Được Chính phủ tạo cơ chế khuyến khích phát triển, trong thời gian qua, trên mái trụ sở, nhà xưởng của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã lắp đặt pin năng lượng mặt trời để sử dụng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.
Việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN không chỉ giảm chi phí tiền điện, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường mà còn bán điện trở lại cho ngành Điện nên hiệu quả từ nguồn năng lượng này rất lớn đối với chủ đầu tư và xã hội.
Trong năm qua, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã mang lại sự phát triển mạnh mẽ ĐMTMN.
“Lũy kế đến 15/3/2021, toàn tỉnh Quảng Bình có 473 hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) của khách hàng đấu nối vào lưới điện với tổng công suất 45,902 MWp, trong số đó có 56 hệ thống có công suất từ 100kWp trở lên, số còn lại có công suất dưới 100kWp. Ngoài ra, ngành Điện có 08 hệ thống ĐMTMN tại các trụ sở Điện lực trực thuộc và 9 hệ thống ĐMTMN cấp điện tự dùng cho các trạm biến áp 110kV. Sản lượng điện mặt trời phát lũy kế năm 2020 là 2.274.085 kWh, số tiền tương ứng mua điện mặt trời năm 2020 là hơn 4.446 triệu đồng”, ông Hoàng Hiếu Trung - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình - cho biết.
Việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN không chỉ giảm chi phí tiền điện mà còn bán điện trở lại cho ngành Điện. |
Ngành Điện luôn tạo điều kiện để doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và người dân đầu tư nguồn điện tái tạo theo chính sách khuyến khích của Nhà nước, đảm bảo lợi ích hài hòa trong mua bán điện giữa 2 bên. Đặc biệt, luôn hỗ trợ khách hàng trong công tác giám sát thi công, lắp đặt đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, an toàn. Tất cả các công trình trước khi vào vận hành đều được Công ty kiểm tra nghiệm thu, lắp đặt công tơ 2 chiều và đấu nối theo đúng quy định.
Nhờ tuân thủ các thủ tục pháp lý và yêu cầu kỹ thuật, đến nay các công trình ĐMTMN đều được khai thác khá ổn định. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất kinh doanh nên lắp đặt với công suất khá lớn so với quy mô của nhà máy, xí nghiệp và đã phát huy tốt các lợi thế về kinh tế - kỹ thuật cho khách hàng. Minh chứng cho điều đó là các doanh nghiệp: Công ty CP Smetech, thị xã Ba Đồn (926,28kWp); Công ty CP Thủy sản Sông Gianh, huyện Bố Trạch (1.116kWp); Công ty Gạch ngói Cầu 4, TP Đồng Hới (194kWp)…
Về mặt hiệu quả điển hình đi đầu có Công ty Oxalis (thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch), nhờ đầu tư lắp đặt ĐMTMN công suất 100kWp, ngoài sản lượng điện đơn vị tự dùng thì sản lượng điện phát ngược lên lưới bán cho ngành Điện từ đầu năm 2020 đến nay là trên 10.140kWh đem lại hiệu quả cao. Điều đáng nói hơn ở đây, đối với doanh nghiệp kinh doanh loại hình du lịch, dịch vụ thì việc sử dụng ĐMTMN không những tiết kiệm chi phí tiền điện mà còn hướng đến mô hình “doanh nghiệp xanh”, “du lịch xanh” thân thiện với môi trường.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quyết định đầu tư xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời áp mái cho sản xuất kinh doanh. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm hộ gia đình tại TP. Đồng Hới, các huyện, thị xã đã đầu tư lắp đặt ĐMTMN với công suất phù hợp quy mô hộ gia đình từ 3-10kWp sử dụng cho kinh doanh và phục vụ đời sống sinh hoạt. Các hộ có nhà kết hợp với buôn bán, kinh doanh ăn uống, nhà nghỉ, khách sạn mini… rất quan tâm lắp đặt ĐMTMN.
Trong xu thế đó, nhiều doanh nghiệp, cơ quan trên địa bàn tỉnh cũng bắt đầu chú trọng đầu tư ĐMTMN và coi đó là giải pháp hiệu quả trong tiết kiệm chi phí, đảm bảo song hành nguồn điện tại chỗ và điện lưới phục vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Theo các chuyên gia, diện tích mái nhà, mái công trình trong toàn tỉnh chưa sử dụng còn lớn, ĐMTMN là hình thức đầu tư dễ thực hiện, dành cho mọi thành phần kinh tế, cơ quan, đơn vị, hộ gia đình…nên có tính xã hội hóa cao.
Với những lợi ích từ ĐMTMN mang lại, ngành điện Quảng Bình nói chung luôn quan tâm đến tính chất, đặc điểm công trình ĐMTMN như chủ trương của Nhà nước khi thỏa thuận đấu nối. Trên cơ sở đồng thuận của địa phương, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng đầu tư theo các quy định hiện hành nhằm, góp phần phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đến với cộng đồng.