Giải mã cây “vàng xanh” trong văn hóa ở Ấn Độ

(PLVN) - Cây đàn hương Ấn Độ từ lâu được ví như “vàng xanh”, là cây “triệu đô” bởi giá trị kinh tế và giá trị sử dụng đặc biệt của nó...
Cây đàn hương được đưa về Việt Nam trồng và nhân giống
Cây đàn hương được đưa về Việt Nam trồng và nhân giống

Loài cây đa dụng

Là một trong những vật liệu trầm hương lâu đời nhất, gỗ đàn hương đã được sử dụng ít nhất 4.000 năm. Từ lâu, loại gỗ này đã được sử dụng như một loại dược phẩm có tác dụng chống khuẩn cho da. Đến nay, gỗ đàn hương được nghiền thành bột rồi sau đó được chưng cất để sản xuất xà phòng, mỹ phẩm, nước hoa, nến, thuốc nhang thơm... 

Hương gỗ đàn hương được cho là có thể giữ được đến nhiều thập kỷ nếu được bảo quản đúng cách. Tinh dầu đàn hương thường được sử dụng trong sản xuất nước hoa vì nó được xem là hương nền tuyệt vời để các chuyên gia nước hoa có thể bắt đầu tạo ra một loại nước hoa mới. Phần gỗ bên ngoài thân cây cứng hơn thường được sử dụng để làm vòng hạt và chạm khắc tượng các vị thần. Gỗ đàn hương là loại gỗ đắt thứ hai trên thế giới, sau gỗ đen châu Phi.

Hương của gỗ đàn hương được cho là có thể giúp con người trấn tĩnh, giảm stress, làm dịu sự bất an và giúp trí tuệ trở nên minh mẫn. Theo quan niệm phong thủy tinh dầu này giúp trừ tà ma, ám khí tạo ra không khí an hòa, giúp trí lực sảng khoái, tập trung làm việc được tốt hơn. Do đó, tinh dầu đàn hương được người Ấn Độ sử dụng khi luyện tập yoga hay ngồi thiền định nhằm làm giảm căng thẳng ở hệ thống thần kinh. Hương từ gỗ đàn hương cũng còn giúp một người duy trì được sự kết nối với thế giới vật chất trong khi não đang đi lang thang trong quá trình thiền định.

Gỗ đàn hương có mùi thơm đặc biệt và được cho là có nhiều tác dụng thần kỳ.
Gỗ đàn hương có mùi thơm đặc biệt và được cho là có nhiều tác dụng thần kỳ. 

Với những người theo đạo Hindu, tinh dầu gỗ đàn hương khi được xoa lên con mắt thứ 3 ở trên trán của con người sẽ giúp đánh thức trí tuệ và sức mạnh tiềm ẩn, xóa tan trầm cảm. Đốt nhang làm từ gỗ đàn hương cũng giúp làm dịu tâm trí. Tinh dầu gỗ đàn hương thường được lấy từ tâm cây gỗ và có giá trị cao nhất khi được lấy từ những cây từ 60 năm tuổi trở lên.

Gỗ đàn hương cũng mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Trong các nghi lễ và lễ hội tôn giáo của đạo Hindu, bột gỗ đàn hương được sử dụng để thanh tẩy không gian. Quệt bột gỗ đàn hương lên trán được những người thờ thần Vishnu và Shiva cho là có thể giúp họ tới gần hơn với các vị thần. Nhang đàn hương cũng là một phần không thể thiếu trong các nghi lễ của Phật giáo và Ấn Độ giáo.

Trong các ngôi đền Hindu, không khí ở đây thường tràn ngập hương và mùi gỗ đàn hương, hoa nhài và nghệ. Hương thơm của gỗ đàn hương rất bền. Trong các ngôi đền thờ thường có những bức tượng được chạm khắc từ gỗ đàn hương. Theo thông lệ ở một số cộng đồng những người theo đạo Hindu, một miếng gỗ đàn hương thường được đặt trong giàn thiêu để giúp linh hồn sớm siêu thoát đồng thời cũng là để an ủi những người chịu tang.

Người ta tin rằng hương thơm của gỗ đàn hương còn có thể xua đuổi tà ma. Do đó, các gia đình người Ấn Độ thường đốt nhang có hương gỗ đàn hương với hy vọng giữ lại cho gia đình những điều tốt lành, chào đón các vị thần và xua đuổi được các linh hồn ma quỷ. Đặc biệt, trong thần thoại của đạo Hindu, cây đàn hương gắn liền với con rắn. Trong những bức tranh hội họa truyền thống ở Ấn Độ, những con rắn thường xuất hiện xung quanh cây đàn hương, thể hiện sự ngọt ngào khôn tả bất chấp những nguy hiểm bủa vây xung quanh. Do vậy, những người theo đạo Hindu cho rằng cây đàn hương cũng thu hút rắn.

Nhiều tác dụng thần kỳ

Gỗ đàn hương được cho là có rất nhiều tác dụng thần kỳ và những công dụng  này có xu hướng thay đổi, tùy vào các tôn giáo khác nhau. Trong tiếng Phạn, gỗ đàn hương có tên là chandan, rất linh thiêng trong Ấn Độ giáo. Người ta tin rằng nữ thần Lakshmi sống trong cây gỗ đàn hương. Vị thần nữ này chính là vợ và nguồn năng lượng của thần Vishnu. Trong Ấn Độ giáo, gỗ đàn hương được cho là có thể đưa một người đến gần hơn với các vị thần. Do đó, nó là một trong những yếu tố linh thiêng được sử dụng nhiều nhất trong các cộng đồng người theo đạo Hindu và Vệ Đà. 

Ngoài ra, nhắc đến gỗ đàn hương, nhiều người sẽ nhớ đến ngôi đền Sri Varaha Lakshmi Narasimha, Simhachalam - một ngôi đền của đạo Hindu nằm trên đồi Simhachalam, cao hơn 500m so với mực nước biển ở Visakhapatnam, bang Andhra Pradesh. Là ngôi đền lớn thứ 2 trong 32 ngôi đền ở Andhra Pradesh - một trung tâm hành hương quan trọng, ngôi đền này thờ thần Vishnu hay còn được gọi là Varaha Narasimha. 

Theo truyền thuyết được lưu tại ngôi đền này, thần Vishnu có bề ngoài kỳ dị này, với cái đầu heo rừng, thân người và đuôi sư tử sau khi cứu Trái đất khỏi đại hồng thủy. Thế nhưng, trái ngược với vẻ ngoài kỳ dị, vị thần này lại gắn liền với những điều tốt đẹp. Người ta tin rằng vị thần này có khả năng ban con cháu cho phụ nữ và thực hiện mong muốn của các tín đồ. Đây là vị thần được tôn kính như Đấng tối cao trong giáo phái Vaishnava.

Vishnu cũng được xem như là linh hồn tối thượng, là đấng sáng tạo tối cao hay chân lý cuối cùng. Được coi là chúa tể của sáng tạo, thần Vishnu là một trong những người hỗ trợ, duy trì và điều chỉnh vũ trụ, là nơi vũ trụ đã bắt đầu. Trừ dịp lễ hội mùa xuân hàng năm của người Hindu có tên Akshaya Tritiya, tượng thần Varaha Narasimha được bọc bằng gỗ đàn hương trong suốt cả năm. 

Đàn hương trong các tôn giáo khác

Với Đạo giáo, sử dụng gỗ đàn hương là một phần không thể thiếu trong các nghi thức hàng ngày. Bột gỗ đàn hương trộn với nghệ tây được sử dụng để thờ các vị thần theo đạo này. Bột gỗ đàn hương được các tu sĩ và nữ tu theo Đạo giáo tưới cho các đệ tử và tín đồ của họ. Vòng bằng gỗ đàn hương được sử dụng để đeo cho các thi thể trong các nghi lễ hỏa táng theo đạo này.

Trong lễ hội Mahamastakabhisheka được tổ chức một lần trong mỗi 12 năm, bức tượng của Gommateshwara sẽ được tắm và xức dầu với bằng bột nghệ tây, sữa, nước mía và rắc bột gỗ đàn hương, bột nghệ lên. Trong quan niệm của Phật giáo, gỗ đàn hương được coi là thuộc nhóm padma (hoa sen). Mùi hương gỗ đàn hương được một số người tin tưởng rằng để biến đổi ham muốn của một người và duy trì sự tỉnh táo trong khi thiền định. Nó cũng là một trong những mùi hương phổ biến nhất được sử dụng khi dâng hương cho Đức Phật và các đạo sư. Các tín đồ Phật giáo đốt nhang trầm hương để biến đổi dục vọng và thúc đẩy chánh niệm của con người.

Ngoài ra, những câu chuyện truyền miệng trong dân gian cũng cho rằng gỗ đàn hương cũng có tác dụng hỗ trợ và bảo vệ. Ví dụ, họ cho rằng bạn có thể viết mong muốn của bạn lên một thanh gỗ đàn hương, sau đó đặt thanh gỗ vào lò đốt. Khi gỗ đàn hương the cháy, ý định hoặc mong muốn của bạn sẽ được đưa theo làn khói đang bay lên trời, giúp thần linh thấu hiểu được những mong muốn đó và biến nó thành sự thật.

Đọc thêm