Khi người dân tin vào bảo hiểm xã hội tự nguyện

(PLVN) - Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thời gian qua, cơ quan này luôn chủ động, tích cực trong công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội. 
Chị N.T.Huệ tham gia BHXH tự nguyện cho 12 người thân trong gia đình.
(Ảnh: BHXH Thừa Thiên - Huế).
Chị N.T.Huệ tham gia BHXH tự nguyện cho 12 người thân trong gia đình. (Ảnh: BHXH Thừa Thiên - Huế).

Những lợi ích thiết thực

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là loại hình BHXH mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng lương hưu khi về già, nhất là đối với những người không có việc làm ổn định, không có hợp đồng lao động.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây thực sự là chính sách ưu việt và đầy tính nhân văn cho lao động tự do làm việc ở khu vực phi chính thức được tham gia và hưởng các chế độ BHXH khi hết tuổi lao động. 

Theo Luật BHXH sửa đổi, đã có nhiều quy định mới về BHXH tự nguyện khắc phục một phần khó khăn cho đối tượng tham gia, như: Bỏ quy định tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện, bỏ quy định mức thu nhập đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở), thay vào đó là quy định mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng).

Thiết thực là vậy nhưng BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, để chính sách BHXH tự nguyện thực sự đi vào cuộc sống thì công tác tuyên truyền về BHXH tự nguyện trong thời gian qua đã phải có những cải tiến vượt bậc cả về nội dung lẫn hình thức, đặc biệt là kỹ năng tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền đã giúp người dân hiểu rõ về tầm quan trọng và ý nghĩa của BHXH tự nguyện. Từ đó làm thay đổi nhận thức của người dân kể cả những người trước đây từng có tâm lý ỷ lại, dựa dẫm vào gia đình và xã hội.

Trước thực trạng trên, BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thời gian qua cơ quan này đã triển khai công tác tuyên truyền một cách thường xuyên, sâu rộng. Từ tổ chức hội nghị có sự tham gia của tổ trưởng, bí thư chi bộ đến những buổi đối thoại có sự tham gia của lãnh đạo UBND các huyện, thị, thành phố thực hiện tuyên truyền cùng để tăng độ tin cậy đối với người dân. 

Ngoài ra, việc nhạy bén trong nắm bắt tâm lý người dân khi đặt câu hỏi thắc mắc cũng là lợi thế để cán bộ tuyên truyền nêu lên ý tưởng cho nội dung tuyên truyền, nhằm đánh đúng, đánh trúng vào tâm lý, để người dân có thể hiểu và tự nguyện tham gia. Nhờ vậy nên ngày càng có nhiều người tin tưởng vào chính sách BHXH và công tác tuyên truyền thực sự đã phát huy được hiệu quả cao.

Bên cạnh việc bồi dưỡng, phát huy vai trò của những nhân viên đại lý thu có tâm huyết, Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng thường xuyên cử cán bộ xuống phối hợp với các khu phố, khu dân cư, ban quản lý chợ để lập các danh sách những đối tượng tiềm năng, xác định các đối tượng trong độ tuổi lao động chưa tham gia BHXH mà có thu nhập ổn định để trực tiếp đến tuyên truyền vận động làm tiền đề vận động các đối tượng khác tham gia BHXH tự nguyện.

Trao gửi niềm tin

Và khi đã cảm nhận được những lợi ích thiết thực của loại hình bảo hiểm tự nguyện này, nhiều người đã không ngần ngại tham gia BHXH tự nguyện cho tất cả các thành viên trong gia đình.

Chị N.T.Huệ - chủ một quán bán đồ ăn chay trên địa bàn thành phố Huế tâm sự: “Trước đây, tôi ít quan tâm tới BHXH bởi cứ nghĩ những người làm nghề tự do không có cơ hội đóng BHXH và tôi cũng chưa hiểu hết lợi ích mà BHXH tự nguyện mang lại. Chỉ đến khi nghe cán bộ BHXH phân tích, tôi mới hiểu và quyết định tham gia”. 

Nhưng không chỉ dừng lại ở việc tham gia cho cá nhân mình, chị Huệ quyết định tham gia cho 12 người trong gia đình hai bên nội, ngoại. “Tôi muốn đây thực sự là món quà cho những người thân yêu của mình khi có lương hưu, coi như của dự phòng cho tuổi già”, chị Huệ chia sẻ.

Trò chuyện với chúng tôi, bà N.T.Vy cho biết: “Hàng tháng khi thấy một số người bạn đi lĩnh lương hưu tôi cũng mong muốn mình được như vậy. Sau khi được cán bộ BHXH tư vấn tỉ mỉ, tôi đã quyết định tham gia cho cả gia đình gồm 5 thành viên. Giá như tôi biết sớm hơn về chính sách BHXH tự nguyện thì bây giờ tôi cũng sắp thành hưu trí. Nhưng muộn vẫn còn hơn không” - bà Vy cười xòa.

Gần 70 tuổi mới biết đến chính sách BHXH tự nguyện, thế nhưng ông Hồ A rất tâm đắc: “Tôi cũng không hy vọng đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu vì tuổi đã cao, tôi chỉ đóng đủ 5 năm để hưởng chế độ tử tuất. Lao động vất vả cả đời người cũng đã tính lúc nhắm mắt xuôi tay, thế nhưng bây giờ mới thực sự yên tâm khi được Nhà nước lo hậu sự, con cháu đỡ vất vả”. Không muốn là gánh nặng cho các con khi nằm xuống, ông Hồ A tham gia BHXH tự nguyện cho cả vợ mình.

Xác định tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục, do vậy, ngay những ngày đầu năm mới 2021, lãnh đạo BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo không để cho việc tuyên truyền bị gián đoạn. Qua đó, đã góp phần quan trọng vào việc tăng đối tượng tham gia loại hình bảo hiểm này trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, tính đến ngày 31/01/2021, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn tăng 178 so với cuối năm 2020.

Đọc thêm