Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Duy Cam – Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy (Thái Bình) nhấn mạnh: “Biểu tượng “Bến không chồng” là biểu tượng cho sự tri ân với lớp cha anh đi trước, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ. Đây thực sự là một công trình văn hóa, cảnh quan là điểm đến cho du khách trong và ngoài nước. Từ tác phẩm, nhà văn Dương Hướng khắc họa bối cảnh, hiện thực đời sống, chất liệu sáng tác chính tại nơi này như một xã hội thu nhỏ. Anh mãi là niềm tự hào của quê hương Thụy Liên, quê hương Thái Thụy - nơi quê lúa Thái Bình…”.
Công trình khu bia lưu niệm “Bến không chồng” được khởi công xây dựng từ tháng 10/2018, ngay cạnh mép sông Đình Đoài trong tiểu thuyết. Tổng kinh phí đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng, trong đó phần kè sông do huyện Thái Thụy hỗ trợ 2,2 tỷ đồng; phần bến sông và bia lưu niệm là 400 triệu đồng do Công ty Thủy lợi Bắc Thái Bình, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh và Công ty Bảo Nguyên (Cẩm Phả) đầu tư. Công trình gồm một số hạng mục: Bia đá khắc đại tự, khuôn viên, tiểu cảnh, kè đá hai bờ sông Đình Đoài.
Biểu tượng được chế tác từ phiến đá tuyết sơn liền khối, vân đá tự nhiên. Hình dáng giống như một cánh buồm đón gió. Văn bia gồm hai phần: Phần trên gần đỉnh bia chạm ba chữ thếp vàng “Bến không chồng”. Phần chính của thân bia khắc: “Bến sông này cùng với mảnh đất con người nơi đây đã đi vào đời sống văn học nghệ thuật, ghi một dấu ấn sâu sắc như một bản tình ca bi tráng, về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”.
Đại diện cho chủ đầu tư và chủ trì Lễ khánh thành, ông Vũ Thành Quang – Chủ tịch UBND xã Thụy Liên, chia sẻ: “Đảng ủy, chính quyền và nhân dân rất đồng thuận với việc tôn vinh tác phẩm viết về quê hương, tri ân với những cống hiến của nhà văn quê hương, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, ghi nhận những đóng góp hi sinh lớn lao của nhân dân Thụy Liên, trong đó có sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc”.
Đặc biệt trong buổi lễ này, nhà văn Dương Hướng – chủ nhân của giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991, chủ nhân giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2016 của “Bến không chồng”, không giấu nổi phấn khởi và xúc động: “Tôi có nhiều giải thưởng, phần thưởng. Nhưng đây là phần thưởng cao quí nhất của cuộc đời. Phần thưởng này không chỉ cho cá nhân mà cho cả xã Thụy Liên, trong đó công lao lớn nhất là ý tưởng, đề xuất của các đồng chí lãnh đạo địa phương xã. Không có sự ủng hộ tích cực của các nhà tài trợ và xã hội hóa thì không có công trình bề thế, ý nghĩa này”.
Trong các cuộc chiến tranh vẫn diễn ra các cuộc chia ly các cuộc tiễn đưa. Cả đổ máu, hy sinh, chia lìa mất mát, cả chờ đợi nữa. Có rất nhiều “Bến không chồng” trên đất nước này, nhưng chỉ có một “Bến không chồng” độc đáo ở Thụy Liên. Thật tự hào khi có biểu tượng này dựng lên, nhưng chúng ta hãy luôn cầu nguyện: Đừng xuất hiện thêm các “Bến không chồng” khác nữa.