Khúc ca người làm báo: Khắc họa chân thực về tính chất đặc thù của nghề báo!

0:00 / 0:00
0:00
Nhân dịp ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, nhà báo Trọng Ninh đã cho ra mắt sáng tác Khúc ca người làm báo.

Được đồng nghiệp và bạn bè trân trọng đặt biệt danh “ngòi bút thép nơi đầu sóng”, nhưng ít ai biết sâu bên trong nhà báo Trọng Ninh - Phó trưởng Văn phòng đại diện VTV DIGITAL - Đài Truyền hình Việt Nam tại TP HCM còn chất chứa một tâm hồn đẹp đẽ, chất chứa những âm thanh muôn màu của nghệ thuật, của cuộc sống.

Để tri ân với nghề, với đời, nhà báo Trọng Ninh đã miệt mài phổ từng giai điệu để cho ra đời nhạc phẩm hào hùng của nghề mang tên “Khúc ca người làm báo” nhân dịp cả nước chào mừng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021). Vừa qua, phóng viên Pháp luật Plus - Báo Pháp luật Việt Nam đã có những trao đổi ngắn với nhà báo Trọng Ninh về ca khúc này và những trải nghiệm nghề nghiệp của anh.

- Thưa anh Trọng Ninh, đâu là cảm hứng cho anh viết nên ca khúc này? Có phải những khoảng thời gian tác nghiệp đã mang lại cho anh cảm hứng và bài hát này cũng nhằm cổ vũ tinh thần những người làm báo cách mạng Việt Nam?

Nhà báo Trọng Ninh: Bạn biết đấy, nghề báo của chúng ta thường xuyên chắp cánh cho tác phẩm của các nhạc sĩ ở nhiều ngành nghề khác như giáo viên, bộ đội, công an, công nhân… thế nhưng ít ai tự viết ra các ca khúc nói về công việc mình đang làm.

Thú thực với bạn "nó" cũng xuất phát từ cảm hứng ngẫu nhiên trong chuyến công tác trên vùng biển phía Nam. Thời điểm đó, tôi cùng anh em phóng viên theo chân các chiến sỹ Bộ tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4 tác nghiệp vệt đề tài về ngăn chặn các đối tượng nhập cảnh trái phép trên các tuyến biên giới Biển trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thời gian qua, khi chứng kiến nhân dân cả nước bước vào giai đoạn chống Covid-19 quyết liệt nhất, trực tiếp thấy đồng nghiệp lao vào trận chiến đẩy lùi dịch bệnh. Bản thân mình cũng là người góp phần truyền tải thông tin góp phần giúp người dân hiểu và có được sự đồng lòng, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Và thế là "Khúc ca người làm báo" ra đời ở thời điểm đó.

- Mình là nhà báo nên kiến thức về âm nhạc đôi khi có hạn chế, đâu là động lực để anh cho ra đời “Khúc ca người làm báo”?

Nhà báo Trọng Ninh: Cười! Khi bắt đầu viết ca khúc này tâm trạng của mình khó tả lắm. Nói như thế nào nhỉ? Có thể là vừa tự hào vừa lo lắng, lo lắng là bởi kiến thức về âm nhạc còn hạn chế, nên đôi khi mất tự tin trong xử lý những nốt nhạc cao trào. Còn tự hào bởi tôi cũng là Nhà báo.

Ở ca khúc này tôi muốn nhắn gửi đến công chúng, độc giả sự tin tưởng đối với các thế hệ làm báo. Dù trải qua hành trình gian lao, vất vả nhưng những người làm báo vẫn luôn giữ được "tâm sáng, lòng trong, ngòi bút sắc" để mang đến cho độc giả những thông tin khách quan, trung thực và đáng tin cậy nhất.

Ngoài ra, bài hát cũng nhằm cổ vũ tinh thần những người làm báo cách mạng Việt Nam, động viên họ vượt qua những gian nan, thách thức, cám dỗ vật chất để trở thành những nhà báo đúng nghĩa.

- Với 20 năm gắn bó với nghề báo, anh có thể chia sẻ một chút về những trăn trở, suy nghĩ về nghề?

Nhà báo Trọng Ninh: Bạn biết đấy, nhà báo cũng là một chiến sĩ cách mạng, lấy cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén đấu tranh trên các mặt trận văn hóa, kinh tế, xã hội. Nghề làm báo đã mang đến cho tôi nhiều cảm xúc trong cuộc sống và bản lĩnh trong công việc. Cuộc sống của tôi xoay quanh những thông tin.

Như thói quen hàng ngày vào mỗi buổi sớm thức dậy, nếu thiếu “món” tin mới thời sự sốt dẻo để điểm tin khiến tôi cảm thấy thật sự bồn chồn, khó chịu lắm. Vậy nhưng khi có thông tin rồi thì mình lại chẳng thể ngồi yên, phải tiếp tục lao vào xử lý ngay cho sốt dẻo.

Mỗi ngày mở mắt ra, nếu thiếu thông tin tôi cảm thấy bồn chồn, khó chịu. Và khi có những thông tin mới, tôi lại trăn trở, suy nghĩ, phán đoán làm sao để xử lý thông tin đó nhanh nhất, chính xác nhất đến với độc giả thân yêu của mình.

- Một câu trả lời thường trực về nghề báo của các phóng viên trẻ bây giờ khi được hỏi về nghề đó là: đó là làm báo mang tới nhiều cơ hội nhưng cũng có vô vàn thử thách, gian nan! Anh nghĩ sao về câu trả lời này?

Nhà báo Trọng Ninh: Các nhà báo trẻ hôm nay với sự hỗ trợ đắc lực của phương tiện, kỹ thuật hiện đại, cộng với sức sáng tạo mang tính đột phá không ngừng, đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo báo chí, đi sát với nhu cầu công chúng, độc giả.

Thế hệ làm báo hôm nay vẫn là những trái tim tràn đầy nhiệt huyết, nhưng họ cũng phải đối diện với nhiều thách thức của cuộc sống, đặc biệt là những cám dỗ vật chất. Vì vậy, người làm báo cần có bản lĩnh chính trị, để một mặt đáp ứng những nhu cầu bức thiết của xã hội, mặt khác đảm bảo định hướng đúng thông tin, đúng tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí đề ra.

Để làm được điều này đòi hỏi nhà báo phải không ngừng rèn luyện về ý thức chính trị, tiếp cận sâu với các vấn đề xã hội, công nghệ hiện đại để hoàn thiện mình về mọi mặt. Hay nói cách khác, nhà báo dù hoạt động ở lĩnh vực nào cũng cần chung một huyết thống chính trị, để thở chung với hơi thở cuộc sống xã hội.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021) sắp tới Trọng Ninh xin trân trọng gửi tới những đồng nghiệp ở Báo Pháp luật Việt Nam và những người làm báo trên cả đất nước những tình cảm gắn bó thân thiết, những lời chúc mừng tốt đẹp nhất!

- Xin cám ơn anh!

Đọc thêm