Lần thứ nhất, Bác ở từ ngày 6/4/1949 đến 16/5/1949, trong căn lán nhỏ theo kiểu nhà sàn gần bờ sông Phó Đáy. Cạnh lán có sân bóng chuyền, nơi Bác và các đồng chí cận vệ chơi bóng mỗi ngày. Tại đây, Bác đã viết bài báo Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng, nói về ý nghĩa, mục đích và phương pháp phê bình. Cũng tại đây, Bác đã chỉ đạo chủ trì các hội nghị Trung ương mở rộng để thảo luận các đề án chính trị, chính quyền, kinh tế… chuẩn bị cho Đại hội Đảng.
Lần thứ hai, Bác ở từ 1/6/1949 đến đầu tháng 1/1950. Thời gian này Bác đã hoàn thành cuốn sách Cần, kiệm, liêm, chính. Nổi bật trong số đó là bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy, Bác viết nhân chuyến xuôi thuyền về huyện lỵ Sơn Dương thăm lớp học của cán bộ kháng chiến và bài báo Dân vận, Bác viết ngày 15/10/1949.
Sau này, bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy trở thành tuyệt tác văn chương trong sách giáo khoa và ngày Bác viết bài báo Dân vận trở thành Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng. Ngày 2/1/1950, trong bộ áo chàm của dân tộc Nùng, Bác bí mật lên đường, bắt đầu chuyến công tác đến Liên Xô và Trung Quốc nhằm mở rộng quan hệ ngoại giao.
Lần thứ ba, Bác ở từ tháng 4 đến tháng 9/1950, sau chuyến đi công tác dài ngày ở nước ngoài. Đánh giá về thắng lợi của chuyến đi, Bác nhận định đây là thắng lợi lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Việc Liên Xô và Trung Quốc cùng các nước dân chủ mới thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phá vỡ thế bao vây của chủ nghĩa đế quốc. Từ đây, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam được tiếp thêm sức mạnh của cách mạng thế giới, từng bước chuyển sang giai đoạn phản công và tiến công.
Bia đá Di tích Quốc gia Khấu Lấu - Vực Hồ, khắc ghi những ngày, tháng Bác Hồ ở và làm việc |
Tháng 6-1950, tại Khấu Lấu - Vực Hồ, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định mở chiến dịch Biên giới. Bác chỉ thị “Chiến dịch này chỉ cho đánh thắng, không cho đánh bại”.
Tháng 8-1950, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng chuẩn y phương án tác chiến của chiến dịch. Đầu tháng 9-1950, Bác Hồ từ Khấu Lấu lên đường đi chỉ đạo chiến dịch Biên giới 1950.
Cũng trong khoảng thời gian này, Bác đã viết nhiều tác phẩm nổi tiếng, nhiều bài báo, bài phát biểu, bức thư, ký các sắc lệnh quan trọng và chủ trì, tham gia nhiều hoạt động quan trọng của Trung ương, Chính phủ.
Một số tác phẩm nổi tiếng Người viết trong thời gian đó gồm: Bài báo "Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng", viết tháng 4/1949. Trong bài báo, Người phân tích: “Thuốc đắng thì dã tật, nói thật thì được việc. Phê bình là thuốc để chữa các bệnh khuyết điểm… Chúng ta vì dân, vì nước mà làm cách mạng. Muốn cách mạng thành công, ắt phải đoàn kết và tiến bộ… Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ. Không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình”. Những tác phẩm của Người viết trong thời gian ở Khấu Lấu - Vực Hồ đến nay vẫn giữ nguyên giá trị.
Thôn Bòng nơi có Di tích Quốc gia Khấu Lấu - Vực Hồ hiện có hơn 800 nhân khẩu với 180 hộ dân. Kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Với sự cần cù, chịu thương chịu khó của người dân, năm 2021, toàn thôn chỉ còn 3 hộ nghèo, hơn 97% gia đình đạt gia đình văn hóa.
75 năm qua, người dân nơi đây vẫn truyền nhau những câu chuyện về Bác và nhắc nhớ nhau cùng xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Những năm, tháng Bác Hồ ở và làm việc tại đây được người dân khắc ghi, là động lực để xây dựng quê hương ngày một tươi đẹp. Về thôn Bòng hôm nay, những ngôi nhà cao tầng san sát, cuộc sống người dân đã đủ đầy hơn./.