Kiểm soát, tái sử dụng nguồn nước thải: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

(PLO) - Trước những thách thức lớn về ô nhiễm do chất thải rắn, nước thải, khí thải công nghiệp chứa nhiều hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên và đời sống của người dân tại nhiều địa phương. Việc đưa ra các giải pháp kiểm soát, tái sử dụng nguồn nước thải trong thời điểm hiện tại là hết sức cần thiết, góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm và nước mặt. 
Một trong những giải pháp giúp giảm thiểu ô nhiễm là đẩy mạnh đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải.
Một trong những giải pháp giúp giảm thiểu ô nhiễm là đẩy mạnh đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động trên vẫn còn vướng phải không ít khó khăn nan giải.

Xử lý nước thải còn nhiều nan giải

Trong đời sống hiện nay, hoạt động xử lý nước thải là lĩnh vực đang được xã hội quan tâm, đặc biệt trước những thách thức lớn của biến đổi khí hậu. Bởi vậy, năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành điều chỉnh định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, nhiều điểm mới được chỉ rõ như: Phát triển hệ thống thoát nước an toàn, bền vững, quản lý tài nguyên theo lưu vực sông, tái xử lý nước thải, nước mưa, cũng như quản lý bùn thải, lựa chọn công nghệ thi công, công nghệ xử lý, cải tạo, sửa chữa hệ thống đường ống an toàn thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng…

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có gần 40 nhà máy xử lý nước thải tập trung ở đô thị với tổng công suất xử lý đạt 890.000m3/ngày (chiếm 12-13%). Nhưng tồn tại một nghịch lý là, nước thải hầu như vẫn chưa được xử lý và xả thẳng vào nguồn tiếp nhận. Chỉ rõ điểm này, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường năm 2016, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, cả nước hiện có 615 cụm công nghiệp nhưng chỉ khoảng 5% trong số đó có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu; hơn 4.500 làng nghề; hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000m3 nước thải. Đặc biệt, 787 đô thị thải ra khoảng 3.000.000m3 nước thải/ngày đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý...

Khách quan nhìn nhận, hệ lụy trên một phần xuất phát từ việc thiếu đồng bộ cơ sở hạ tầng. Chỉ nói riêng về hệ thống thoát nước đô thị hiện cũng tồn tại không ít hạn chế. Trong đó rõ nhất là việc hệ thống này được đầu tư xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau, không hoàn chỉnh, đồng bộ, thoát nước chung cho tất cả các loại nước thải và nước mưa. 

Ngoài ra, việc xử lý nước thải hầu như vẫn chưa được thực hiện nghiêm. Chẳng hạn, riêng về nước thải ở các đô thị, theo quy định, nước thải từ hệ thống thoát nước khu đô thị, nhà chung cư khi xả vào nguồn tiếp nhận phải bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật môi trường do Bộ TN&MT ban hành. Tuy nhiên, thực tế quy định này chưa được thực hiện nghiêm, nhiều chủ đầu tư vẫn tìm cách trì hoãn việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải. 

Cần đồng bộ hóa nhiều giải pháp

Rõ ràng, áp lực từ phát triển kinh tế đã đè nặng lên vấn đề môi trường đòi hỏi phải đưa công nghệ mới vào kiểm soát ô nhiễm, kiểm soát nguồn nước và tái sử dụng phục vụ cho phát triển. Những năm gần đây, các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên nước đã tích cực được đổi mới, hoàn thiện. Nghị định 80/2014/CP của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải khuyến khích việc tái sử dụng nước mưa phục vụ các nhu cầu, góp phần giảm ngập úng, tiết kiệm tài nguyên nước, giảm thiểu việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm và nước mặt... là ví dụ điển hình. 

Triển khai theo định hướng này, Hà Nội đã không ngừng đẩy mạnh công tác đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xử lý môi trường. Ví dụ cách đây ko lâu, UBND TP Hà Nội đã tổ chức lễ khánh thành dự án nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức). Với công suất thiết kế 20.000m3/ngày đêm, nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà đi vào hoạt động kỳ vọng sẽ xử lý triệt để nước thải làng nghề, tái sử dụng nguồn nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, góp phần tích cực giảm thiểu ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, phát triển bền vững các làng nghề trong khu vực.

Quanh câu chuyện kiểm soát, tái sử dụng nguồn nước thải trong giai đoạn hiện tại, không ít ý kiến cho rằng, đối với từng loại xả thải, cần phải có quy chuẩn riêng. Chẳng hạn, xả thải nước sinh hoạt phải có quy chuẩn khác biệt so với xả thải từ sản xuất công nghiệp hoặc từ bệnh viện và các khu công nghiệp tập trung.

Phân tích sâu hơn quan điểm này, ông Hoàng Văn Bẩy - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết: “Một giải pháp đặc biệt quan trọng là phải thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước như Luật Tài nguyên nước đã quy định. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xem xét, ban hành thông tư quy định cụ thể về việc này. Theo đó, sẽ xã hội hóa việc quan trắc lưu lượng, chất lượng nước thải, nghĩa là các cơ sở xả nước thải, các cơ sở khai thác nước sẽ phải tự đầu tư lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, phân tích chất lượng nước thải... và kết nối tự động trực tuyến hoặc nhập số liệu quan trắc định kỳ vào hệ thống giám sát chung do Nhà nước đầu tư (bao gồm phần cứng, phần mềm và đường truyền) tạo thành một hệ thống thống nhất giữa trung ương, địa phương, thậm chí trên từng lưu vực sông. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý ở cả trung ương và địa phương với các phần mềm phân tích, xử lý số liệu trực tuyến sẽ theo dõi thường xuyên, phát hiện và cảnh báo, xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật”.

Đọc thêm