Khu vực chồng chéo về địa giới hành chính giữa Lâm Đồng và Đắk Nông: Cần giải pháp lâu dài

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xuất phát từ yếu tố lịch sử, cộng với bất cập trong chia tách địa giới hành chính, 600 hộ dân với 2.712 nhân khẩu 2 xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) đang sống trên đất thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông.
Một góc khu vực chồng chéo.
Một góc khu vực chồng chéo.

Người Lâm Đồng sống trên đất Đắk Nông

Đây là câu chuyện tồn tại hàng chục năm nay ở vùng giáp ranh xã Đắk Som (huyện Đắk Glong, Đắk Nông) và 2 xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng). Về mặt hành chính, người dân ở đây đăng ký nhân khẩu, thuộc sự quản lý hành chính của Lâm Đồng, nhưng khu vực họ đang sinh sống thuộc về địa giới hành chính của xã Đắk Som (Đắk Nông).

Phần lớn ở đây đều là dân nhập cư, đồng bào dân tộc thiểu số, lâu nay không chú tâm, thậm chí không hay biết rằng mình đang sống trên đất tỉnh Đắk Nông. Ông K’Thanh (SN 1980, thôn Đạ K’Nàng) kể: “Ông bà tôi sống ở đây đã 60 - 70 năm rồi, cũng không biết thuộc về tỉnh nào. Mãi sau này muốn làm sổ đỏ để vay vốn mới biết đất thuộc về tỉnh Đắk Nông quản lý. Chúng tôi mong muốn các cấp sớm có phương án, nếu đất đai được giao về tỉnh Lâm Đồng quản lý sẽ thuận lợi hơn khi làm giấy tờ, có tài sản thế chấp vay vốn làm ăn”.

Tương tự, năm 1993, ông Triệu Phúc Nguyên (SN 1968, dân tộc Nùng) từ tỉnh Bắc Kạn vào vùng đất mới sinh sống cùng vợ và 1 người con. Đến nay, gia đình ông Nguyên đã có 4 người con, 3 cháu ngoại, 2 cháu nội. Hiện nhà ông Nguyên hộ khẩu ở thôn Păng Dung, xã Đạ K’Nàng. Trong khi đó, đối chiếu theo địa giới hành chính thì phần đất mà ông Nguyên đang dựng nhà sinh sống, sản xuất lại thuộc về tỉnh Đắk Nông.

Mới đây nhất, tháng 2/2023, 2 huyện Đam Rông và Đắk Glong đã cùng kiểm tra, đối soát thực địa, dọc theo tuyến địa giới hành chính giáp ranh của 2 huyện. Đồng thời xác định địa giới hành chính giữa xã Đạ KNàng, xã Phi Liêng huyện Đam Rông; và xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông theo Dự án 513 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo UBND huyện Đam Rông, tổng số hộ dân xã Đạ K’Nàng và xã Phi Liêng đang sinh sống và canh tác tại khu vực xã Đắk Som, huyện Đắk Glong là 600 hộ/2712 nhân khẩu. Trong đó xã Đạ K’Nàng 373hộ/1648 khẩu, xã Phi Liêng 227hộ/1064 khẩu. Tổng diện tích đất các hộ dân đang sinh sống và canh tác tại khu vực xã Đắk Som hơn 1.500ha.

Đa số các hộ dân là người dân tộc Dao di cư từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn vào từ năm 1995; và một số hộ người K’Ho đi cư từ huyện Di Linh vào lập nghiệp từ trước 1990. Cộng đồng dân cư này hình thành, sinh sống, canh tác ổn định trước khi Vườn Quốc gia Tà Đùng thành lập.

Ông Lê Đình Mạnh, Phó Chủ tịch xã Đạ K’Nàng chia sẻ, do vướng mắc về địa giới hành chính nên người dân chịu nhiều thiệt thòi. Thứ nhất, các hộ đều chưa được cấp “sổ đỏ”, hạn chế về khả năng tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Thứ hai, nếu có nhu cầu bán đất cũng phải bán với giá thấp. Mặt khác, muốn xây công trình kiên cố cũng khó do không thể xin phép xây dựng, vì vậy hầu hết công trình được dựng tạm bợ. Thứ ba, chính quyền gặp khó khi đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường trạm do phần đất thuộc địa giới tỉnh khác.

Xã Đạ K’Nàng đã nhiều lần kiến nghị tâm tư, nguyện vọng người dân lên các cấp, nhất là sớm cấp “sổ đỏ” cho dân. Cùng với đó cần sớm có cơ chế để xem xét đầu tư thêm đường sá, tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

Về công tác quản lý cơ sở, ông Mạnh cho biết, hiện nay xã quản lý toàn bộ về con người, hộ tịch, hộ khẩu, còn liên quan đất đai thuộc quản lý của huyện Đắk Glong, Đắk Nông. Do là vùng giáp ranh, lại có sự chồng chéo về ranh giới hành chính địa phương, nên khó xử lý những đối tượng gây rối, gặp khó khăn trong quản lý an ninh trật tự.

Thực tế đã phát sinh những tình huống oái ăm, như khi xảy ra tranh chấp, vụ việc dấu hiệu hình sự, thì xã chỉ làm công tác hoà giải, bảo vệ hiện trường rồi thông báo cho lực lượng chức năng Đắk Nông sang tiếp quản, xử lý. Hoặc có vụ ly hôn thì Toà Lâm Đồng giải quyết về quan hệ hôn nhân, còn phần liên quan tài sản là đất đai phải sang Toà Đắk Nông giải quyết.

Chính phủ, Quốc hội mới có thể “gỡ vướng”

Ông Trương Hữu Đồng, Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, cho biết, vấn đề trên, địa phương đã nắm rõ từ nhiều năm trước. Đây là vấn đề lịch sử để lại, trong đó có lý do khi quy hoạch Vườn Quốc gia Tà Đùng (huyện Đắk Glong, Đắk Nông). Hai huyện, cao hơn là lãnh đạo 2 tỉnh nhiều năm qua đã nhiều lần gặp gỡ, bàn giải pháp. Giải pháp tạm thời là hai huyện cùng quản lý khu vực chồng chéo về địa giới hành chính theo quy chế phối hợp.

Người dân ở đây thuộc sự quản lý hành chính của Lâm Đồng, nhưng đất lại thuộc sự quản lý của Đắk Nông.

Người dân ở đây thuộc sự quản lý hành chính của Lâm Đồng, nhưng đất lại thuộc sự quản lý của Đắk Nông.

Theo ông Đồng, vướng mắc về địa giới hành chính khiến người dân xâm canh gặp rất nhiều thiệt thòi. Dù cảm thông với khó khăn của người dân nhưng thời gian đầu, huyện Đam Rông không dám mạnh dạn đầu tư bởi đó là địa giới tỉnh Đắk Nông. Sau nhiều lần người dân kiến nghị, được cấp trên hướng dẫn, huyện Đam Rông mới dám đầu tư cơ sở hạ tầng.

Hiện 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Đam Rông đã đầu tư xây 2 điểm trường, 2 hội trường thôn, 2 công trình đường giao thông do xã làm chủ đầu tư và 3 do huyện làm chủ đầu tư.

Về quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, hộ khẩu, an ninh trật tự, Đam Rông đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp UBND xã Đạ K’Nàng, Phi Liêng tăng cường quản lý xã hội, nắm bắt tình hình. UBND huyện cũng chỉ đạo Công an huyện hướng dẫn việc đăng ký thường trú, tạm trú cho các hộ dân; thường xuyên kiểm tra công tác đăng ký, quản lý cư trú, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

“Đến nay, tình hình KT-XH của các hộ dân tại khu xâm canh tiếp tục có bước phát triển, an ninh trật tự, an toàn xã hội ổn định. Tuy nhiên, hoạt động xâm canh trên địa bàn xã cũng gây khó khăn cho công tác quản lý hành chính, tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh trật tự và tạo hệ lụy về KT-XH tại địa phương”, ông Đồng nói.

Về hướng giải quyết, Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết, trước mắt để thuận tiện trong quản lý hành chính và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu vực giáp ranh, tháng 4/2023, chính quyền 2 huyện ký quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng. Sắp tới hai địa phương sẽ soạn thoả thuận, ký kết quy chế phối hợp toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Về lâu dài, theo ông Đồng, lãnh đạo 2 tỉnh cần sớm bàn bạc, kiến nghị với Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương xem xét điều chỉnh phần địa giới hành chính khu vực xâm canh, xâm cư trên về tỉnh Lâm Đồng đề thuận tiện cho công tác quản lý. Cùng với đó, xem xét đưa diện tích đất các hộ dân đang sử dụng tại khu vực trên vào quy hoạch đất ở, đất nông nghiệp; tạo điều kiện cấp “sổ đỏ” để người dân yên tâm sinh sống.

Theo ông Đồng, điều chỉnh địa giới hành chính là phương án khả thi nhất. Để làm được việc này, thẩm quyền thuộc về Chính phủ, Quốc hội.

Đọc thêm