Ngày nay, khi không ít điểm di tích, văn hóa tâm linh đang “kinh doanh” khá nhốn nháo thì việc thực hiện mô hình “ba không” tại đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một điểm sáng. Nhờ nguyên tắc “3 không”, khu di tích mang đến không gian lịch sử thanh tịnh, yên bình cho du khách.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm là nơi trưng bày khá đầy đủ hiện vật về thân thế sự nghiệp của nhân vật có ảnh hưởng bậc nhất lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XVI: Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585).
Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, được biết đến với tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam – Bắc triều (Lê – Mạc phân tranh) cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam. Ngày nay, người đời còn lưu truyền nhiều tiên đoán của ông và gọi chung là “Sấm Trạng Trình”.
Sau khi đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước “Trình Tuyền hầu” rồi thăng tới “Trình Quốc công”. Tuy nhiên, ông chỉ làm quan với nhà Mạc có 7 năm và sau khi dâng sớ xin chém 18 tên quyền thần không được chấp nhận, ông xin về ở ẩn tại quê nhà.
Khu vườn tượng diễn tả cuộc đời Trạng Trình. |
Ngày nay, tới đền Trạng, văn hóa đón tiếp khách đến dâng hương rất được trú trọng. Ông Nguyễn Văn Tái, Trưởng BQL Khu di tích tâm sự: “Vùng đất này vốn được coi là vùng đất văn hóa, vì vậy mỗi cán bộ, người lao động tại khu di tích phải xây dựng cho mình cách ứng xử có văn hóa. Với bà con địa phương, việc thay đổi nhận thức và cách ứng xử sao cho lịch thiệp là cả một quá trình dài. Xưa, cụ về quê ở ẩn, dân ra đón. Nay, du khách đến thăm cụ, chúng tôi vui mừng chào đón”.
Khu di tích gồm 9 hạng mục chính: Tháp bút Kình Thiên; đền thờ với ba gian tiền đường, hai gian hậu cung, phía trước có hai hồ nước tượng trưng cho trời và đất, bức hoành phi trong đền ghi 4 chữ “An Nam Lý Học”; nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm; phần mộ cụ thân sinh ở phía sau đền; tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng đá cao 5,7m, nặng 8,5 tấn; hồ bán nguyệt rộng khoảng 1.000m²; chùa Song Mai; Nhà Tổ có tượng thờ bà Minh Nguyệt, vợ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm và Quán Trung Tân, nơi lưu giữ quan niệm mới về chữ “Trung” hướng lòng theo “chí trung chí thiện”.
Ở bên phải đền thờ Trạng Trình, du khách sẽ tận mắt chiêm bái khu vườn tượng với những bức tượng có kích thước và hình dáng như thật diễn tả cuộc đời dạy học thanh bạch của quan Trạng. Bên trái ngôi đền, tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm sừng sững giữa trung tâm quần thể di tích. Và đặc biệt, để tỏ lòng tri ân, con cháu đã dựng lên hai bức phù điêu lớn với những nét điêu khắc tinh xảo tái hiện lại những thăng trầm trong cuộc đời danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tượng hướng ra hồ bán nguyệt rộng hàng nghìn mét vuông, hàng liễu xanh ngăn ngắt rủ bóng...
Tới khu di tích, khách thập phương có cơ hội ngắm nhìn khung cảnh làng quê ẩn hiện trong khói lam chiều. Ngoài ra, tại Nhà trưng bày, du khách như được sống lại những khoảnh khắc lịch sử với những hiện vật giá trị như bút tích, những kiệt tác văn học qua những bản in cổ, những lời sấm truyền cho ngàn đời sau…
Đây là địa điểm được Hải Phòng lựa chọn biểu dương, tôn vinh những học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu hàng năm. |
Những năm gần đây, khu di tích Trạng Trình đã trở thành điểm tham quan lịch sử, “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước với các bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Mỗi tuần, có ít nhất 15-20 đoàn khách từ TP Hải Phòng, tỉnh bạn với số lượng 60-90 người/đoàn tới dâng hương, chiêm bái. Số lượng khách đặc biệt tăng lớn mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Thắp nén nhang thơm, ngoài cầu bình an, may mắn, các bạn trẻ, du khách còn cầu tài, tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng hơn nữa để thi cử đỗ đạt. Chính vì vậy, đây cũng là địa điểm được Hải Phòng lựa chọn biểu dương, tôn vinh những học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu hàng năm.
Năm 2019, Bộ VHTT&DL đã chính thức công nhận Lễ hội Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là tin vui không chỉ với người dân huyện Vĩnh Bảo mà còn là niềm tự hào của người dân TP Cảng. Qua mỗi năm, lễ kỷ niệm ngày mất của Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm lại có những đổi mới. Các nội dung của phần Lễ có nhiều nghi thức cổ được khôi phục, trong đó có Lễ Rước văn đặc trưng của Lễ hội đền Trạng; phần hồn của lễ hội, một tiêu chí quan trọng để được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bộ VHTT&DL cũng có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích. Năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, số lượng du khách đến dâng hương và thăm quan giảm rõ rệt. Song UBND huyện Vĩnh Bảo, BQL khu di tích vẫn nỗ lực để có thể tổ chức khởi công và khánh thành một số công trình trong khu di tích như: Cổng đá, tường bao và sân quảng trường từ nguồn xã hội hóa, nguồn công đức và ngân sách với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng.