Kí ức về ngày đầu cấp căn cước công dân gắn chíp ‘lưu động’

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày này, lực lượng công an đang nỗ lực để hoàn thành chỉ tiêu cuối cùng trong “Chiến dịch” cấp CCCD gắn chíp do Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng phấn đấu đến trước ngày 01/7/2021 phải cấp 50 triệu thẻ mới. 

Trong đó, Nghệ An là 1 trong 10 tỉnh, thành được chọn làm điểm để tập trung chỉ đạo thực hiện cao điểm. Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi xác định phương châm “tìm đến với người dân, không để người dân phải tìm đến với Công an”. 

Với phương châm như vậy, đơn vị chúng tôi được chia thành các tổ lưu động, xuống tận khu dân cư ở các phường, xã trên địa bàn thành phố Vinh và các huyện, thị để làm thủ tục cấp CCCD. 

CBCS Phòng CSQLHC về TTXH, Công an tỉnh Nghệ An hỗ trợ công dân làm thủ tục cấp CCCD
 CBCS Phòng CSQLHC về TTXH, Công an tỉnh Nghệ An hỗ trợ công dân làm thủ tục cấp CCCD

Tôi vẫn nhớ chính xác như in ngày đầu tiên tham gia tổ cấp căn cước công dân lưu động của Phòng CSQLHC về TTXH, Công an tỉnh Nghệ An, vì đó là ngày bắt đầu của những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ với những cung bậc cảm xúc thăng trầm khác nhau, để lại ấn tượng sâu sắc trong kí ức của tôi. 

* * *

Ngày 8/3/2021, chúng tôi bắt đầu hành trình chuỗi ngày cao điểm. Đúng 5h30 phút sáng, người dân đã đến rất đông, đứng đợi sẵn để đăng ký làm CCCD. Nhìn thấy vậy, anh chị em trong tổ khẩn trương chia thành các tốp nhỏ, người thì lắp máy, người phát số, người hướng dẫn thủ tục, quy trình, lệ phí.

Chúng tôi được quán triệt nhận thức việc cấp CCCD gắn chíp điện tử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam; được quản lý bằng hệ thống các phần mềm và kết nối, tích hợp, chia sẻ trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Đây là nhiệm vụ mới, chưa có trong tiền lệ, nhiều nội dung khó, mang tính đột phá. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là danh dự của lực lượng Công an nhân dân.  

Ngay sau đó, tổ đã ổn định máy móc bước vào làm việc, vừa mới bắt đầu, tôi đã được gặp và trò chuyện cùng bác Nguyễn Thị Kim Hoa, nguyên là cán bộ làm công tác cấp chứng minh nhân dân của ngành Công an. Bác tâm sự: “Vào năm 1978, toàn ngành Công an thực hiện chiến dịch cấp CMND. Cũng giống như chúng tôi, Bác bày tỏ niềm hãnh diện khi là cán bộ cấp CMND đầu tiên cho người dân, với vô vàn khó khăn, gian khổ nhưng các bác vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, ngành giao phó”.

Các tổ công tác lưu động chúng tôi chủ yếu là nữ, các chị đều còn rất trẻ và hầu hết đang nuôi con nhỏ. Nhìn ai cũng gầy gò, đôi mắt thâm quầng vì hầu như ngày nào cũng thức đến đêm muộn nhưng lúc nào năng lượng cũng tràn đầy. 

Ngồi ở vị trí thu nhận hồ sơ, thượng uý Trần Thị Ngọc Mai tay vừa thoăn thoắt trên bàn phím, mắt nhìn đặc điểm nhận dạng của người dân, vừa thu nhận, kiểm tra thông tin chính xác để nhập liệu, miệng lúc nào cũng nở nụ cười tươi trò chuyện với bà con. Đồng chí Mai hiện nay đang nuôi con nhỏ 14 tháng tuổi, vì tham gia chiến dịch, chị đã phải cai sữa cho bé để tập trung, chuyên tâm hoàn thành công việc. Nhiều hôm, thấy các mẹ bế cả con nhỏ lên làm CCCD mà nỗi nhớ con của chị lại càng da diết. Chị đã tranh thủ chạy lại ôm và vỗ về em nhỏ mà nước mắt tủi thân cứ chực trào ra. Nhưng chỉ sau phút yếu lòng của một người mẹ, chị đã nhanh chóng xốc lại tinh thần, khẩn trương trở lại với guồng quay công việc của mình.

Xuống làm CCCD tại tận cơ sở dân cư cũng là cơ hội để chúng tôi được gần gũi, tiếp xúc, trò chuyện trực tiếp và được lắng nghe người dân chia sẻ nhiều điều. Cũng chính vì thế, chúng tôi được trải qua những câu chuyện đầy cảm xúc của cuộc sống. 

Trong ngày hôm đó, khi đang thực thi nhiệm vụ thì chị Nguyễn Thị Trường (ở khối 7, thị trấn Hưng Nguyên) tất tưởi chạy vào mếu máo trình bày, chồng chị là anh Nguyễn Xuân Hào bị tai nạn giao thông, phải chuyển viện gấp nhưng anh bị mất CMND dân, bây giờ cần làm CCCD khẩn cấp để anh có thể hoàn tất thủ tục chuyển viện. 

Ngay sau đó được sự đồng ý của cấp trên, chúng tôi cùng người nhà bắt đầu chuyển anh Hào từ băng ca xe cấp cứu xuống. Công nghệ chụp ảnh yêu cầu phải đảm bảo các thông số kỹ thuật, vì thế chụp cho người bình thường còn khó huống gì là 1 bệnh nhân còn nằm trên băng ca cấp cứu. Sau khi vận dụng hết toàn bộ các kỹ xảo, vất vả lắm chúng tôi mới có thể chụp ảnh, lăn tay cho anh được. 

Thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho bệnh nhân trên băng ca cứu thương
 Thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho bệnh nhân trên băng ca cứu thương

Sau khi chiếc xe cấp cứu rời đi, Thiếu tá Nguyễn Thị Hà - cán bộ trực tiếp hỗ trợ gia đình anh Hào làm CCCD trải lòng với tôi: “Chồng chị cũng bị tai nạn hiện đang nằm điều trị tại bệnh viện nên chị hiểu và cảm thông với sự sốt sắng, lo lắng của gia đình anh Hào. Vì làm chiến dịch nên chị không chăm sóc được cho chồng, tất cả phải nhờ con gái lớn học lớp 8 tự chăm bố đến lo ăn học cho cậu em sau. Khi thấy trường hợp của gia đình chị Trường anh Hảo như vậy, chị chỉ muốn nhanh chóng cùng mọi người giúp đỡ họ”. Bản thân chị Hà bị bệnh tim, nhưng vì tính chất công việc, được sự ủng hộ, động viên của gia đình nên chị cũng yên tâm tham gia, nỗ lực hoàn thành tốt chiến dịch cùng đồng đội.

* * *

Buổi sáng trôi qua nhanh chóng, vì mải miết với công việc, thoắt nhìn đồng hồ đã là 14 giờ chiều, nhìn sang thấy các đồng nghiệp vẫn đang hăng say làm việc mà chẳng ai nhớ đến chuyện ăn cơm trưa hay nghỉ ngơi một chút. Vừa hay lúc ấy Đại tá Lương Thế Lộc – Trưởng phòng mang nhiều suất cơm hộp bước vào. Ông động viên tổ công tác bằng những sự quan tâm nhỏ nhưng ấm áp. Đó là cái bắt tay rất chặt niềm tin, là lời chia sẻ nhẹ nhàng: “Con bé ở nhà có lẽ ngủ được giấc rồi nhỉ?”. Xuyên suốt hành trình tham gia tổ cấp CCCD lưu động, những đêm đi làm xa trung tâm thành phố đến tận 4 giờ sáng, lúc nào cũng có mặt của thủ trưởng đơn vị đến động viên tinh thần CBCS, điều đó như tiếp thêm sức mạnh, động lực cho chúng tôi phấn đấu, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.

Dù đã đến cuối chiều nhưng người dân đến hội trường càng lúc càng đông, chật kín, không phải ai cũng hiểu rõ công việc của các cán bộ, chiến sĩ, do đó cũng có một vài người sốt ruột, nôn nóng, bức xúc, nói lời nặng nhẹ, có hiện tượng tranh giành, chen lấn lẫn nhau. 

Mỗi lần như thế, anh, chị em cán bộ, chiến sĩ phải dành thời gian ổn định lại người dân, nhẹ nhàng giải thích cho họ hiểu và căn dặn họ chấp hành, thực hiện đúng quy trình. Có như thế mới đảm bảo đúng tiến độ và làm nhanh chóng nhất có thể. Tôi tự vấn rằng bên trong những con người bé nhỏ như vậy có sức mạnh gì mà suốt 3 tháng nay họ xuyên ngày, xuyên đêm, không một ngày nghỉ nhưng sự lạc quan, tận tâm và kiên nhẫn vẫn luôn thường trực trên khuôn mặt. 

Đại úy Chu Chi Quốc - Đội trưởng, Phòng PC06, Công an Nghệ An chỉnh sửa cho các cháu học sinh khi thu nhận ảnh
 Đại úy Chu Chi Quốc - Đội trưởng, Phòng PC06, Công an Nghệ An chỉnh sửa cho các cháu học sinh khi thu nhận ảnh

Quá trình làm việc, ngồi cạnh tôi là Đại uý Phan Thuỳ Dung, bàn tay thoắt thoắt cầm tay người dân lăn nhẹ nhàng trên bàn cảm ứng, vừa cười đùa với người dân để họ bớt căng thẳng. Công việc lăn tay là khâu vất vả nhất, vừa vất vả cho mình, vừa vất vả cho người dân. Vì là máy lăn bằng cảm biến nên cần sự chính xác, đúng kỹ thuật. Đôi lúc làm hơi lâu, người dân nóng ruột, mình cũng nóng ruột theo. Nhiều người dân họ làm lao động chân tay, vất vả suốt mấy chục năm trời, bàn tay chai sạn mất cả đường vân, không phải chỉ mỗi lăn mà thậm chí xoay, vặn các ngón tay đủ kiểu chỉ để lấy được vân tay. 

Một ngày lăn tay hơn 500 người, nhiều khi xong công việc, tay của cán bộ cũng mất cảm giác hoàn toàn. Không những vậy, đôi lúc còn gặp một vài trường hợp hi hữu, đó là khi làm thủ tục cấp CCCD cho những người bị mắc bệnh Down, tàn tật, hay ảnh hưởng thần kinh, tâm lý. Vừa làm vừa phải “ làm liệu pháp tâm lý” cho họ, khi thì cho kẹo, bôi son, khi đùa nghịch để họ ngồi im một chút, lắng nghe lời cho cán bộ lấy vân tay. 

* * *

Đêm về khuya, xung quanh tất cả đã vắng lặng, chìm trong bóng tối, chỉ duy nhất hội trường cấp CCCD vẫn sáng đèn; ở đó, những cán bộ vẫn miệt mài lăn tay, chụp ảnh cho người dân, thỉnh thoảng mọi người hài hước trêu nhau cho đỡ buồn ngủ.

Hơn 4 giờ sáng, ngoài trời đổ cơn mưa rào đầu hạ, công dân cuối cùng cũng đã hoàn thành, trong lúc thu dọn đồ đạc, có hai bác đội áo mưa đi vào, mọi người định lắp máy để tiếp tục phục vụ người dân nhưng họ không đến làm CCCD; đó là vợ chồng 2 bác trong khu dân cư đến để kịp đưa cho chúng tôi một nồi xôi xéo nóng hổi trước khi chúng tôi thu dọn thiết bị về nghỉ. Bác thúc dục: “Các cháu ăn đi cho nóng, lúc nãy thấy các cháu chỉ ăn bánh mì chắc đói lắm, làm cả ngày trời rồi". Tấm lòng của hai bác khiến các anh chị em trong tổ bần thần nhìn nhau, xúc động, vội vàng vui mừng cảm ơn ríu rít. 

Nhìn hai bác dân nhỏ bé, ướt sũng trong bộ áo mưa giữa trời đêm với nồi xôi xéo nóng hổi dúi vội vào tay, khoé mắt chúng tôi cay cay. Và, tôi đã có cho mình lời đáp cho câu hỏi, tại sao mọi người dù vất vả nhưng vẫn luôn nở nụ cười, ấy chính vì tình cảm của người dân. Bởi lẽ, người lính Cảnh sát Quản lý hành chính luôn lấy sự hài lòng, sự yêu thương, tin tưởng của nhân dân làm thước đo đánh giá chất lượng công việc mà mình ngày đêm vẫn đang làm, đang nỗ lực phấn đấu. 

Sau này, đi nhiều nơi, đến nhiều địa điểm, tiếp xúc với nhiều người dân ở những địa phương khác nhau, guồng quay công việc vẫn quay đều, dù làm ngày làm đêm kể cả ngày lễ, ngày nghỉ nhưng tôi đã nhanh chóng bắt nhịp, nắm rõ các thao tác, cùng mọi người trong tổ khẩn trương hoàn thành tốt các nhiệm vụ, đảm bảo cho mọi người dân địa phương ở mỗi nơi đi qua đều được làm thủ tục cấp CCCD.

 Đại úy Chu Chí Quốc -  Đội trưởng, Phòng PC06, Công an tỉnh Nghệ An

Đọc thêm