Qua gần 5 năm triển khai, đến nay đã có 451 đối tượng là người nghèo và dân tộc thiểu số được bào chữa/bảo vệ trong 451 vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kết quả rất tích cực.
Điển hình như vụ “cố ý gây thương tích” xảy ra ở huyện An Biên ngày 21/7/2019. Ông Phạm Văn Thi (hoàn cảnh gia đình thuộc diện hộ nghèo, không biết chữ, nghề nghiệp làm thuê), mâu thuẫn nên dùng cây đánh người hàng xóm, hình phạt có thể đến 3 năm tù. Quá trình bào chữa cho bị cáo, Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) đã kiên trì động viên được nạn nhân rút yêu cầu vào phút chót tại phiên tòa và thỏa thuận bồi thường thiệt hại 41,6 triệu đồng nên vụ án được đình chỉ, bị cáo thoát án tù.
Một vụ khác gần đây, TAND huyện Giồng Riềng đưa ra xét xử Thạch Dương Phát cùng Danh Hoàng là người dân tộc Khmer cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn về tội cướp giật tài sản. Tham gia bào chữa, TGVPL đã thu thập chứng cứ giảm nhẹ, chứng minh nhân thân của bị cáo tốt, động viên bị hại xin giảm nhẹ hình phạt… Tòa đã chấp nhận quan điểm của TGVPL, chuyển khung hình phạt và giảm cho mỗi bị cáo 24 tháng tù so với mức thấp nhất mà VKS đề nghị.
Còn rất nhiều vụ việc tương tự có các đối tượng là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số được TGPL bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, từ đó góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.