Không được "cưỡng bức" bạn đọc xem quảng cáo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quảng cáo phải đáp ứng có 2 yêu cầu của người xem: một là phím để tắt (mở); hai là nếu có thao tác tắt hoặc mở thì phải đáp ứng ngay trong thời gian 1,5 giây, tránh trường hợp độc giả phải xem quảng cáo kiểu cưỡng bức, gây ức chế, lại không thể xem đầy đủ, liên tục thông tin mà họ muốn tiếp nhận.

Hôm nay (1/6), Nghị định 38/2021/NĐ-CP qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo có hiệu lực.

Không được "cưỡng bức" bạn đọc xem quảng cáo ảnh 1

Giới thiệu về Nghị định này, bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL (ảnh bên) cho biết, các loại hình báo chí đều có qui định về những vùng cố định dành riêng cho quảng cáo, nhưng qui định về quảng cáo không ở vùng cố định thì báo hình, báo in không có, vì vậy việc qui định đối với báo điện tử hiện nay là vẫn được quảng có không ở vùng cố định, nhưng phải “Đảm bảo thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo. Thời gian tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây”.

Như vậy qui định này không hạn chế hoạt động quảng cáo của báo điện tử, mà chỉ cần đáp ứng có 2 yêu cầu của người xem: một là phím để tắt (mở); hai là nếu có thao tác tắt hoặc mở thì phải đáp ứng ngay trong thời gian 1,5 giây, tránh trường hợp độc giả phải xem quảng cáo kiểu cưỡng bức, gây ức chế, lại không thể xem đầy đủ, liên tục thông tin mà họ muốn tiếp nhận.

Trong tình hình hiện nay, trước nhiều ý kiến cho rằng các qui định quảng cáo đối với mạng xã hội, thông tin điện tử xuyên biên giới qui định đơn giản và thuận lợi hơn so với báo điện tử, "Bộ VHTT&DL sẽ phối hợp với Bộ TTTT (cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo trên báo chí) nghiên cứu, tiếp thu và tổng hợp trong quá trình tổng kết tiến tới sửa đổi, bổ sung các nội dung về hoạt động quảng cáo trên báo chí tại Luật Quảng cáo" - bà Thủy khẳng định.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, các mạng xã hội, Youtube… không phải là cơ quan báo chí, tiêu chí hoạt động cũng như đối tượng tham gia, tương tác cũng khác các cơ quan báo chí (trong đó có báo điện tử). Hoạt động của các trang mạng xã hội còn chịu sự điều chỉnh bởi hệ thống các qui định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Nghị định 38/2021/NĐ-CP qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Ảnh minh họa
 Nghị định 38/2021/NĐ-CP qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Ảnh minh họa

Vì vậy, việc qui định và áp dụng đối với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội không giống như cơ quan báo chí, nhưng vẫn phải nhằm mục tiêu đảm bảo sự trung thực, chính xác của thông tin, bảo vệ quyền lợi cho người tiếp nhận, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội theo qui định của Luật Quảng cáo.

Để triển khai Nghị định 38/2021/NĐ-CP, trong thời gian tới, Bộ VHTT&DL sẽ tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động quảng cáo cũng như công tác phối hợp thanh kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo.

Nưm 2022, Bộ sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nắm bắt sự thay đổi của hoạt động quảng cáo, phương tiện, phương thức quảng cáo mới để từ đó có những kiến nghị, đề xuất, sửa đổi các qui định phù hợp với thực tiễn.

Đọc thêm