Những loài cây “hiếm đụng hàng”
Anh Hiếu hiện là GĐ của Cty TNHH Nông nghiệp New Life Group Đà Lạt. Nhiều năm qua, DN này liên kết với nông dân chuyên canh sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, đạt lợi nhuận ước tính 1 - 1,2 tỷ đồng/ha.
Trước khi mở Cty, năm 2016, sau khi tốt nghiệp ngành Kế toán ĐH Đà Lạt, Hiếu theo nghề buôn bán rau củ. Công việc kinh doanh dù đem lại thu nhập khá nhưng không ổn định. Sau những chuyến hàng thua lỗ, anh Hiếu tìm một hướng đi mới bền vững hơn.
Anh Hiếu chia sẻ: “Ý tưởng trồng các giống cây cắt cành nhập ngoại xuất phát từ việc tôi thấy nhiều hộ dân ở xã Lát, huyện Lạc Dương du nhập và trồng một số giống cây cắt cành như đô-la, gunny,... mỗi cân cành lá có giá lên đến 120 ngàn đồng”. Cuối năm 2018, Hiếu hợp tác với một người bạn thực hiện dự án trồng các giống cây cắt cành sử dụng trong trang trí, cắm hoa.
Thời gian đầu anh liên hệ các vựa thu mua, tìm đầu ra cho sản phẩm. Có đầu mối bao tiêu sản phẩm, anh trồng thử nghiệm một số giống cây như gunny, baby lá lớn, baby lá nhỏ, siver, lá táo, đô-la lá chanh... Đây là các giống cây dễ trồng, dễ chăm, giá thị trường cũng khá ổn định, có thể thu hoạch hàng tháng. Những giống cây anh nhập về chủ yếu xuất xứ từ Úc, Mỹ, Nhật Bản... Vì là giống cây nhập ngoại, hầu như chưa có ở Việt Nam, nên khi du nhập về rất được ưa chuộng, giá bán được cao.
Theo tính toán của Hiếu, riêng với 3 sào đất trồng đô-la cắt cành, sẽ cho thu nhập trung bình 150 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với cà phê, trong khi chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc.
Công việc làm ăn thuận lợi, Hiếu tự nhủ nếu chỉ dừng lại ở việc hoạt động như một đại lý chuyên trồng, cung cấp cây giống thì rất khó để mở rộng quy mô, huy động vốn và xây dựng các chuỗi liên kết: “Trong khi phát triển kinh tế chuỗi là xu thế hiện nay. Việc lập một Cty riêng sẽ giúp tôi xây dựng uy tín bản thân, dễ dàng mở rộng mô hình”, Hiếu chia sẻ về sự ra đời của New Life Group Đà Lạt đầu năm 2022.
Để có vốn mở DN, vợ chồng Hiếu vay mượn bạn bè, cộng thêm số tiền tích lũy được từ việc buôn bán rau. “Thời gian đầu vận hành Cty mọi thứ rất khó khăn, từ khâu quản lý, nhập hàng, xuất hàng, mình hầu như phải vừa làm vừa học để mọi thứ hoạt động trơn tru hơn. Hiện tại doanh thu mỗi tháng của Cty từ 150 – 200 triệu đồng”, anh cho hay.
Để lập hướng đi an toàn, anh Hiếu chủ động liên hệ với các cơ sở thu mua ngay khi lên ý tưởng sản xuất, trồng cây giống. Không chỉ sản xuất thành phẩm, anh còn chuyên ươm các giống cây cảnh, cây cắt cành cắm hoa để cung cấp cho nông dân. Để bà con yên tâm trồng các giống cây do mình cung cấp, Hiếu còn giúp bà con liên hệ các vựa thu mua bao tiêu hàng hóa với giá ổn định. Mới đây nhất, anh vừa nhận được hợp đồng cung cấp hơn 800 cây rêu tuyết cho Lễ hội Áo dài 2022 vừa diễn ra tại TP HCM.
Anh Hiếu kiểm tra tình trạng cây lá kiếm sau khi thu hoạch. |
Khu vườn hơn 2.000m2 chuyên thử nghiệm các giống cây mới. |
Bí quyết thu hồi vốn sau nửa năm
Nhờ dễ trồng và cho hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người học hỏi trồng những giống cây nhập ngoại anh Hiếu đưa về. Để khắc phục vấn đề giá thành sản phẩm giảm xuống khi cung nhiều lên, anh vận dụng cách canh tác “gối đầu” nhiều giống cây khác nhau. Tức là ngoài giống cây chủ lực sẽ trồng thử nghiệm thêm nhiều giống mới khác nữa để tung ra thị trường.
Theo lý giải của Hiếu, việc này sẽ giúp bình ổn giá cả thị trường, đồng thời giúp nông dân có nhiều lựa chọn khi sản xuất, tạo ra nhiều mặt hàng để người dùng có thể lựa chọn. Cách làm này cũng sẽ giúp hàng hóa của Hiếu luôn giữ được giá cao khi bán ra.
Anh Hiếu chia sẻ đang rất thành công với giống cây lá kiếm có xuất xứ từ Úc. Ưu điểm của cây này là tỷ lệ nảy mầm sinh trưởng đạt tới hơn 95%, có thể chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, có thể trồng ở vùng đất khô cằn, sườn dốc, thậm chí là vùng cát trắng.
Trồng cây lá kiếm khó nhất ở công đoạn gieo mầm, ươm cây. Tùy vào từng giai đoạn thời tiết mà có cách chăm sóc khác nhau. Quá trình gieo trồng phải chuẩn bị kĩ từng khâu như làm đất, bón phân, làm bầu. Mỗi công đoạn đều có những kỹ thuật phải tuân thủ, nếu không cây sẽ dễ bị khô lá, mục thân, chậm phát triển.
Giống cây lá kiếm bán với giá từ 50 ngàn đồng/cây, người nông dân sẽ mất thêm chi phí bón phân, phun thuốc... Tùy vào từng địa hình, nhưng trung bình với diện tích 1.000m2 có thể trồng từ 300 - 400 cây giống. Chi phí trồng cây lá kiếm khoảng 70-80 ngàn đồng/cây; đến tháng thứ 6 người trồng có thể thu hoạch mỗi cây 1kg cành lá. Với giá thành 80 ngàn đồng/kg cành lá, chỉ cần nửa năm người trồng đã có thể thu lại vốn; và mức thu nhập sau năm đầu tiên có thể đạt từ 100 - 120 triệu đồng/100m2/năm.
Đối với cây lá kiếm có thể thu được 4-5kg cành lá/năm trong vòng từ 2 đến 5 năm tùy vào cách canh tác. Theo kinh nghiệm của Hiếu, để cây cho năng suất cao nhất, nên trồng lại sau khi thu hoạch được 2 năm. Bởi từ sau năm thứ 2 cây sẽ tập trung phát triển thân nên lượng lá, cành ít đi.
Tính đến đầu tháng 3/2022, Cty của Hiếu đã cung cấp 5.000 cây giống lá kiếm, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho khoảng 10 hộ nông dân các địa bàn phường 10, 11, xã Xuân Thọ thuộc TP Đà Lạt, tương ứng trồng mới hơn 1ha diện tích chuyển đổi từ cây cà phê già cỗi.
Anh Hiếu cho hay còn đang trồng thử nghiệm nhiều giống cây mới như môn đen, bạch tuyết, đô-la trái tim, bạch đàn lá kiếm, mimosa lá dao... là những giống cây tiềm năng, kỳ vọng sẽ giúp nông dân chuyên trồng hoa, cây cảnh có hướng sản xuất mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Lê Đỗ Hoàng Việt, một chủ vườn ở xã Xuân Thọ đánh giá, việc phát triển các giống cây chuyên cắt cành phục vụ cắm hoa, trang trí là một hướng đi mới và rất hiệu quả. So với những giống cây truyền thống như dương xỉ, thiên môn, trúc đốm... thì những giống mới như lá kiếm, đô-la, ánh trăng... đang được thị trường ưa chuộng.
Anh Việt cũng đang trồng 250 cây lá kiếm trên diện tích 500m2 đất chuyển đổi từ cây cà phê. Hiện đã có khách đặt mua với giá 80 – 90 ngàn đồng/kg tùy loại.