Khi tiếng Việt rộn ràng ở khắp năm châu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Tiếng Việt” giờ đây không chỉ còn là tiếng nói được cất lên trong địa giới hành chính Việt Nam. Tiếng Việt mỗi ngày vẫn được người Việt dùng khắp năm châu, truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bởi “Tiếng Việt còn nước ta còn”.
Lễ Phát động Cuộc thi “Biên soạn sách, tài liệu dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”.
Lễ Phát động Cuộc thi “Biên soạn sách, tài liệu dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”.

Ở xứ lạ nghe tiếng quê hương

Có lẽ, hiếm người Việt nào không biết đến bài hát “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví giặm”, một ca khúc mỗi khi ngân lên đã lay động người nghe trong suốt hàng thập kỷ qua. Bài hát gây xúc động bởi nói lên nỗi niềm của một người con xa xứ khi tình cờ nghe được một câu hát quê hương giữa Thủ đô một đất nước xa xôi. Đó cũng chính là nỗi niềm của của nhà thơ Đỗ Quý Doãn, tác giả bài hát, là cảm xúc thực sự của ông, vào một chiều thu của năm 1981, khi đang là cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov, được nghe một câu hò ví giặm Nghệ Tĩnh khiến trái tim thổn thức nỗi nhớ nhà.

Có lẽ, cảm xúc khiến mỗi người Việt xa xứ vui nhất, thổn thức nhất, là khi bắt gặp tiếng nói “đồng hương” giữa đường phố xa lạ. Trên một khu phố đông đúc của Paris hoa lệ, trên đường phố New York ồn ào, hay một khu chợ đêm nhộn nhịp ở Bangkok, bỗng tiếng Việt cất lên “chị là người Việt à”, nghe vừa thân thương vừa rộn ràng. Khi ấy, người xa lạ cũng trở nên thân thuộc, kết nối với nhau trong trong niềm hân hoan “người Việt mình”.

Chính bởi cảm xúc ấy, người Việt sang Mỹ bao giờ cũng muốn đến Cali, muốn sống khu Phúc Lộc Thọ, nơi người Việt tập trung sinh sống rất đông đúc, bởi muốn được đắm chìm trong cái không khí Việt Nam vui vẻ, được hàng ngày giao lưu, kết nối với người Việt, nghe tiếng Việt.

Ở Marseille, Pháp có một siêu thị Việt khá nổi tiếng. Nhiều người Việt sống ở Marseille cứ cuối tuần, như một thói quen phải tìm đến đấy. Không chỉ để mua thực phẩm đậm chất Việt, nấu món Việt ăn cho đỡ nhớ nhà, mà quan trọng là đến để có thể gặp người Việt, nghe tiếng Việt, để trái tim xa xứ được ấm lên trong những tiếng nói thân quen. Anh Lewis Dang, một Việt Kiều sống tại thành phố Regina, Canada đã 10 năm chia sẻ: “Thật sự, khi sống xa xứ lâu năm, niềm vui nhất là được gặp người Việt, cùng nói tiếng Việt một cách thoải mái. 

Còn trong gia đình tôi thì có quy định là ở nhà thì phải nói tiếng Việt. Đi ra đường giao tiếp không nói, nhưng lúc ở nhà là lúc thoải mái nhất, chỉ có tiếng của xứ sở mới có thể giúp kết nối mọi thành viên với nhau một cách sâu sắc. Nói tiếng Việt cũng là để cả nhà không quên xứ sở, các con tôi nhớ đến cội nguồn. Hai đứa con tôi đều được học tiếng Việt từ nhỏ. Dù bận rộn mưu sinh đến đâu, vợ chồng tôi cùng phải dành riêng thời gian để dạy con tiếng mẹ đẻ. Đến nay, một đứa 7 tuổi, một đứa năm tuổi đều nói tiếng Việt khá tốt. Mỗi khi gia đình ngồi với nhau nói tiếng quê huơng thì cảm giác thân thiết ngập tràn, vơi đi nỗi nhớ quê nhiều lắm. Và mỗi khi mấy đứa nhỏ gọi điện về cho ông bà, nghe cháu nói tiếng Việt chào hỏi, thấy ông bà vui vô cùng”.

Thực tế, có nhiều người Việt sống tại nước ngoài vì cuộc mưu sinh vất vả đã “quên” mất chuyện gìn giữ, dạy tiếng Việt cho con cái thế hệ sau. Đến khi giật mình nhìn lại, con đã lớn và trở thành một “Tây” chính hiệu, xa lạ với quê hương bản quán của mình. Không biết tiếng mẹ đẻ, không có sự tìm hiểu về quê hương, bản quán, thì đối với những đứa trẻ F2, F2 trong gia đình người Việt ở nước ngoài, Việt Nam cũng chỉ là một tên gọi, một địa danh đâu đó xa xôi trên bản đồ thế giới, nơi cha mẹ từng sinh sống trước khi di dân.

Không chỉ thế, một khi không dạy con nói tiếng mẹ đẻ, trong các gia đình Việt kiều xa xứ, mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ, với các thế hệ trước cũng thiếu đi sự gần gũi, sâu sắc cần có. Bởi, sự thấu hiểu, gắn bó giữa một người và gia đình không chỉ bởi chung dòng máu, mà còn cần chung nền tảng văn hóa, chung ngôn ngữ mẹ đẻ. Không ít gia đình người Việt rơi vào tình trạng đáng buồn, con cái và cha mẹ xa lạ, bởi người trong gia đình nhưng nói hai thứ tiếng khác nhau. Và câu chuyện “mất gốc” của thế hệ sau đã là một thực trạng diễn ra không ít tại các gia đình Việt sinh sống tại nước ngoài.

Thực tế, có không ít người Việt tại nước ngoài nhận thức được “mối nguy” khi con cháu không được học, tiếp xúc với tiếng Việt và văn hóa Việt. Thế nhưng, phần vì thời gian mưu sinh xứ người quá vất vả, bận rộn, phần vì không có phương pháp giảng dạy nên loay hoay không biết làm sao.

Nỗ lực trao truyền “tiếng nước ta”

Những năm qua, với nỗ lực của Chính phủ, của một số tổ chức và cá nhân, tiếng Việt vẫn đươc dạy trong cộng đồng người Việt tại nước ngoài khá nhiều. Theo ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao): “Hiện nay, ở nhiều nơi, người Việt Nam thậm chí ở thế hệ thứ ba, thứ tư vẫn nói được tiếng Việt. Ở Pháp, chúng tôi được biết hiện có rất nhiều nhóm do chính cộng đồng của chúng ta thành lập, tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm giới thiệu văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta tới cộng đồng cũng như bạn bè quốc tế”. 

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài đón Tết Nguyên đán.
 Cộng đồng người Việt ở nước ngoài đón Tết Nguyên đán.

Tại Thái Lan, với phương châm “người Việt còn thì tiếng Việt còn”, ở nhiều tỉnh trên xứ sở Chùa Vàng, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống đã có những lớp dạy tiếng Việt cho con em người Việt. Từ nhiều năm nay, phong trào dạy và học tiếng Việt được cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Thái Lan hưởng ứng sôi nổi. Các hội người Việt, hội doanh nhân đã hỗ trợ mở và duy trì nhiều cơ sở dạy tiếng Việt. Nhiều người Việt sống tại đây cũng nhiệt tình xung phong làm giáo viên dạy tiếng Việt miễn phí cho các lớp học tiếng Việt xa xứ.

Những năm gần đây, trong cộng đồng người Việt sinh sống tại nhiều nước trên thế giới, nhiều lớp học tiếng Việt cũng đã được khai giảng. Năm 2020, tại Thủ đô Vienna, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Áo phối hợp với Hội Phụ nữ Việt Nam tại Áo đã tổ chức khai giảng lớp tiếng Việt dành cho con em cộng đồng người Việt Nam. Để lớp học ra đời và duy trì hiệu quả, Đại sứ quán đã phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các khóa đào tạo chuẩn hóa chương trình dạy tiếng Việt cho các thành viên Hội Phụ nữ Việt Nam và một số sinh viên Việt Nam đang học tập tại Áo tham gia giảng dạy, đồng thời hỗ trợ sách giáo khoa. 

Năm 2019, khóa học chuẩn hóa tiếng Việt đầu tiên cho con em cộng đồng người Việt tại Séc theo “Chương trình tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” của Nhà nước cũng đã khai giảng với sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền sở tại và sự tham gia của gần 90 học sinh con em các gia đình Việt. Tương tự, nhiều khóa học Tiếng Việt cũng đã được tổ chức trang trọng tại nhiều quốc gia từ Âu đến Á trong những năm qua như Đức, Lào, Capuchia, Ukraine…

Có thể thấy, những năm qua, Ủy ban Nhà nước về  người Việt Nam ở nước ngoài đã đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng. Trong vòng vài năm qua đã có ba đề án cấp nhà nước liên quan đến việc dạy và học tiếng Việt của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đó là Đề án dạy và học tiếng Việt, Đề án nâng cao hiệu quả công tác dạy và học tiếng Việt và Đề án dạy tiếng Việt online. Cạnh đó, Ủy ban  đã cấp cho cộng đồng khoảng 70.000 bộ sách giáo khoa về tiếng Việt, bao gồm hai tập “Quê Việt” dành cho người lớn và “Tiếng Việt vui” dành cho trẻ em.

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay ở Mỹ có khoảng hơn 200 trung tâm/cơ sở dạy tiếng Việt, ở Thái Lan có xấp xỉ 40 lớp, Campuchia có hơn 30 điểm trường/lớp dạy còn ở Lào có hơn 10 trường/trung tâm dạy tiếng Việt. Tại các nước Pháp, Đức, Séc, Nga cũng có hàng chục trung tâm dạy tiếng Việt. Tuy nhiên, các cơ sở dạy tiếng Việt ở nước ngoài thường chỉ quy mô nhỏ, mang tính tự phát, không có tài trợ thường xuyên, cơ sở vật chất thiếu thốn, số lượng học không nhiều, số lượng học viên trồi sụt không ổn định. Tại nhiều quốc gia, việc lập và duy trì lớp học tiếng Việt gặp rất nhiều khó khăn chưa khắc phục được.

Có thể thấy, con đường trao truyền tiếng Việt cho chính thế hệ người Việt trẻ sống tại nước ngoài là một hành trình nhiều gian khó, vất vả. Thế nhưng, với tâm huyết của những người đang thực hiện, với trái tim hướng về Tổ quốc của người Việt xa xứ, tin rằng tiếng Việt sẽ không mất dấu ở phương xa. Nơi nào còn người Việt, có người gốc Việt thì nơi đó sẽ luôn luôn vang lên tiếng Việt thân thương. 

Đọc thêm