Khánh Hòa đẩy mạnh phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh

(PLVN) - UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh.
Một góc TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Một góc TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Theo đó, kế hoạch nhằm phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa phù hợp với chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 23/2/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn; chú trọng xây dựng uy tín về sản phẩm và phát triển thương hiệu Việt, không ngừng phát huy nội lực của thị trường trong nước.

Đồng thời, tận dụng tối đa lợi thế về độ mở của thương mại trong nước, hạn chế được những tác động tiêu cực, giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài; tạo môi trường cho phát triển thương mại trong nước một cách thuận lợi, ổn định, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và bảo đảm quyền tự chủ, tự do kinh doanh của các chủ thể tham gia; tăng cường quản lý Nhà nước, bảo vệ hiệu quả thị trường trong nước...

Kế hoạch đặt ra mục tiêu phát triển thương mại trong nước tăng trưởng nhanh, bền vững, nâng cao uy tín, chất lượng hàng Việt Nam; thực hiện cơ cấu lại thương mại theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Khánh Hòa đề ra các định hướng chính, gồm: tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực thương mại theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh; tăng cường kết nối, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, các hệ sinh thái toàn cầu và khu vực; phát triển thương mại điện tử trở thành hình thức thương mại chủ đạo.

Đồng thời, xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại, bền vững, phù hợp với tính chất, trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn, trong từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa, hỗ trợ xuất khẩu; tập trung ưu tiên các loại hình hạ tầng thương mại có tính lan tỏa, có tác động đáng kể hỗ trợ sản xuất lưu thông.

Đặc biệt, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng thương mại thiết yếu vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng một số trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh có tính liên kết cao để làm động lực cho các chuỗi cung ứng của Việt Nam; đẩy mạnh liên kết trong chuỗi cung ứng gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại theo hướng chuyên nghiệp; đổi mới công tác xúc tiến thương mại, đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường công tác bảo đảm trật tự và bình ổn thị trường, kiểm soát tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm lợi ích của người tiêu dùng.

Đọc thêm