Khuyến Công Vĩnh Phúc tiếp đà cho doanh nghiệp khởi nghiệp hướng đến phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, đặc biệt là những DN khởi nghiệp rơi vào tình thế khó khăn, khủng hoảng về tài chính. Để tiếp sức cho các DN khởi nghiệp, rất cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, giúp các DN này có thêm nguồn lực, phát triển bền vững, hạn chế tình trạng DN mới khởi nghiệp phải đối mặt với nguy cơ ngừng hoạt động.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quyết tâm, đồng lòng thực hiện “Mục tiêu kép” với các giải pháp chủ động, hiệu quả ngay cả trong điều kiện phải thực hiện giãn cách xã hội, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song hoạt động SXKD của hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cơ bản được giữ vững, duy trì và từng bước phục hồi. Chủ động thích ứng với trạng thái bình thường mới, vừa chống dịch, vừa sản xuất trong điều kiện dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, các DN vẫn luôn nỗ lực không ngừng, đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình vận hành sản xuất, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nhiều DN tuy mới thành lập, quy mô tài chính còn hạn hẹp, kinh nghiệm sản xuất hạn chế, thị trường tiêu thụ chưa mở rộng, song cũng đã có những bước tính toán phù hợp với tình hình thực tế, duy trì sản lượng, đảm bảo tiến độ các đơn hàng, không để ngưng trệ chuỗi liên kết sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Dù mới đi vào hoạt động được hơn 4 năm, quy mô SXKD còn hạn hẹp, nhưng đến nay, Công ty TNHH Vina Gỗ (VAXUCO), trụ sở tại số 185 đường Hùng Vương, phường Hội Hợp (Vĩnh Yên) đã và đang có những bước phát triển ổn định, tạo được chỗ đứng trên thị trường và niềm tin đối với khách hàng trong và ngoài tỉnh bằng những sản phẩm đồ mộc mỹ nghệ, đồ gỗ nội thất chất lượng cao.

Từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty phải liên tục điều chỉnh kế hoạch SXKD, cơ cấu lại sản phẩm cũng như nỗ lực tìm kiếm những thị trường mới. Linh hoạt thay đổi phương thức bán hàng thông qua nhiều kênh thương mại điện tử, công ty đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống website, thường xuyên cập nhật thông tin sản phẩm, giới thiệu, quảng bá những sản phẩm mới cho khách hàng. Bên cạnh đó, công ty cũng lập trang facebook “Nội thất VAXUCO.VN” để tối ưu hóa việc tìm kiếm DN và sản phẩm trên môi trường kinh doanh online. Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, từ tháng 8 đến tháng 11/2020, công ty đã triển khai thành công đề án “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, chế biến gỗ” với tổng số vốn đầu tư gần 670 triệu đồng (kinh phí được hỗ trợ là 270 triệu đồng), đầu tư mua mới hệ thống máy móc hiện đại phục vụ sản xuất và chế biến gỗ tự nhiên, đáp ứng quy trình sản xuất ván sàn như: Máy bào cuốn; máy cưa bàn trượt; máy dán cạnh tự động; máy nhám thùng; máy nén khí; máy dán cạnh cong đẩy tay; máy hút bụi...

Nhờ vậy, công ty vẫn đảm bảo được các đơn hàng từ đối tác, trở thành đầu mối cung cấp đồ gỗ nội thất uy tín cho các dự án, công trình xây dựng trong và ngoài tỉnh. Bình quân mỗi năm, doanh thu của công ty đạt từ 2 - 3 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 20 công nhân với mức lương từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. “Khó khăn lớn nhất của công ty hiện nay vẫn là nguồn lực tài chính hạn hẹp, khiến công ty chưa thể triển khai các dự án mở rộng quy mô SXKD để phát triển các dòng sản phẩm cao cấp, hướng đến những khách hàng tiềm năng và xuất khẩu sản phẩm. Mong muốn của công ty là có điều kiện vay vốn ưu đãi để đầu tư cho SXKD và cơ hội được tìm hiểu, nắm bắt, chuyển giao công nghệ, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm” - Anh Phùng Văn Nam, Giám đốc Công ty chia sẻ.

Cùng chung quan điểm này, anh Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần dệt Đại An Phú ở xã Đồng Văn (Yên Lạc) - DN mới khởi nghiệp từ giữa năm 2020 cho biết: Để DN tiếp tục duy trì các đơn hàng, đảm bảo mức thu nhập cho người lao động trong tình hình hiện nay thì cần có nhiều hơn nữa các chính sách, các gói hỗ trợ thiết thực từ phía Nhà nước và các cơ quan hữu quan. Cuối năm 2020, được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí Khuyến công, Công ty triển khai đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất găng tay dệt kim”, đã mua mới 20 máy dệt HS VGK-4.0 loại 10 kim; máy vắt sổ VGO; máy đóng gói tự động... với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng (vốn được hỗ trợ 295 triệu đồng).

Nhờ đó, năng suất hiện nay của công ty đạt 200 đôi găng tay/ngày, doanh thu trung bình 500 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 8 - 10 lao động địa phương với mức thu nhập 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Với sự đầu tư máy móc mới, hiện đại đáp ứng được các đơn hàng với số lượng lớn, cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang... Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay của công ty là diện tích mặt bằng nhà xưởng nhỏ hẹp, chưa thể đáp ứng nhu cầu sản xuất thực tế, vốn đầu tư mua sắm máy móc hạn chế và khó tiếp cận với công nghệ sản xuất hiện đại.

COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động SXKD của DN nói chung, DN khởi nghiệp nói riêng. Để vực dậy hoạt động SXKD, tạo sức bật cho DN, việc triển khai hiệu quả, kịp thời các gói hỗ trợ của Chính phủ cũng như các giải pháp hỗ trợ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là nhiệm vụ được các cấp, ngành, địa phương đặt lên hàng đầu và gấp rút triển khai. Hỗ trợ, tiếp sức để các DN quy mô nhỏ, DN khởi nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi và ổn định SXKD trong tình hình mới cũng chính là giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, góp phần ổn định đời sống và phát triển KT- XH của các địa phương.

Đọc thêm