhỏ lẻ ở Guérande, vùng Camargue đã thực sự phát triển thành ngành công nghiệp muối nổi tiếng ở Pháp.

Đến Camargue, du khách có thể ngồi trên chuyến tàu đi vòng quanh khu vực này để chiêm ngưỡng những cảnh quan thiên nhiên rộng lớn và hoang sơ. Hình ảnh những chú ngựa trắng xinh đẹp, các loại gia súc như bò cừu lang thang trên các cánh đồng cỏ; những cánh đồng ngũ cốc, cánh đồng nho mênh mông bạt ngàn; cùng hàng trăm loài chim bay lượn trên bầu trời hoặc làm tổ trên các cành cây cao; những bãi biển còn nguyên sơ ít người viếng thăm…. khiến du khách vô cùng thích thú. Đặc biệt hơn hết là khu sản xuất muối rộng lớn – nơi những băng chuyền thép “phủ” lên những “ngọn núi” muối kết tinh thẳng hàng tăm tắp.

Những “ngọn núi” muối khổng lồ ở Camargue. Ảnh: Hemis/alamy.

Những “ngọn núi” muối khổng lồ ở Camargue. Ảnh: Hemis/alamy.

Được biết, khu công nghiệp sản xuất muối này có diện tích hơn 10.800 ha, rộng hơn cả thành phố Paris, thuộc địa phận quản lý của Công ty Salins du Midi. Tất cả các loại đều được sản xuất ở đây, từ muối ăn “La Baleine” rất phổ biến ở Pháp (có biểu tượng cá voi trên bao bì) đến “Fleur de Sel de Camargue” – một loại gia vị thượng hạng.

Không có gì ngạc nhiên khi Công ty Salins du Midi cũng triển khai những chiến dịch tiếp thị nhằm thu hút khách du lịch muối. Từ năm 2010, công ty này đã thêm các chuyến thăm quan vào mùa hè cho du khách thăm quan. Năm 2012, công ty từng tung ra các chiến dịch như “Hãy đi du lịch xa hơn”, và “Hãy khám phá di sản vàng trắng tại một vùng thiên nhiên nguyên sơ” để thu hút khách du lịch.

Trước đại dịch, có khoảng 80.000 người mỗi năm đến thăm nhà máy sản xuất muối. Tại đây còn có cả bảo tàng muối - nơi du khách có thể tìm hiểu thêm về lịch sử của muối và mua những lọ muối thượng hạng, các sản phẩm từ muối để làm quà lưu niệm trước khi trở về.

Đáng nói, ý tưởng tour du lịch muối không chỉ đơn thuần là một chuyến “đi săn muối” mà còn được cộng hưởng với các giá trị văn hoá, thiên nhiên ở địa phương và những vùng lân cận. Du khách đến Camargue thường sẽ không bỏ qua Công viên thiên nhiên vùng Camargue - nơi bảo vệ các loài chim hoang dã cùng hệ nhiên nhiên ngập nước đa dạng.

Đại diện đến từ Công ty Salins du Midi đã từng trả lời tờ Wall Street Journal trong một bài báo rằng: Một phần quan trọng của chiến dịch thu hút khách du lịch chính là sự cam kết và thực hiện công tác bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như bảo vệ môi trường bản địa. Bởi lẽ thiên nhiên, biển, nắng và gió kết hợp với nhau mới sản sinh ra được muối - thứ được coi là “vàng trắng” đối với người dân xứ này.

Cùng với đó, công ty kết hợp chặt chẽ với quan chức du lịch địa phương để phối hợp quảng bá, xúc tiến văn hoá để thu hút những du khách ở các vùng lân cận, du khách ở các tỉnh thành xa xôi và cả các khách quốc tế đến thăm quan, nghỉ dưỡng ở vùng quê yên bình này.

Ngành công nghiệp tỷ đô

Tại Pháp có không dưới 100 hương vị khác lạ cho muối như vị dừa, vị cà-ri…

Tại Pháp có không dưới 100 hương vị khác lạ cho muối như vị dừa, vị cà-ri…

Theo báo cáo của trang Statista.com, thị trường muối toàn cầu được định giá khoảng 28 tỷ USD vào năm 2019, dự kiến đạt giá trị hơn 32 tỷ USD vào năm 2025. Quả thực, muối là ngành công nghiệp lớn trong nhiều thế kỷ nay. Từ công dụng bảo quản thịt cá cho đến việc chế biến các món ăn ngon miệng thường không thể thiếu muối.

Thậm chí, những nhóm người sành ăn bậc nhất thế giới còn có những tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe với muối. Các đầu bếp nổi tiếng như Gordon Ramsey, Nigella Lawson, Jamie Oliver… đều chỉ định những loại muối nhất định trong công thức nấu ăn của họ. Nói cách khác, họ tin rằng sự thành công của một món ăn cụ thể không chỉ phụ thuộc vào độ mặn của nó mà hơn thế nữa, loại mặn như thế nào.

Muối Camargue phổ biến ở Pháp đến mức người ta có thể dễ tìm thấy giá bày bán loại muối này ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên nước Pháp. Ngay cả trên một số loại bánh kẹo, đồ ăn khô, các loại hạt… cũng có ghi chú chi tiết hàm lượng muối của chúng là bao nhiêu và đến từ đâu.

Nhiều người cho rằng, dân chúng Pháp thưởng thức muối cũng như thưởng thức rượu vang hay các món ngon khác vậy. Các nhà sản xuất muối của nước này còn cho ra mắt những “bộ sưu tập” với hương vị đa dạng. Được biết, có không dưới 100 hương vị khác lạ của muối được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng đặc sản địa phương của nước Pháp.

Đó có thể là “Flor de Sal d'Es Trenc” của Tây Ban Nha mang hương thơm pha trộn giữa cỏ hương thảo, lá kinh giới và cỏ xạ hương để gia tăng hương vị khi chế biến thịt và salad. Hoặc cũng có thể là loại muối tre từ Molokai thuộc Hawaii; muối hun khói theo phương pháp làm muối của người Viking cổ xưa từ Đan Mạch.

(Còn nữa)

Đọc thêm