Nguồn gốc không hề âm độc
Nếu ai đã đọc Anh hùng xạ điêu, chắc hẳn không khỏi bị ám ảnh về cái tên Cửu âm bạch cốt trảo mà 2 vợ chồng Mai Siêu Phong – Trần Huyền Phong sử dụng. Cụ thể, 2 người này đã dùng người sống để luyện tập, găm thẳng ngón tay vào sọ. Bởi thế mà những nơi nào cặp đôi này sinh sống, chung quanh chất đầy các đầu lâu, được xếp ngay ngắn theo hình kim tự tháp.
Kinh dị hơn, trên những chiếc đầu lâu này đều có 5 lỗ thủng của 5 ngón tay cắm vào. Công phu luyện được càng cao thì các lỗ thủng càng tròn trịa, sắc nét. Cũng chính vì những yếu tố đó cho nên trong giang hồ vẫn coi đây là môn võ công âm độc nhất và gắn cho nó cái tên “Cửu âm bạch cốt trảo” không mấy hay ho.
Tuy nhiên, trong cuộc tương hội giữa Quách Tĩnh và Chu Bá Thông trên đảo Đào Hoa, người đọc mới được biết, thực chất, môn võ công này bị tiếng oan, nguyên do vợ chồng Mai Siêu Phong và Trần Huyền Phong không biết cách luyện. Cụ thể, đây là môn võ được ghi lại trong Cửu âm chân kinh. Bản thân Cửu âm chân kinh có hai quyển là quyển thượng và quyển hạ. Vợ chồng Mai – Trần vốn chỉ lấy trộm được một cuốn hạ từ tay sư phụ Hoàng Dược Sư, theo đó mà tu tập cho nên bị mất căn bản.
Cụ thể, thực ra, tên thật của môn võ công này là Cửu âm thần trảo. Khi luyện, người ta cũng chỉ dùng ngón tay chọc vào vách đá để luyện tập, nâng cao công phu. Tuy nhiên, vợ chồng Mai – Trần không hiểu được điều đó mà nhầm sang một hướng hoàn toàn khác. Cụ thể, trong quyển hạ có viết: “Năm ngón phát kình, không gì cứng không phá được, chụp vào đầu óc như xuyên vào đậu hũ”.
Trong đó, chụp vào đầu óc mang ngụ ý là tấn công vào chỗ hiểm yếu của địch, nhưng Mai Siêu Phong và Trần Huyền Phong hiểu sai hết, cho rằng phải chụp vào đầu người sống thì mới luyện được môn võ này. Từ đó dấy động can qua trong võ lâm. Theo như Chu Bá Thông thuật lại thì yếu chỉ của bộ Cửu âm chân kinh vốn là học đường lối theo tự nhiên của Ðạo gia, xua quỷ trừ tà để trường sinh dưỡng mệnh. Và tất nhiên, môn võ này không hề hướng người ta trở thành những kẻ độc ác, tàn nhẫn như thế.
|
Về sâu xa, Cửu âm chân kinh được viết bởi Hoàng Thường, một quan văn trong triều dưới thời đại vua Huy Tông triều Tống, theo lệnh của hoàng đế thu thập hết sách của Đạo gia 5481 quyển viết thành bộ sách Vạn thọ Đạo tàng. Nhờ trí thông minh và kiên trì, Hoàng Thường đã học được toàn bộ các bí kíp võ học Đạo gia và trở thành một cao thủ võ lâm. Sau đó, theo lệnh của Huy Tông hoàng đế, Hoàng Thường dẫn quân đến tiêu diệt Minh Giáo và giết được một vài cao thủ giáo phái này.
Sau đó Hoàng Thường bị người thân của các cao thủ sát hại cả nhà, chỉ một mình chạy thoát, lên núi luyện võ để báo thù. Sau một thời gian dài tu luyện và ngộ được đạo lý võ học, Hoàng Thường xuống núi với ý định trả thù nhưng ông nhận ra tất cả các đối thủ đều đã chết hết, thậm chí con cái đối thủ cũng đã già nua, Hoàng Thường hết ý định trả thù, nhưng tiếc những kiến thức võ học Đạo gia mà mình học được nên viết thành bộ Cửu âm chân kinh gồm hai quyển: Quyển thượng bao gồm đạo lý thâm ảo của Đạo gia từ đó đúc kết thành bí kíp rèn luyện nội công căn bản, tiêu biểu đoạn mở đầu trong quyển thượng có câu “Đạo của trời là cắt cái có thừa bù vào chỗ không đủ, cho nên hư có thể thắng thực, không đủ có thể thắng có thừa” lấy ý “Đạo trời lấy chỗ thừa mà đắp vào chỗ thiếu hụt” từ Đạo Đức kinh của Lão Tử. Quyển hạ gồm các chiêu thức khắc địch và bảo vệ thân thể.
Những ai luyện được bí kíp?
Đầu tiên, chắc chắn phải kể để là vợ chồng Mai Siêu Phong – Trần Huyền Phong như đã nói ở trên. Họ là hai đệ tử của Hoàng Dược Sư, được học nghệ trên đảo Đào Hoa. Hai người này là huynh muội đồng môn, nảy sinh tình cảm với nhau nhưng không dám công khai vì sợ tính tình khó đoán của Hoàng Dược Sư.
Bởi vậy, cả hai cùng nhau bỏ trốn và trước khi rời đảo đã lấy trộm quyển hạ trong bộ Cửu âm chân kinh. Khi biết chuyện Trần Huyền Phong và Mai Siêu Phong lén rời đảo và còn lấy trộm quyển hạ của Cửu âm chân kinh, Hoàng Dược Sư đã nổi giận đánh gãy chân tất cả các đệ tử còn lại, và đuổi ra khỏi Đào Hoa đảo.
Rời khỏi Đào Hoa đảo, Trần Huyền Phong và Mai Siêu Phong kết nghĩa vợ chồng, và cùng nhau luyện Cửu âm chân kinh. Do lo sợ bị cướp mất quyển sách quý, Trần Huyền Phong đã xăm nội dung của quyển này vào bụng mình, và sau đó đốt bỏ quyển sách. Trần Huyền Phong và Mai Siêu Phong trong khi luyện Cửu âm bạch cốt trảo đã giết rất nhiều người lấy sọ để tập luyện, đến khi luyện thành thì lại tiếp tục gây nhiều chuyện sóng gió trên giang hồ.
|
Vì hai người này luôn đi cùng với nhau, nên được giang hồ gọi là Hắc Phong song sát. Ngoài ra, Trần Huyền Phong và Mai Siêu Phong còn luyện một môn võ công khiến cho da thịt cứng như sắt đá. Do đó, Trần Huyền Phong còn được giang hồ gọi là đồng thi, còn Mai Siêu Phong được gọi là thiết thi. Mặc dù vậy, môn võ công này vẫn có nhược điểm là trên cơ thể người luyện sẽ có một yếu huyệt, nếu yếu huyệt này bị đánh trúng thì người luyện sẽ bị trọng thương mà chết.
Sau này, tại thảo nguyên Mông Cổ, Mai Siêu Phong bị Giang Nam thất quái làm mù mắt, còn Trần Huyền Phong bị Quách Tĩnh vô tình dùng chủy thủ đâm vào chỗ yếu hại mà mất mạng. Kể từ sau cái chết của Trần Huyền Phong, Mai Siêu Phong bị mù nên không còn tung hoành được như xưa và sau cùng chết thảm dưới chưởng của Âu Dương Phong do đỡ đòn cho sư phụ. Mai Siêu Phong sau này cũng truyền môn võ công âm độc này cho đệ tử Dương Khang.
Sau này, Cửu âm chân kinh xuất hiện trong bộ Ỷ thiên đồ long ký. Cụ thể, sau khi tuẫn tiết tại thành Tương Dương, vợ chồng Quách Tĩnh – Hoàng Dung đã dấu bí kíp Cửu âm chân kinh trong Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm. Sau này, võ lâm dậy sóng để tranh giành hai món vũ khí lợi hại này.
|
Cuối cùng, người đoạt được Cửu Âm Chân Kinh không ai khác là cô gái Chu Chỉ Nhược là đệ tử phái Nga My, được sư phụ Diệt Tuyệt sư thái truyền y bát để thành chưởng môn phái này. Tuy nhiên, cũng như vợ chồng Mai Siêu Phong, Chu Chỉ Nhược đã luyện sai cách nên đi theo hướng âm độc của Cửu âm bạch cốt trảo. Trong cuộc tỉ võ trên núi Thiếu Thất, Chu Chỉ Nhược dùng Cửu âm bạch cốt trảo áp chế quần hùng nhằm đoạt quyền định đoạt số mạng Tạ Tốn để trả thù Trương Vô Kỵ.
Trương Vô Kỵ sau này đấu với Chu Chỉ Nhược nhưng vì nể tình xưa, đành rút chiêu tự đánh vào mình và trọng thương. Biết là Chu Chỉ Nhược không thể thắng nổi vòng Kim Cang Phục ma của ba vị cao tăng Thiếu Lâm đang canh giữ Tạ Tốn, Trương Vô Kỵ đề nghị liên thủ với Chu Chỉ Nhược. Hai người liên thủ giao đấu với ba vị cao tăng và đưa được Tạ Tốn ra ngoài.
Chu Chỉ Nhược định dùng Cửu âm Bạch cốt trảo giết chết Tạ Tốn để Trương Vô Kỵ phân tâm sẽ bị tử thương bởi vòng Kim Cang Phục Ma của ba vị cao tăng. Tuy nhiên lúc Chu Chỉ Nhược chuẩn bị xuống tay thì bị cô gái áo vàng dùng Cửu âm chân kinh đánh bại. Cô gái áo vàng đó được gọi là Hoàng Sam nữ tử, chi tiết về nàng rất ít, và nàng cũng chỉ xuất hiện chóng vánh. Tuy nhiên, có thể coi đây là hậu duệ của Dương Quá và Tiểu Long Nữ.