Theo ông Nguyễn Thành Sơn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, tuy ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng các cấp, ngành, địa phương vẫn triển khai thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, tiền điện, nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tập trung công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế được thực hiện thông qua việc lồng ghép với Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đã giúp nâng cao nhận thức, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Các hộ tham gia xây dựng, nhân rộng mô hình đã tự chủ trong việc lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp; tự chủ sử dụng kinh phí hỗ trợ để mua giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật... để phục vụ sản xuất, phát triển và từng bước vươn lên thoát nghèo.
Đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa đã giải ngân hơn 450 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách cho hơn 25.550 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay. Từ nguồn vốn này đã giúp nhiều hộ phát triển sản xuất, cải thiện điều kiện sống, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác giảm nghèo của địa phương.
Từ năm 2022, tỉnh áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 theo mức nâng cao. Các cấp, ngành, địa phương sẽ tập trung thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, các dự án của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp trọng tâm được đưa ra nhằm thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận và các đoàn thể, nhân dân; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; Sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Trung ương; tiếp tục bố trí thêm nguồn vốn từ ngân sách địa phương cho công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Bên cạnh đó, địa phương triển khai huy động nguồn vốn “Quỹ Vì người nghèo” của tỉnh bằng cách kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm thông qua các phong trào, cuộc vận động “Tháng hành động vì người nghèo”, “Quỹ Vì người nghèo”; đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ngoài ra, địa phương này còn chú trọng gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người nghèo tìm được việc làm sau đào tạo; quan tâm công tác khuyến nông - lâm - ngư nghiệp, hướng dẫn, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất cho hộ nghèo, giúp thoát nghèo bền vững; triển khai minh bạch các nguồn vốn tín dụng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo. Đồng thời, các mô hình giảm nghèo hiệu quả sẽ được xây dựng, nhân rộng phù hợp với từng địa bàn nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.