Không món ăn tinh thần nào có thể so sánh được với sách

(PLVN) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, đến tận hôm nay, sách vẫn là nguồn sống quý giá nhất mà không có món ăn tinh thần nào có thể so sánh được.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói chuyện, truyền cảm hứng đọc sách cho các em học sinh dân tộc.

Ngày 20/4, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức lễ khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Kết nối tri thức để phát triển”.

Tham dự Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, đông đảo cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ủy ban Dân tộc, các em học sinh Học viện Dân tộc.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống Cơ quan công tác dân tộc (3/5/1946 - 3/5/2022).

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức hằng năm trên phạm vi toàn quốc nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách góp phần xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức và cộng đồng; phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh, đây là dịp để lan tỏa văn hóa đọc rộng khắp trong đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của Ủy ban Dân tộc nói riêng và trong toàn ngành Cơ quan công tác dân tộc nói chung, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, trong những năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ thông tin phong trào đọc sách có chiều hướng đi xuống. Nhưng cho dù xã hội ngày càng phát triển cao hơn, con người có thể tìm kiếm, khai thác thông tin, kiến thức trong thư viện điện tử hay qua mạng internet thì sách vẫn không thể mất đi giá trị truyền thống lâu đời vốn có của nó, gắn bó với con người trong hàng ngàn năm lịch sử. Và cho đến tận hôm nay, sách vẫn là nguồn sống quý giá nhất mà không có món ăn tinh thần nào có thể so sánh được.

Tôi đồng tình với chủ đề năm nay “Kết nối trí thức để phát triển” và hy vọng sau buổi lễ này, toàn thể công chức, viên chức, người lao động cơ quan Ủy ban Dân tộc sẽ lắng lại, suy nghĩ, quan tâm, nâng cao nhận thức văn hóa đọc. Đây cũng là điểm khởi đầu khơi dậy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, chau dồi kiến thức xã hội nói chung, kiến thức quản lý nhà nước nói riêng thông qua việc đọc sách. Để Ngày sách và văn hóa đọc không chỉ dừng lại trong những ngày này mà từng bước trở thành thói quen như cơm ăn, nước uống không thể thiếu của mỗi người; phong trào đọc sách phải diễn ra thường xuyên, liên tục”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chia sẻ.

Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 lần thứ nhất của Ủy ban Dân tộc có 6 chủ đề trưng bày, giới thiệu sách, báo, tạp chí; văn nghệ, thể thao… phong phú về nội dung, mỹ quan đẹp với sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, nhiều tác giả, diễn giả và toàn thể công chức, viên chức, người lao động; tạo sức lan tỏa trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc. Việc lựa chọn chủ đề, tổ chức phát hành các ấn phẩm có hình thức đẹp, có nội dung ý nghĩa gắn với hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc, chính sách vọng rằng, dân tộc.

Đọc thêm