Khi tụi nhỏ tất bật “gánh” giấc mơ của cha mẹ

(PLVN) - Những đứa trẻ ấy, nhìn vào thì rất sung sướng, đủ đầy vật chất, được cha mẹ lo lắng, bảo bọc. Thế nhưng, không mấy ai biết đằng sau đó là những áp lực vô hình đang đè nặng. Bởi giấc mơ các bậc sinh thành quá lớn, đặt lên vai những đứa trẻ bé bỏng...
Đặt lên vai trẻ áp lực tương lai quá lớn có thể khiến con gục ngã. Ảnh minh họa: Reuters

Những ông bố, bà mẹ “siêu nhân”

Là một giáo viên, chị Nguyễn Anh Th., ngụ Dương Đình Nghệ, Tân Bình, TP HCM có cách dạy con khiến nhiều người nhìn vào rất ngưỡng mộ. Con trai chị, bé Lê Thanh B., học sinh lớp 8 tại một trường THCS nổi tiếng ở khu vực trung tâm TP, nhiều năm liền là học sinh xuất sắc, đứng nhất nhì khối.

Không chỉ vậy, cậu bé còn rất giỏi ngoại ngữ khi được mẹ cho học ở Trung tâm Anh ngữ có tiếng với cho phí đắt đỏ. Cạnh đó, để rèn luyện trí tuệ, thời gian trống bé B. còn được cha mẹ cho tham gia lớp cờ vua, em cũng được huấn luyện để có thể tham gia cuộc thi cờ vua toàn thành phố sắp tới.

Mọi người chung quanh hỏi bí quyết để nuôi dạy được cậu con trai thông minh, giỏi giang, nhìn là thấy tương lai rực rỡ như thế, chị Th. chia sẻ đơn giản “phải rèn sắt từ lúc còn nóng”. Tức là, từ lúc con còn nhỏ, đã phải “rèn” cậu bé về mặt tư duy, về kỉ luật học tập.

Theo chị Th., những đứa trẻ ham chơi là bởi chúng được chơi quá nhiều lúc nhỏ thành thói quen. Còn bé B. nhà chị, từ lúc nhỏ đã được chị rèn thói quen học tập. Chị đã đề ra “bảng mục tiêu hàng năm” cho con từ lúc cháu mới… vài tháng tuổi: 2 tháng tuổi tập nhìn bảng chữ cái, 1 tuổi bắt đầu tập nói, tập đi, 2 tuổi được học các kĩ năng và phát triển tư duy ngôn ngữ, 3 tuổi đi học mẫu giáo quốc tế, bắt đầu học nói tiếng Anh bên cạnh tiếng Việt, 4 tuổi bắt đầu học nhận mặt chữ cả Việt lẫn Anh… Cứ thế, cho đến năm cháu lên cấp 3, sẽ là hành trình “săn” học bổng của các trường đại học danh tiếng nước ngoài. 

Vì mục tiêu ấy, chị và chồng sẵn sàng “cày” cật lực để tích lũy tiền bạc, sẵn sàng chịu khó khăn vất vả để cho con đi học ở trường điểm trái tuyến, mỗi ngày tốn hơn 1 tiếng đồng hồ đưa đón. Rồi thời gian đưa con đi học thêm các môn ở những trung tâm nổi tiếng, chi phí đắt đỏ… Không thể kể hết bao nhiêu “trí tuệ”, thời gian chị nghiên cứu chương trình học cho con… 

Ngày nay, những ông bố, bà mẹ “siêu nhân” như vợ chồng anh chị Th. nói trên không hề hiếm. Người ta có thể chứng kiến những ông bố, bà mẹ xếp hàng từ tờ mờ sáng trước cổng các trường điểm, thậm chí xô ngã hàng rào, chồng chất lên nhau chỉ để tranh chỗ cho con những suất học trường tốt. Thậm chí, những ông bố, bà mẹ không phải giàu, nhưng vẫn “cắn răng” cho con học trường quốc tế từ bé, hay đi vay mượn, đắp đổi cho con giấc mơ du học.

Những ông bố, bà mẹ bạc mặt ngoài đường vì sau giờ làm còn làm “tài xế” chở con chạy từ trung tâm này sang trung tâm khác, học càng nhiều kiến thức càng tốt! Cuộc sống của họ hầu như xoay quanh mục tiêu cho tương lai của con, xác định “hy sinh đời bố củng cố đời con”, dồn tất cả để xây nên giấc mơ đẹp cho tương lai của con mình…

Thực ra, đó đâu phải là giấc mơ của đứa trẻ? Đó là những giấc mơ của chính các ông bố, bà mẹ. Cuộc đời họ không như ý, họ đem giấc mơ ấy đặt lên vai con mình. Những cái gọi là hết lòng, là hy sinh ấy, thực chất đã đẩy con về phía trước, khiến con chịu áp lực gánh vác giấc mơ của cha mẹ, phần nào sống thay cuộc đời của cha mẹ.

Đến những cú ngã tuổi trẻ

Không thể phủ nhận, những hy sinh của các ông bố, bà mẹ “siêu nhân” là quá lớn. Họ đã dường như hy sinh những mơ ước, nguyện vọng của riêng mình, để dồn cho ước mơ tương lai con. Nhưng có thật sự, những hy sinh ấy là tốt cho con trẻ?

Quay lại với câu chuyện bé B., con chị Th., giáo viên ở Tân Bình đã kể trên. Năm học vừa qua, chị Th. bỗng nhận thông báo từ giáo viên chủ nhiệm, con mình học hành sa sút, có dấu hiệu “nổi loạn”, tụ tập chơi bời cùng bạn xấu trong trường. Chị Th. kinh ngạc, hoảng hốt vì không hiểu sao con trai ngoan của mình lại bỗng trở nên như thế.

Tra vấn, gặng hỏi, thậm chí chửi bới mà con trai vẫn lầm lì, không chịu trả lời! Quá tức giận, chị tát tai con, ai ngờ cậu bé nửa đêm bỏ nhà đi. Vợ chồng anh chị vừa khóc vừa tìm con, mãi mới biết con trốn ở nhà một người bạn “cá biệt” mới quen không lâu. 

Sau khi bình tĩnh hơn, tìm mọi cách, để cả tham vấn chuyên gia tâm lý để hiểu con, anh chị mới biết, hóa ra con mình tuy trước giờ rất nghe lời, chăm chỉ và nỗ lực học hành để hướng đến mục tiêu “đi du học” mà cha mẹ đặt ra cho mình. Thế nhưng, thực chất cậu bé luôn băn khoăn tại sao mình không được vui chơi thoải mái như bạn bè. Sau giờ học, các bạn có thể rủ nhau la cà ăn vặt, đi coi phim, cậu thì chạy hết trung tâm này đến trung tâm khác.

Nghỉ hè, bạn bè về quê câu cá, tung tăng, cậu vẫn cắm đầu vào học và khoảng thời gian thư giãn duy nhất là… đi resort nghỉ dưỡng với cha mẹ, kết hợp rèn luyện kĩ năng bơi và luôn phải luyện ngoại ngữ với mẹ trong chuyến đi. Cha mẹ hoàn toàn không nhận ra những suy nghĩ trong lòng cậu con trai rất trầm lặng, ít nói của mình. Cho đến một ngày, áp lực làm cậu bé không chịu đựng nổi và phản ứng bằng cách nổi loạn.

Trường hợp của bé B. là những phản ứng khá nhẹ nhàng mà nếu khéo léo, nhận ra được sai lầm của mình, cha mẹ còn có thể sửa chữa được. Còn đáng sợ hơn là những cách phản ứng tiêu cực, hủy hoại bản thân khi trẻ cảm thấy bị dồn ép quá mức, bị những gánh nặng đè lên vai không thở được, tuyệt vọng và không muốn đi tiếp.

Không ít vụ các em học sinh tự tử vì áp lực học hành, áp lực thi cử đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ. Rất tiếc là, nhiều bậc cha mẹ vẫn không muốn, không thể thấu hiểu con mình, để rồi dẫn đến những bi kịch đau lòng, không những không thể xây đắp nên tương lai đẹp cho con, mà còn hủy hoại đi tương lai ấy.

PGS.TS Trần Thành Nam (Trường Đại học Giáo dục) đã chia sẻ: “Trong nghiên cứu của chúng tôi về lo âu học đường thì có đến 80% học sinh đều có lo lắng liên quan đến trường học: Lo lắng về mối quan hệ cha mẹ, về kỳ vọng của bố mẹ, gặp khó khăn trong áp lực về bạn bè cùng trang lứa như bị bắt nạt, định hướng nghề nghiệp, lo lắng trong quan hệ với thầy cô, bị ám ảnh vì thầy cô không công bằng với họ, bị trù úm…

Stress với hoạt động học tập liên tục và không cân bằng được với những hoạt động yêu thích của bản thân, có những người cảm thấy mình không giỏi vấn đề gì nên luôn sợ hãi. Đến 80% các bạn học sinh nói là tôi không biết mình thích gì và nên chọn nghề gì…”.

Đừng nghĩ rằng, trẻ con chỉ có việc ăn học. Đừng nghĩ rằng, người lớn thì mới chịu áp lực, người lớn đã hy sinh tất cả cho tương lai trẻ con. Thực chất, như PGS.TS Trần Thành Nam đã phân tích, những đứa con cũng chịu áp lực từ rất nhiều phía. Đặc biệt là khi con trẻ có những bậc cha mẹ “bàn tay sắt”, với nhiều ước mơ xa, vượt khỏi khả năng chịu đựng của trẻ. 

Có hai trường hợp diễn ra đối với những đứa trẻ phải gánh áp lực từ giấc mơ của cha mẹ. Một là đứa trẻ ấy vẫn tiếp tục oằn lưng gánh giấc mơ ấy, nỗ lực suốt cuộc đời mình mà không có giây phút thảnh thơi, không được là chính mình. Để rồi, lại đặt những gánh nặng của chính mình lên vai thế hệ sau. Hoặc, những đứa trẻ nảy sinh những hệ quả nặng nề về tâm lý, dẫn đến bị méo mó trong tính cách, trầm cảm, thậm chí hủy hoại chính mình. Ở khía cạnh nào đều là không hay.

Các chuyên gia tâm lý từ lâu đã đưa ra lời khuyên trong nuôi dạy con cho các bậc cha mẹ. Đó là hãy cho con được sống đúng với tuổi thơ của mình, có học, có chơi. Vì ngay cả những trò chơi tuổi thơ cũng chính là những bài học vào đời, nuôi nấng tâm hồn trẻ. Hãy để cho con được là chính mình, đừng ép con trẻ theo đuổi những giấc mơ xa hay trở thành “con nhà người ta”.

Và cha mẹ, cũng nên chấp nhận những khiếm khuyết của con, đừng biến con mình thành những đứa trẻ hoàn hảo để lấy làm tự hào. Cởi bỏ mọi gánh nặng, để con được sống vui. Bất cứ đứa trẻ nào cũng thế, có vui vẻ, có tiếng cười, có sự tự tin thì mới có thể phát triển toàn vẹn, mới có thể vươn xa.

Đọc thêm