Khơi dậy văn hóa đọc qua những dự án thiết thực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong thời kì chuyển đổi số, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày hội văn hóa đọc toàn quốc lần thứ nhất. Đồng thời khuyến khích nhiều dự án thiết thực nhằm xây dựng thói quen, văn hóa đọc sách của người dân trên địa bàn tỉnh.
Nhiều tài liệu quý được trưng bày ở̉ không gian triển lãm sách.
Nhiều tài liệu quý được trưng bày ở̉ không gian triển lãm sách.

Ngày hội văn hóa đọc tỉnh Lâm Đồng

Hướng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Nhất, sáng 21/4 tại Khách sạn Đà Lạt Palace (số 2, đường Trần Phú, phường 3, TP Đà Lạt), Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức lễ phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng.

Sự kiện diễn ra từ ngày 21/4 đến ngày 23/4 với chủ đề “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc”. Trong dịp này diễn ra nhiều sự kiện như: Tổ chức các không gian trưng bày, giới thiệu sách, báo,..; Chương trình giao lưu tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; Tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hóa đọc địa phương,...

Tại không gian triển lãm sách, tạp chí, báo,... diễn ra ở khách sạn Đà Lạt Palce nhiều đơn vị trên địa bàn đã tham gia hưởng ứng. Nhiều tư liệu quý về Đà Lạt, cũng như nhiều ấn phẩm sách do tác giả là người Đà Lạt viết. Bên cạnh đó nhiều sản phẩm sáng tạo lấy ý tưởng từ sách cũng được trưng bày như: Áo dài, tò he, rối bóng, tivi sách, Thư pháp chữ Việt,...

Ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng chia sẻ: “Sách là kho tàng tri thức, là sản phẩm văn hóa tinh thần đóng vai trò rất quan trọng. Sách không chỉ dùng để lưu trữ những giá trị đời sống mà sách còn cung cấp tri thức cho con người. Sách cho ta những tri thức cần thiết trong học tập, trong công việc và trong đời sống. Vì thế, từ lâu đọc sách đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của mỗi người”.

Bà Vi Bích Thủy Châu - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Lâm Đồng cho biết, hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất, nhà sách đã tổ chức nhiều hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch như: Cấp thẻ thư viện miễn phí cho bạn đọc; trưng bày, giới thiệu sách, báo, tạp chí; triển lãm, kể chuyện “Covid trong mắt trẻ thơ”; tọa đàm “Đọc sách trong kỷ nguyên số”; thi online tìm hiểu về TP Đà Lạt;...

Theo bà Châu, cộng đồng đặc biệt là giới trẻ hiện nay ít có thói quen đọc sách, một phần nguyên nhân là do sự xuất hiện của sách điện tử, đọc sách qua các trang Website, Blog,...nhưng việc đọc này chủ yếu hạn chế trong phạm vi phục vụ cho việc học tập.

Để có thể khơi dậy thói quen đọc “sách sống”, cần phải có nhiều hoạt động mới mẻ hơn, để kích thích niềm đam mê đọc sách của cộng đồng. Nên chuyển tải, tuyên truyền sách qua các mô hình, hiện vật thực tế thông qua các hình tượng dân gian, tranh vẽ, âm nhạc,... Điển hình như: Bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ bộ sách Hoàng tử bé, truyện Dế mèn phiêu lưu ký; nặn các hình tượng nhân vật trong sách thành các sản phẩm tò he, tượng mini,...

Dự án “Ô cửa sách” nuôi dưỡng văn hóa đọc cho trẻ nhỏ

Bên cạnh các chiến dịch lớn của tỉnh Lâm Đồng để phát triển văn hóa đọc trên địa bàn. Nhiều dự án tư nhân về thúc đẩy, xây dựng thói quen đọc sách trong cộng đồng được hình thành, hoạt động một cách có hiệu quả. Trong đó, có thể kể đến là dự án phát triển văn hóa đọc “Ô cửa sách”.

Thư viện tư nhân Ô cửa sách (I1, Trần Quang Diệu, Phường 10, TP Đà Lạt) do Thạc sĩ Văn học Vũ Thanh Tâm, sáng kiến thành lập, ra đời vào tháng 6/2018 tại TP Hồ Chí Minh. Cuối năm 2019 do dịch Covid-19 bùng phát, cô Tâm cùng gia đình về quê Đà Lạt sinh sống và mang dự án theo cùng.

Cô Tâm chia sẻ, “Từ năm 2015 đến năm 2018 tôi làm giảng viên ở Khoa Hàn Quốc học - Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQG TP Hồ Chí Minh. Vì là thời gian đầu thành lập khoa, nên phải tổ chức liên tục các sự kiện truyền bá; thực hiện các nghiên cứu khoa học và duy trì việc giảng dạy. Có thời điểm chỉ có thể ngủ từ 2 đến 4 tiếng một ngày”.

Vì việc giảng dạy tốn nhiều thời gian, cô Tâm nhận thấy mình không có thời gian để quan tâm, chăm sóc con cái, đặc biệt là theo sát con trong việc đọc sách. Nhận thấy điều này, cô Tâm đã thành lập Câu lạc bộ lớp đọc sách và viết lách, thu hút được lượng lớn phụ huynh và bạn trẻ tham gia. Với số vốn khởi đầu là hớn 700 đầu sách, cộng với vốn kiến thức sẵn có cô Tâm đã thành công xây dựng mô hình đưa sách gần hơn với trẻ nhỏ. Sau này mô hình đổi tên là “Ô cửa sách”.

Cô Tâm giải thích, tên gọi “Ô cửa sách” xuất phát từ ý tưởng xem sách là “khung cửa” để nhìn ra thế giới, qua sách ta có thể tiếp xúc với khối thức rộng lớn của thế giới. Nhận thấy tầm quan trọng trong việc tạo dựng thói quen đọc sách của con nhỏ, cô Tâm quyết định nghỉ hẳn công việc giảng dạy, với cô đây là lựa chọn “sáng suốt nhất trong đời”. Mô hình câu lạc bộ sách của cô Tâm được tổ chức theo hình thức lớp học, hoạt động chủ yếu vào cuối tuần, là nơi để cô thỏa mãn niềm đam mê đọc sách, đồng thời có thời gian đồng hành cùng con qua những trải nghiệm trong lớp học.

Từ khi đưa dự án vào hoạt đồng cô Tâm gặp nhiều khó khăn về kinh phí, vì là dự án phục vụ miễn phí cho cộng đồng, nên mọi nguồn nhân lực, vật lực đều phải tự túc, tự nguyện. Khó khăn tiếp theo là sự ủng hộ của gia đình và quan trọng nhất chính là việc phải thay đổi tư duy của cộng đồng, làm sao để người ta tập thói quen đọc sách, tôn trọng sách.

Để có thể điều hành tốt công việc ở Câu lạc bộ, cô Tâm đã phải học thêm các lớp nghiệp vụ Mầm non. Vì theo cô Tâm “sự đổi mới tư duy trong giáo dục xuất phát từ đội ngũ Mầm non”, với nhiều kiến thức nền tảng đặc biệt quan trọng như: Gắn văn hóa tinh hoa với các hoạt động đại chúng; mỹ họa cho giáo viên mầm non; nghệ thuật biểu diễn; kiến thức về giáo dục cho trẻ,...

Để nâng cao các hoạt động quảng bá văn hóa đọc, cô Tâm đã thực hiện nhiều dự án tiêu biểu như: Dự án “Mẹ thiên nhiên” - kể chuyện về tác phẩm “7 chuyến du hành vào thiên nhiên” của nhà văn Lê Hữu Nam; dự án “Khi trẻ là tác giả” với bộ sách đầu tay “Covid trong mắt trẻ thơ” do chính các em nhỏ của Ô cửa sách minh họa và dịch thuật; các hoạt động tái chế rác thải, đọc sách online,...

Nhờ sự quan tâm, ưu ái của chính quyền địa phương, đến nay thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng của cô Tâm đã thu hút lượng lớn học sinh và phụ huynh tham gia với quy mô hàng ngàn đầu sách. Ngoài ra, cô còn kết hợp với một số đơn vị trên địa bàn tổ chức một số chương trình thiết thực nhằm lan tỏa việc đọc sách như: Kết hợp với thư viện tỉnh Lâm Đồng tổ chức sự kiện Video kể chuyện Online, talkshow “Học và đọc trong kỉ nguyên số”; Ngày sách “đọc sách và sáng tạo”,...

Cũng trong khuôn khổ Ngày Hội văn hóa đọc tỉnh Lâm Đồng năm 2022, Sở VH-TT&DL Lâm Đồng đã tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hóa đọc trên địa bàn, trong đó có dự án “Ô cửa sách”.

Đọc thêm