BĐBP không còn là “khách”
Tỉnh Quảng Ninh có 11 huyện, thị xã, thành phố biên giới, hải đảo. Ở những khu vực biên giới, vùng biển, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề về dân tộc, tôn giáo để tăng cường hoạt động chống phá, thực hiện âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...
Bên cạnh đó, các huyện biên giới, huyện đảo đều là những địa bàn phức tạp về an ninh chính trị; hoạt động của các loại tội phạm diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia liên quan đến an ninh quốc gia, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định.
Về việc bố trí cán bộ BĐBP tham gia cấp ủy, chính quyền, ở cấp tỉnh, có Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Ninh được bố trí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cấp xã có 24 cán bộ tăng cường giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy. Tuy nhiên, ở cấp huyện, từ trước đến nay, Trung ương và tỉnh không có chủ trương đưa cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy. Về tổ chức, biên chế, BĐBP bố trí các đồn biên phòng tại 11/14 huyện, thành phố trong tỉnh.
Nếu trong tập thể huyện ủy, thành ủy không có người nắm chắc, hiểu sâu về tình hình, không có kiến thức, kinh nghiệm xử lý các vấn đề đặt ra về an ninh biên giới thì rất khó trong công tác hoạch định chủ trương, xây dựng nghị quyết, làm công tác tham mưu, lãnh đạo, xử lý hiệu quả các tình huống liên quan đến an ninh biên giới.
Để phát huy tối đa vai trò tham mưu của đội ngũ cán bộ BĐBP đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) gắn với củng cố quốc phòng - an ninh trên biên giới, ngày 21/3/2016, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã có Đề án số 174-DA/TU báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng cho chủ trương thí điểm chỉ định bổ sung đồng chí đồn trưởng hoặc chính trị viên đồn biên phòng tham gia cấp ủy các huyện, thành phố biên giới, biển đảo của tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 27/6/2017, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh chủ trì phối hợp với Đảng ủy BĐBP Quảng Ninh lựa chọn 3 đồn trưởng và 2 chính trị viên đồn biên phòng tham gia vào Ban Chấp hành Đảng bộ 5 huyện, thành phố biên giới, hải đảo gồm: Thành ủy Móng Cái, các Huyện ủy: Bình Liêu, Hải Hà, Cô Tô và Vân Đồn. Đề án 174 là chủ trương mới, khẳng định rõ vị trí, vai trò của BĐBP đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Thượng tá Lê Anh Tuấn - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hoành Mô, cán bộ được chỉ định bổ sung vào Huyện ủy Bình Liêu theo đề án chia sẻ: “Nếu như trước kia, các cuộc họp của Huyện ủy, lãnh đạo đơn vị chỉ được triệu tập tham dự theo tư cách khách mời, nên mỗi cuộc họp, đơn vị lại cử một đồng chí chỉ huy đến dự, dẫn đến không nắm bắt hết được nhiệm vụ chung mà Đảng bộ huyện bàn thảo. Do là “khách”, nên ý kiến tham gia của chỉ huy đơn vị vào các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng bộ cũng ở mức độ.
Từ khi được bổ sung vào cấp ủy, đến nay, được phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách theo dõi cụ thể, tôi thấy trách nhiệm, vai trò của cá nhân lớn hơn, nên đã tích cực, chủ động hơn trong việc nghiên cứu, đề xuất với Đảng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định hơn”.
Mọi thông tin tình hình biên giới có sự trao đổi hai chiều
Ông Mai Tuấn Phượng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cô Tô khẳng định: “Từ khi có đồng chí Đồn trưởng Đồn Biên phòng (ĐBP) Cô Tô tham gia vào cấp ủy, huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng các nhiệm vụ liên quan đến công tác biên phòng, an ninh trật tự được giữ vững, quan hệ đối ngoại được phát huy, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Là cán bộ được chỉ định bổ sung vào Huyện ủy Vân Đồn theo đề án, Thượng tá Võ Hữu Nam - Đồn trưởng ĐBP Ngọc Vừng, BĐBP tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Trong từng kỳ họp, tôi có trách nhiệm thông báo về tình hình biên giới, an ninh trật tự có liên quan đến vấn đề chủ quyền an ninh biên giới quốc gia cho Ban chấp hành Đảng bộ huyện; đồng thời tham mưu chủ trương, biện pháp để huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo các ngành của huyện thực hiện các nhiệm vụ công tác biên phòng trên phạm vi toàn huyện.
Bên cạnh đó, sau mỗi cuộc họp tôi đều báo cáo với lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh những nội dung chính, qua đó Đảng ủy BĐBP nắm được kịp thời những chủ trương, giải pháp. Như vậy, mọi thông tin tình hình biên giới, thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của BĐBP tỉnh và huyện ủy có sự trao đổi hai chiều; bảo đảm sự thống nhất, chặt chẽ và kịp thời”.
Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng - Chủ nhiệm Chính trị BĐBP cho biết: “Đặc thù lực lượng BĐBP tổ chức theo 3 cấp từ Bộ Tư lệnh xuống tỉnh (thành phố) và cấp đơn vị cơ sở. Như vậy, ở cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh không có đơn vị Biên phòng tương đương.
Để công tác biên phòng được thực hiện toàn diện, rất cần cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, thành phố biên giới thuộc tỉnh. Vấn đề đặt ra hiện nay là từ thực tiễn thực hiện đề án, rút ra bài học để địa phương và lực lượng BĐBP có những điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho các Huyện ủy viên, Thành ủy viên là cán bộ Biên phòng thực hiện tốt nhất vai trò của mình”.