Không được để "thủng” các khu công nghiệp trước dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 12/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã họp trực tuyến với TP Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang sau khi các địa phương này ghi nhận một số ca nhiễm trong khu công nghiệp (KCN).
Xét nghiệm COVID-19 cho công nhân Công ty TNHH Shin young Việt Nam. Ảnh: Báo Lao động
Xét nghiệm COVID-19 cho công nhân Công ty TNHH Shin young Việt Nam. Ảnh: Báo Lao động

Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các tỉnh lưu ý đặc điểm các KCN tập trung rất đông người trong từng thời điểm vào ca, ăn trưa, tan ca… Tất cả các KCN, chủ DN phải ký cam kết phòng, chống dịch với Ban chỉ đạo địa phương, có bộ phận đầu mối theo dõi công tác phòng chống dịch. Những đơn vị không ký cam kết, không có đầu mối, không thực hiện thì phải dừng hoạt động cho đến khi bổ sung đầy đủ theo quy định.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo: Các DN trong KCN có các môi trường kín, vì vậy, phải giữ bảo đảm thông thoáng các nhà máy, cơ sở sản xuất; khi phát hiện ca nhiễm trong KCN phải bình tĩnh xử lý, phân loại theo mức độ nguy cơ để cách ly, quản lý chặt tránh lây nhiễm chéo khi cách ly tập trung.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang khẳng định cơ bản đã khoanh vùng, cách ly được các ổ dịch trong KCN, tiếp tục khẩn trương truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp F1, F2. Ảnh: VGP/Đình Nam
Lãnh đạo TP Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang khẳng định cơ bản đã khoanh vùng, cách ly được các ổ dịch trong KCN, tiếp tục khẩn trương truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp F1, F2. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao việc cả Bí thư, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, cùng hệ thống y tế, công an, quân đội đã vào cuộc quyết liệt, thần tốc, trách nhiệm ngay khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên. Dịch đến đâu khoanh đến đấy, nhanh nhất có thể, sau đó xác định được điểm cần cách ly thật chặt theo đúng nghĩa, điểm nào thì lỏng hơn.

Vì vậy, mặc dù còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ở các KCN nhưng lãnh đạo 3 địa phương nêu trên đều khẳng định cơ bản đã khoanh vùng, cách ly được các ổ dịch, tiếp tục khẩn trương truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp F1, F2. Tới đây các địa phương cần tăng tốc lấy mẫu, xét nghiệm, cố gắng không để lan rộng ra các cơ sở công nghiệp.

Qua kinh nghiệm của 3 tỉnh, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Công Thương đúc rút thành hướng dẫn cụ thể, phổ biến cho các địa phương khác trong xử lý tình huống có dịch bệnh ở KCN.

Sáng tạo, linh hoạt trong xét nghiệm sàng lọc

Để công tác xét nghiệm theo kịp tốc độ truy vết, lấy mẫu, nhằm xác định nhanh nhất tình hình dịch bệnh, các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã sử dụng kết hợp cả xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR. Trong khi đó, TP. Đà Nẵng thực hiện xét nghiệm PCR mẫu gộp với số lượng khác nhau dựa vào đánh giá mức độ nguy cơ ở từng khu vực.

Tuy nhiên, việc đặt mua các loại sinh phẩm xét nghiệm nhanh hiện rất khó khăn, hầu hết các tỉnh đang sử dụng xét nghiệm nhanh do DN tặng tài trợ. Đơn cử, tỉnh Bắc Giang có khoảng 160.000 công nhân trong các KCN thì cần có khoảng 100.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh nhưng chỉ có khoảng 2.000 bộ do DN tài trợ và mua thêm được gần 2.000 bộ.

Phó Thủ tướng cho rằng Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang đã rất sáng tạo trong việc sử dụng kết hợp xét nghiệm PCR với các công nghệ xét nghiệm mới, xét nghiệm nhanh để bảo đảm xét nghiệm theo kịp tốc độ lấy mẫu trong thời gian ngắn nhất.

Từ cách làm của TP Đà Nẵng trong xét nghiệm mẫu gộp (đến 10 mẫu hoặc 20 mẫu tùy từng trường hợp), Phó Thủ tướng đề nghị địa phương này tổng kết thành hướng dẫn chia sẻ với các địa phương khác trong việc áp dụng xét nghiệm mẫu gộp với số lượng khác khau trong các tình huống khác nhau, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm.

Bộ Y tế phải đẩy nhanh việc cấp phép cho các công nghệ xét nghiệm mới nhanh hơn, rẻ hơn, sàng lọc được nhiều hơn, đồng thời, thống kê nhu cầu mua, sử dụng xét nghiệm nhanh của các địa phương, có hướng dẫn cụ thể cho địa phương để sử dụng kết hợp các loại xét nghiệm trong các tình huống dịch bệnh khác nhau, ở những khu vực có nguy cơ khác nhau.

Ảnh: VGP/Đình Nam
Ảnh: VGP/Đình Nam

Không được để “thủng” trong các KCN

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Ban Chỉ đạo đã nhiều lần thống nhất, xung yếu nhất trong phòng, chống dịch bệnh là bệnh viện, sau đó đến các nhà máy, xí nghiệp, đặc biệt trong KCN.

Cả nước hiện có 369 KCN tập trung, gần 30 khu kinh tế cửa khẩu, khu chế xuất với khoảng 3,8 triệu lao động; chưa kể khoảng 700 cụm công nghiệp đang hoạt động với khoảng 600.000 lao động. Đặc điểm của các nhà máy trong KCN là đông người, phần lớn hoạt động sản xuất trong môi trường kín.

Nhiều xóm trọ, khu trọ công nhân rất chật chội, đông đúc. Chợ búa, cơ sở dịch vụ ở những khu này có mật độ dày đặc. Xe đưa đón công nhân rất nhiều. Đây là khu vực mà Ban Chỉ đạo đã nhắc nhở rất nhiều lần về việc phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Phó Thủ tướng đề nghị không chỉ TP Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang mà tất cả các địa phương trên toàn quốc phải chỉ đạo, quá triệt các DN, nhà máy, xí nghiệp, các KCN thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc tự đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh, cập nhật định kỳ lên hệ thống an toàn COVID-19 (antoancovid.vn).

Nhấn mạnh "Việt Nam như cánh đồng trũng, bên ngoài sóng to, gió lớn chúng ta phải bao đê cho chặt, chỉ một chỗ rò rỉ, một tổ kiến hổng không bịt kín lại thì có thể làm sập cả đê", Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương phải quán triệt thật sâu sát đến các địa phương. Để xảy ra dịch bệnh trong các KCN có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Nền kinh tế của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu chúng ta để "thủng" các KCN.

Cũng tại cuộc họp, qua phản ánh của đại diện Bộ Y tế về tình trạng các địa phương “khoán gọn” cho ngành y tế trong bảo đảm an toàn dịch bệnh trong các cơ sở sản xuất, Phó Thủ tướng chỉ đạo: Ngay trong tuần này Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, tổ chức tập huấn trực tuyến toàn quốc về đảm bảo an toàn trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt trong các KCN.

Chống dịch nhưng không “ngăn sông, cấm chợ”

Qua thực tiễn tại Bắc Ninh và các đợt dịch trước, Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các địa phương chống dịch nhưng không được “ngăn sông, cấm chợ”. Trước mắt, các địa phương đang có dịch, các KCN đang có dịch gửi văn bản các địa phương mà xe đi qua (nói rõ số xe, tuyến đường) để được di chuyển thuận lợi, không được để ách tắc.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết sẽ chỉ đạo công an địa phương tham mưu cho Ban Chỉ đạo rà soát lại, vì “xe đưa đón công nhân chỉ chạy qua chứ không dừng lại, trong phòng, chống dịch cũng không có quy định nào như vậy”.

Phó Thủ tướng giao Bộ TT&TT nghiên cứu giải pháp kiểm soát toàn bộ hành trình của các xe đưa đón công nhân, ô tô ra vào KCN, phục vụ cho công tác truy vết, theo dấu ca bệnh.

Từ kinh nghiệm TP Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, và những đợt dịch trước, cả các tỉnh/thành phố phải làm việc sát với DN ở trong KCN và cả bên ngoài mà có đông công nhân, siết chặt các quy định phòng, chống dịch bệnh. Các DN phải được phổ biến, và huy động cùng tham gia thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ, từng bộ phận để bảo đảm sản xuất an toàn.

“Khi có dịch thì chúng ta chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung, tránh tình trạng khi một nhà máy có dịch thì dồn tất cả công nhân vào khu cách ly chưa được chuẩn bị kỹ, dẫn đến lây nhiễm chéo. Đồng thời tránh tình trạng cực đoan là cảm thấy nguy cơ có dịch là DN tạm ngừng sản xuất, để công nhân về địa phương, rất nguy hiểm", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.

Đọc thêm