Khó rút giấy phép đầu tư của công ty Hào Dương vì vướng luật?

(PLO) - Những ngày qua tại TP HCM dư luận đang hết sức bức xúc vì việc Cty Hào Dương (đóng tại KCN Hiệp Phước, Nhà Bè, TP HCM) vi phạm việc bảo vệ môi trường, hàng chục lần bị bắt quả tang, lập biên bản phạt vi phạm nhưng vẫn tái phạm.
Khó rút giấy phép đầu tư của công ty Hào Dương vì vướng luật?

Đỉnh điểm là lần gần đây nhất ngày 23/10, Phòng 2, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phía Nam (C49B) đã bắt quả tang Cty Hào Dương đang bơm nước thải chưa qua xử lý ra sông Đông Điền.

Lần này Cty Hào Dương đã sử dụng 3 đường ống chôn ngầm (tương tự trường hợp của Cty  Vedan ) để bơm nước thải ra sông trong đêm. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Đào Anh Kiệt – giám đốc sở TN&MT cho biết, việc Cty Hào Dương vi phạm xả thải thì đã rõ.
Tuy nhiên, để rút giấy phép, đóng cửa DN thì phải theo quy định pháp luật. Tất cả các lần vi phạm của Cty Hào Dương đều chưa hết khung, theo quy định thì chưa thể rút giấy phép, vì vậy nếu tái phạm vẫn phải xử phạt tiếp?.
Ở góc độ pháp lý, theo luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng văn phòng Luật Tín Nghĩa, TPHCM phân tích: Khi một doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2005 và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì nghĩa vụ của nhà đầu tư là “Thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường” (khoản 6 Điều 20 Luật Đầu tư) và nghĩa vụ của doanh nghiệp là “Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh” (khoản 7 Điều 9 Luật Doanh nghiệp).
Trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhà đầu tư, của doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn có thế.
Còn theo khoản 2 Điều 64 Luật Đầu tư về thu hồi giấy chứng nhận đầu tư thì “Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư sau 12 tháng mà nhà đầu tư không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đã cam kết và không có lý do chính đáng thì bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư”.
Ngoài ra tại khoản 2 Điều 165 Luật Doanh nghiệp quy định các hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bị xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh thì tuyệt nhiên không có quy định hành vi vi phạm môi trường.
Trong khi đó, tại Điều 24, 25 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 thì các cơ sở sản xuất kinh doanh phải có cam kết bảo vệ môi trường. Cam kết thực hiện các biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải và tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Việc xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường thì quy định bằng biện pháp phạt tiền và buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; hoặc tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết.
Nếu cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường hoặc cấm hoạt động (Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường). Tuy nhiên, lưu ý rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường phải công bố mức gây ô nhiễm môi trường như thế nào là nghiêm trọng thì mới áp dụng Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường nhằm buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường hoặc cấm hoạt động, cũng cần nói thêm “cấm hoạt động” không đồng nghĩa là “rút giấy chứng nhận đầu tư” của doanh nghiệp.
Và như thế ngay bản thân luật Bảo vệ môi trường cũng chưa thể giải quyết cụ thể vấn đề rút giấy phép đầu tư doanh nghiệp vi phạm.

Đọc thêm