|
Đại biểu tham dự Lễ hội Nghinh. |
Chiều nay (9/4), UBND huyện Đông Hải long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Nghinh ông lần thứ 19 năm 2022 tại Lăng Ông Nam Hải, ấp 2, thị trấn Gành Hào. Đến dự có Phó bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều, lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh.
Theo đó, Lễ hội Nghinh Ông là dịp để ngư dân Gành Hào cầu Ngày phù hộ cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Đặc biệt các ngư dân Gành Hào còn cầu xin được “phù hộ độ trì” trong những chuyến đánh bắt trên biển được nhiều tôm, cá. Đồng thời, Lễ hội Nghinh ông còn thu hút khách thập phương và người dân quanh vùng bởi các trò chơi dân gian như: Hội thi ẩm thực, thi đấu bóng truyền, bóng đá nam, điền kinh, quần vợt, bi sắt, cầu lông, cờ tướng, kéo co, đẩy gậy, bi da và nhiều hoạt động khác có liên quan…
|
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải Nguyễn Hồng Cẩm phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu tại khai mạc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải Nguyễn Hồng Cẩm cho biết: “Vùng đất ven biển Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) với tục thờ Cá Ông – Lễ hội Nghinh Ông là một nét văn hóa đặc sắc, là hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của cư dân miền biển, cầu mong mưa thuận gió hòa, ngư dân vượt qua sự khắc nghiệt của thiên tai khi hành nghề trên biển để đánh bắt được nhiều tôm, cá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là dịp để ngư dân Đông Hải hướng về nguồn cội, bày tỏ lòng biết ơn đến các bậc tiền hiền đã có công đi mở đất và hướng đến nhiệm vụ quan trọng là phát huy truyền thống yêu nước gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Với ý nghĩa và giá trị truyền thống đó, hàng năm, huyện tổ chức Lễ hội Nghinh ông với sự tham gia của bà con Nhân dân vùng biển Đông Hải và hàng chục ngàn khách tham quan trong và ngoài tỉnh. Điểm nổi bật của Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải năm 2022 được tổ chức có nhiều nét mới, nhiều hoạt động văn hóa – nghệ thuật đặc sắc như tổ chức các trò chơi dân gian; Hội thi ẩm thực; biểu diễn văn nghệ; thi đấu thể thao, trưng bày sách, ảnh nghệ thuật, các công cụ đánh bắt của bà con ngư dân và công cụ làm nghề muối của diêm dân Đông Hải, tổ chức đoàn tàu ra biển nghinh ông, thả tôm giống tái tạo nguồn lợi thủy sản và nhiều hoạt động đa dạng, phong phú khác, nhằm tạo ấn tượng tốt với du khách đến giao lưu, tham quan Lễ hội, qua đó, tạo nên một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc để thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến với quê biển Gành Hào - Đông Hải”.
|
|
Nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng Khen của UBND tỉnh và Giấy khen của UBND huyện Đông Hải vì có nhiều đóng góp tiêu biểu trong hoạt động khai thác, đánh bắt và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. |
|
Phó bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều (thứ 2 từ phải sang) tham quan mô hình sản xuất muối và các gian hàng OCOP đặc sản của địa phương, các hoạt động triển lãm, trưng bày tại buổi lễ. |
“Bà con ngư dân huyện nhà quyết tâm vượt qua khó khăn tiếp tục làm kinh tế biển, thường xuyên bám biển ra khơi đánh bắt, mang nhiều sản phẩm về làm giàu cho gia đình và quê hương, cũng như giữ vững tinh thần, ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển - đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mong muốn các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh vào lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản, chế biến muối, góp phần đưa Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải Nguyễn Hồng Cẩm, nhấn mạnh.
Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng Khen của UBND tỉnh và Giấy khen của UBND huyện Đông Hải vì có nhiều đóng góp tiêu biểu trong hoạt động khai thác, đánh bắt và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
Theo lời kể lại vào thời điểm trước năm 1975, bà con ngư dân có lập 01 cái miếu nhỏ bằng cây lá, gọi là Miếu Bà Thiên Hậu. Thời gian sau này, khi đi đánh bắt, nhiều ngư dân vớt được cốt Cá Ông, họ mang vào bờ tắm rượu sạch sẽ rồi đem vào Miếu Bà Thiên Hậu thờ tạm.
Vào năm 2003, ông Lê Văn Tây cùng với một số bà con ngư dân Gành Hào thảo luận, cần phải có một nơi riêng để thờ cúng Cá Ông để thể hiện lòng thành kính của người làm nghề “hạ bạc”. Được sự cho phép của chính quyền địa phương, ngư dân Gành Hào quyết định xây Lăng thờ phụng Cá Ông lâu dài.
Lăng Ông được xây cất phía tây miếu Bà Thiên Hậu, chiều dài 11 mét, chiều ngang 09 mét, có kiến trúc hình chữ Quốc (chữ Hán) mặt hướng ra biển, trên nóc lăng có hình hai Cá Ông giao nhau, lăng được khởi công vào ngày 24/11 năm Quý Mùi 2003, đồng thờ tổ chức đưa cốt Cá Ông an vị vào ngày 30/12 năm Quý Mùi 2003 và thờ phụng cho đến ngày nay.
Đến năm 2008, được UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận và cho phép tổ chức lễ hội hàng năm ở huyện.