Phát sinh nhiều vướng mắc khó khắc phục
Theo đó, Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua, tại một số cục hải quan tỉnh, thành phố còn xảy ra tình trạng việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả chưa kịp thời dẫn đến vướng mắc phát sinh khó khắc phục.
Trong đó, nhiều phát sinh khó khắc phục như: không thu được tiền phạt, không tái xuất được tang vật vi phạm ra khỏi Việt Nam; không thu được tiền từ biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm; không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy tang vật vi phạm ghi trong quyết định vi phạm; không cập nhật đầy đủ vào hệ thống quá trình xử lý từ thời điểm ban hành quyết định đến thực hiện quyết định và kiểm tra việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính...
Theo quy định tại Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật... Người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt và thông báo kết quả thi hành xong quyết định cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương”.
Rà soát, khắc phục những hạn chế
Cũng tại Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật này”. Khoản 8a Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định: “Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả” là hành vi bị nghiêm cấm trong xử phạt vi phạm hành chính. Khoản 16 Điều 22 Nghị định 19/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính quy định: “Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt, việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cá nhân, tổ chức thực hiện” là một trong các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 Nghị định 19/2020/NĐ-CP.
Để khắc phục những hạn chế phát sinh, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát các vụ việc phát sinh tại đơn vị để xác định các trường hợp đã ra quyết định xử phạt, quyết định áp dụng hình thức phạt bổ sung, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nhưng đã quá thời hạn quy định mà quyết định chưa được thực hiện và đơn vị chưa thực hiện việc đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành các quyết định này.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trên cơ sở kết quả rà soát, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành các quyết định này; xác định trách nhiệm theo phân cấp quản lý công chức và các quy định hiện hành đối với trường hợp công chức Hải quan có vi phạm trong quá trình theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành các quyết định.